Xã hội
Tiền Giang chú trọng đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
09:58 AM 03/02/2020
(LĐXH)-Tiền Giang là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cách Thành phố Hồ Chí Minh 70 km về phía Nam, có diện tích tự nhiên 2.508 km2.
Theo kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân số của tỉnh Tiền Giang có 1.764.185 người, bao gồm: dân số nữ 900.342 người, chiếm 50,98% tổng dân số, dân số khu vực thành thị là 247.583 người, chiếm 14% tổng dân số. Trong đó, dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 65,8% tổng dân số và tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49,5%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị 2,5%.
Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 5.664 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, trong đó có trên 3.500 doanh nghiệp có thuê lao động. Tỉnh Tiền Giang hiện có 04 Khu công nghiệp và 4 cụm công nghiệp đang hoạt động thu hút trên 108.000 lao động đang làm việc Theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh sẽ hình thành 7 KCN và 27 cụm CN.
Với đặc điểm, vị trí địa lý của tỉnh khá thuận lợi trong việc tạo việc làm trong nước cho người lao động, song tỉnh xác định giải pháp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là hướng giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Qua Chương trình này cũng sẽ giúp cho người lao động có thời gian trải nghiệm tay nghề, học hỏi kỹ thuật, học cách quản lý hiệu quả, rèn luyện tác phong công nghiệp,… góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tỉnh Tiền Giang trong những năm qua đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây nói gọn là công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài) song kết quả đạt được vẫn chưa được như mong đợi. Cuối năm 2017, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Hội nghị đã thảo luận và đánh giá về nguyên nhân dẫn đến kết quả số người đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh Tiền Giang thấp hơn so với tiềm năng, để từ đó có giải pháp phù hợp nhằm tạo sức bật mới cho công tác này trong thời gian tới. Một trong những giải pháp được cho là đột phá, tạo sức bật mới đối với công tác này là chính sách hỗ trợ vay vốn của tỉnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Năm 2018, tỉnh ban hành một loạt các văn bản như: Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 17/9/2018 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác đưa người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND ngày 13/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh về bổ sung đối tượng chính sách được vay vốn từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội để đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Quyết định số 21/2018/QĐ-UBND ngày 26/10/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về quy định cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội;… Nội dung cụ thể của chính sách này là: Hiện nay, Nghị định 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 6/7/2015 có hiệu lực thi hành thì người lao động thuộc nhóm đối tượng trên được vay từ nguồn vốn TW đến dưới 100 triệu đồng, từ 100 triệu đồng trở lên thì sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh; Người lao động thuộc diện chính sách của tỉnh (người trong độ tuổi lao động thuộc diện mồ côi hoặc xuất thân từ các cơ sở BTXH; Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng, đại học chưa có việc làm ổn định; Thanh niên chưa có việc làm ổn định) cũng được vay với mức tối đa 100% chi phí theo hợp đồng, kinh phí cho vay hoàn toàn từ nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
Để triển khai thực hiện chủ trương của tỉnh, ngay từ đầu năm 2019, Ủy ban nhân dân của 11 đơn vị huyện lần lượt tổ chức hội nghị xúc tiến tại địa phương và đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền như: phát tờ rơi, tài liệu; treo băng rôn tuyên truyền tại các trường PTHT, các trường trung cấp, cao đẳng; khảo sát nhu cầu của người lao động có nguyện vọng đi làm ở nước ngoài kết hợp với cuộc điều tra cung lao động; tổ chức hội nghị đánh giá hoạt động tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp và trao đổi giải pháp đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tổ chức tư vấn, tuyên truyền trực tiếp tại 79 xã và 03 Trường PTTH trên địa bàn,....
Kết quả, đã tư vấn cho 1.865 lao động có nguyện vọng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2018), có 926 lượt lao động đăng ký tham gia (tăng 358,2% so với cùng kỳ năm 2018) và đã có 349 lao động xuất cảnh (tăng 71,9% so với cùng kỳ năm 2018, và đạt 232,7% so với kế hoạch năm, đạt 116,3% so với kế hoạch phấn đấu), trong đó xuất cảnh qua Nhật Bản là 312 lao động, Đài Loan là 36 lao động, Malaysia là 01 lao động.
Nhìn chung, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện nay trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có chuyển biến tích cực, chính sách mới của tỉnh về cho vay tín chấp 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài được triển khai vào cuối năm 2018 đã tạo sức sống mới trong công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn, đào tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài, mở ra cơ hội cho các em học sinh sinh viên, người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài nhưng gặp khó khăn về tài chính. Các ngành, địa phương đặc biệt quan tâm hơn nên kết quả đạt được có nhiều chuyển biến tích cực.
Mặc dù số người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã tăng và vượt kế hoạch năm nhưng cũng chưa cao, một số địa phương trong tỉnh vẫn chưa tích cực chỉ đạo công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, công tác thông tin tuyên truyền chưa có nhiều hình thức mới, đồng thời vẫn còn xảy ra việc tuyên truyền chưa đúng đối tượng có nhu cầu tham gia. Mặt khác, hiện nay nguồn cung lao động đã giảm đáng kể, áp lực giải quyết việc làm không còn lớn như trước, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng thiếu hụt lao động càng gây nên sự cạnh tranh về nguồn đối với các thị trường có thu nhập trung bình. Cùng với đó, người lao động còn ngại học ngoại ngữ, sợ không đáp ứng được yêu cầu khắt khe của doanh nghiệp tuyển dụng ở một số nước phát triển như Nhật Bản nên chưa mạnh dạn đăng ký tham gia. Một số thông tin về tinh thần thiếu trách nhiệm của một số công ty dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã tạo tâm lý không tốt cho người lao động, gây nhiều khó khăn cho việc tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ, chỉ tiêu và kế hoạch về lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Tiền Giang chủ động thực hiện những giải pháp sau:
1.Tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến các ngành, các cấp, nhất là cấp huyện và xã về: chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; chính sách cho vay vốn của tỉnh đối với người lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài; cơ chế phối hợp giữa các ngành trong quản lý và kiểm soát hoạt động của các trung tâm du học, doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
- Tăng cường giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng lợi ích của việc đi làm việc ở nước ngoài; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, thực hiện các bản tin, phóng sự trên báo, đài, thông tin tuyên truyền bằng các hình thức tờ rơi, panô,...; thực hiện phim tư liệu về đời sống và công việc của những người lao động làm việc tại nước ngoài, khơi dậy ý chí vượt khó, vươn lên, chăm chỉ lao động, tích lũy vốn và kinh nghiệm để lập nghiệp sau khi trở về nước.
- Các hội, đoàn thể tăng cường lồng ghép nội dung đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong các buổi sinh hoạt của hội, đoàn thể, nhất là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh…
- Bên cạnh việc tuyên truyền diện rộng, các địa phương cần tập trung vào các xã, ấp có nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài có hiệu quả, các địa phương có thành tích tốt làm hạt nhân để đẩy mạnh công tác đưa người lao động ra nước ngoài làm việc; không giao chỉ tiêu có tính bình quân cho tất cả các địa phương. Khuyến khích các địa phương nhận chỉ tiêu cao để được xem xét cộng điểm thưởng khi xét thi đua đối với chính quyền, đoàn thể ở cơ sở.
- Xây dựng mạng lưới cộng tác viên là cán bộ các tổ chức đoàn thể, là viên chức các cơ sở đào tạo để trực tiếp tư vấn, tuyên truyền người lao động, học sinh, sinh viên; đặc biệt là xây dựng mạng lưới cộng tác viên là người thân của các gia đình có người lao động đi làm việc ở nước ngoài thành đạt, tích luỹ được vốn để tuyên tuyền trong người thân, họ hàng, láng giềng nơi cư trú… xác định được đối tượng có nguyện vọng để giới thiệu cho các doanh nghiệp như: học sinh vừa tốt nghiệp các trường, bộ đội vừa xuất ngũ chưa có việc làm, lao động phổ thông chưa có việc làm ổn định…
Trung tâm Dịch vụ việc làm là cơ quan đầu mối làm trung gian tham gia xây dựng cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và cộng tác viên của tỉnh về chế độ trách nhiệm và thù lao tương xứng.
2. Tạo nguồn lao động qua đào tạo tại các cơ sở đào tạo
Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực gắn với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động ngoài nước, nhằm nâng cao chất lượng, cũng như tính hiệu quả của công tác hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài.Ngành nghề được quan tâm đào tạo dự nguồn: các nghề trong lĩnh vực cơ khí, điện, xây dựng, công nghiệp may, chế biến thực phẩm, thủy hải sản, nông nghiệp, điều dưỡng, hộ lý, …Tích cực khai thác nguồn điều dưỡng viên, hộ‎ lý đã tốt nghiệp trường Cao đẳng y tế tỉnh và đặc biệt quan tâm đến số sinh viên, học sinh tốt nghiệp các trường chưa tìm được việc làm hoặc chưa có việc làm phù hợp để tư vấn đi làm việc ở nước ngoài.
 3. Liên kết, hợp tác với với doanh nghiệp có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài
Tại tỉnh không có tổ chức, doanh nghiệp, chi nhánh dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Để thực hiện nhiệm vụ này, tỉnh ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tỉnh khác để thực hiện việc tư vấn, tuyển chọn và tạo nguồn tại địa phương và chỉ hợp tác với doanh nghiệp có trách nhiệm, có uy tín, và có đơn hàng tốt.
Để bảo vệ quyền lợi người lao động, tăng cường sự phối hợp giữa các ngành tỉnh, huyện, xã kiểm soát hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để chấn chỉnh, kịp thời xử lý trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới hình thức đi làm việc ở nước ngoài, dưới vỏ bọc du học sinh phô trương bảng hiệu lập lờ giữa tư vấn du học và đi làm việc ở nước ngoài,…. làm ảnh hưởng đến công tác đưa người đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh
4. Tiếp tục thực hiện chính sách cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài; đề xuất bố trí kinh phí từ ngân sách tỉnh đảm bảo đủ  vốn để Ngân hàng CSXH cho người lao động vay đi làm việc ở nước ngoài. 5. Về tuyên truyền, vận động người lao động đang cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc về nước đúng hạn
- Thành lập đoàn công tác gồm tỉnh, huyện, xã đến trực tiếp một số hộ gia đình có người lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc chưa về nước để tuyên truyền, vận động. Sau đó giao cho địa phương tổ chức rà soát, vận động số gia đình còn lại có người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc. Yêu cầu gia đình ký bản cam kết vận động con em về nước đúng hạn, tìm hiểu rõ nguyên nhân không về nước và tình hình liên lạc với gia đình.
- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (đài phát thanh huyện/xã, cổng thông tin điện tử của ngành) về các chính sách ưu đãi của Hàn Quốc và Việt Nam đối với người lao động sau khi hết hạn HĐLĐ về nước đúng hạn; những nguy cơ rủi ro đối với người lao động nếu hết hạn HĐLĐ, ở lại làm việc cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Hy vọng, với những nỗ lực không ngừng, kết quả về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài  ở tỉnh Tiền Giang sẽ có nhiều triển vọng hơn trong thời gian tới./.

Nguyễn Minh Trí

Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Tiền Giang
 
Từ khóa: