Xã hội
Tiền Giang: Điểm sáng trong công tác giảm nghèo bền vững
10:07 AM 20/12/2023
(LĐXH) - Ông Lý Văn Cẩm – Giám đốc Sở LĐ - TB&XH tỉnh Tiền Giang cho biết: Năm 2023, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phấn đấu kéo giảm thêm 0,2% số hộ nghèo so với năm 2022, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống mức 1,07% so tổng số hộ nghèo trong tỉnh.

Đoàn công tác giám sát về giảmnghèo của Sở LĐ - TBXH tỉnh Tiền Giang làm việc với các địa phương về thực hiện chương trình giảm nghèo năm 2023 trên địa bàn tỉnh

Để thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong năm 2023, tỉnh Tiền Giang đề ra nhiều giải pháp trọng tâm nhằm hỗ trợ hộ nghèo đa dạng hóa các mô hình sinh kế phù hợp với đặc thù từng vùng, từng địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng và nhân rộng những mô hình giảm nghèo nông thôn cũng như tích cực hỗ trợ hộ nghèo về vốn, kỹ thuật phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng đồng thời tăng cường giáo dục nghề nghiệp, nâng cao trình độ nghề, giúp người lao động có thêm việc làm, thu nhập cho kinh tế hộ... 

Bên cạnh đó, tỉnh còn có những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước được triển khai kịp thời, đầy đủ, đến tận người dân, có hiệu quả và đúng quy định. Người nghèo được tiếp cận một cách nhanh chóng, thuận lợi, phát huy tác dụng của các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, tín dụng, thông tin, tiền điện, nước sạch vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm, nhà ở và các hỗ trợ đột xuất khác… đã thực sự góp phần giúp đỡ người nghèo cải thiện đời sống, vượt qua khó khăn để thoát nghèo. Từ năm 2021 đến nay, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho 71.039 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn, với tổng số tiền hơn 2.458 tỷ đồng. Qua đó đã hỗ trợ tạo việc làm cho 16.649 lao động; 107 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, 30.393 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường và 7.037 học sinh, sinh viên được vay vốn. Riêng trong 8 tháng năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội Tiền Giang giải ngân cho 18.890 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn với số tiền hơn 587 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay đã hỗ trợ tạo việc làm cho 3.532 lao động, 52 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, xây dựng 11.100 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường... Đồng thời, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho 90.579 người, trong đó: người nghèo 15.338 thẻ, người cận nghèo 24.647 thẻ; người trong hộ gia đình làm nông lâm ngư diêm nghiệp: 8.826 thẻ; người sinh sống xã đảo: 38.718 thẻ; vận động khám, chữa bệnh và tặng quà cho 51,694 lượt người nghèo với tổng trị giá 1,01 tỷ đồng, nâng tổng số tiền từ đầu năm đến nay 2,19 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ đào tạo nghề sở cấp, dưới 03 tháng cho 5.993 học viên (đạt 68,89% kế hoạch).

Trang trại trồng thơm rộng hơn 30.000 m2 của gia đình Thương binh nặng Trần Thị Loan (ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang

Ông Lý Văn Cẩm, Giám đốc Sở cho biết, tính từ tháng 7-2021 đến hết tháng 6-2023 đối với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, qua kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, cụ thể: Năm 2021, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 thì tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 1,47%, đạt vượt kế hoạch đề ra; năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 1,27%, đạt vượt kế hoạch đề ra. Năm 2023, với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 của Chính phủ xuống còn 1,07% so với số hộ toàn tỉnh (giảm khoảng 1.000 hộ nghèo, tương đương giảm tỷ lệ khoảng 0,2%). Tỉnh đang phấu đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn  giảm còn dưới 1% theo Kế hoạch của Tỉnh ủy đề ra.

Để thực hiện đạt mục tiêu, kế hoạch đặt ra, Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp thời gian qua được kiện toàn, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, từng cấp trong việc định hướng nội dung hoạt động, xây dựng kế hoạch, tổ chức hướng dẫn và kiểm tra, giám sát trong thực hiện các chính sách, dự án của chương trình.    Đồng thời, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong năm 2023, tỉnh Tiền Giang đã đề ra nhiểu giải pháp đồng bộ, trọng tâm nhằm hỗ trợ hộ nghèo đa dạng hoá các mô hình sinh kế phù hợp với đặc thù từng vùng, từng địa phương và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng, nhận rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ cho hộ nghèo vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật phát triển sản xuất; tăng cường công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nhằm tăng thu nhập cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao thuộc diện hộ nghèo, khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững.    

Bên cạnh đó, Sở còn phối hợp cùng các ngành hữu quan đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trong khuôn khổ Chương trình giảm nghèo bền vững năm 2023, gồm: Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin... hướng tới các mục tiêu cụ thể như: Giúp bà con phát triển sản xuất, mở mang kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh... nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống tại những địa bàn khó khăn. Cùng với đó, địa phương quan tâm tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ; dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Đặc biệt là phát huy vai trò các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh trong việc liên kết phát triển sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị, mở mang ngành nghề nông thôn gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, sản phẩm chủ lực. Qua đó, thiết thực giúp lao động nghèo có thu nhập ổn định, tạo tiền đề vượt khó, thoát nghèo và vươn lên tạo dựng cơ nghiệp.

Tỉnh cũng chú trọng đa dạng hóa các mô hình sinh kế theo nhu cầu xã hội và trình độ người lao động trên cơ sở phát huy tốt tiềm năng và lợi thế của địa phương vừa phù hợp mục tiêu hướng tới của Chương trình giảm nghèo bền vững. Trong đó, trên lĩnh vực nông nghiệp quan tâm tập huấn kỹ thuật, tư vấn chuyển giao khoa học, công nghệ thâm canh, trợ giúp vốn liếng sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi cho bà con có nhu cầu cùng những hỗ trợ khác theo quy định. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành hữu quan xây dựng và nhân rộng những mô hình làm ăn hiệu quả quy mô nông hộ hoặc liên kết sản xuất giải quyết đầu vào và đầu ra sản phẩm, nông dân hưởng lợi, góp phần giảm nghèo nông thôn và xây dựng nông thôn mới thành công.

Mô hình nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần giảm nghèo bền vững được tỉnh Tiền Giang nhân rộng trên địa bàn

 Song song đó, trong năm 2023, tỉnh cũng tiếp tục tiến hành khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề kết nối đào tạo nghề cho người lao động, ưu tiên hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người lao động có thu nhập thấp. Trên cơ sở đó, Sở cùng các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp, gắn kết giáo dục nghề nghiệp, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong người lao động. Địa phương hướng đến đào tạo nghề theo địa chỉ vừa giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững, giúp lao động nghèo có thêm cơ hội tìm được việc làm phù hợp. Ngoài ra, tỉnh tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của xã hội về chung tay thúc đẩy giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đặc biệt là tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi các gương điển hình, những sáng kiến hay, mô hình tốt về giảm nghèo hiệu quả tại địa phương. Qua đó, nhân rộng, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo trong người dân và cộng đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Công tác giảm nghèo vẫn còn những hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các Dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 như: Bộ chưa có văn bản hướng dẫn việc xác định “người lao động có thu nhập thấp. Một số nội dung do Trung ương đầu tư phần mềm (việc tìm người - người tìm việc, sàn giao dịch việc làm trực tuyến, cơ sở dữ liệu lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) còn chậm. Mặt khác, các văn bản tổ chức thực hiện Dự án phải xây dựng theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên chậm ban hành. Việc chiêu sinh đối tượng là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia các lớp đào tạo nghề đạt tỷ lệ rất thấp, không đủ số lượng để mở lớp học theo quy định. Mặc dù, các cấp chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động nhiều lần nhưng người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo không đăng ký tham gia.

Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác giảm nghèo và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang tiếp tục đề ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn dưới 1%. Để thực hiện được mục tiêu này, Tỉnh đề ra các giải pháp trọng tâm như: tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng về mục tiêu giảm nghèo đến các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, nhất là hộ nghèo, người nghèo nhằm thay đổi tư duy và chuyển biến sâu sắc nhận thức trong công tác giảm nghèo; khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo để thoát nghèo bền vững. Tập trung đẩy mạnh công tác huy động các nguồn lực nhà nước và xã hội để đầu tư thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu giảm nghèo và phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Hoàng Cảnh