Xã hội
Tiền Giang thực hiện tốt công tác BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW
11:06 AM 09/12/2021
(LĐXH)-Những năm qua, công tác BHXH tỉnh Tiền Giang đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các thủ tục thực hiện BHXH được cải cách, đem đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động (NLĐ) và người dân đối với hệ thống an sinh xã hội, trong đó có BHXH, BHYT đã thay đổi nhiều, tỷ lệ bao phủ BHXH cũng từng bước gia tăng.
Đạt được kết quả trên là do tỉnh Tiền Giang đã tích cực thực thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018  của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch và quán triệt triển khai cụ thể các Nghị quyết trên như: Chương trình hành động số 34-CTr/TU ngày 10/9/2018 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) "Về cải cách chính sách BHXH" trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 23/8/2018 của UBND tỉnh chỉ đạo về việc tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH theo nội dung Chỉ thị số 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ...
Các cấp, các ngành chủ động và phối hợp thực hiện tuyên truyền nội dung 2 Nghị quyết 28 và 125 và Bộ luật Lao động, các chính sách BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Trong 1 năm qua, từ tháng 10/2020-9/2021, công tác tuyên truyền được thực hiện qua nhiều hình thức. Cụ thể là tổ chức 04 lớp tập huấn, 337 cuộc hội nghị, tư vấn, đối thoại với 14.345 lượt người, bao gồm: Tổ chức hội nghị tập huấn cho cán bộ nguồn tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động của các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện; Tổ chức hội nghị tập huấn cho tuyên truyền viên pháp luật lao động của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, bao gồm: lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ quản lý nhân sự, cán bộ phụ trách BHXH và cán bộ công đoàn; Phổ biến, tư vấn, giải đáp thắc mắc trực tiếp cho người lao động tại các doanh nghiệp, khu nhà trọ công nhân tự quản; Tổ chức hội nghị tuyên truyền, đối thoại trực tiếp và vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, cài đặt ứng dụng VssID,….
Tại Tiền Giang, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội ngày càng tăng
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cùng các ngành, chính quyền địa phương tổ chức treo băng rôn, tờ phướn, áp phích, tranh cổ động, cấp phát tờ gấp, tờ rơi, báo, tạp chí BHXH để người sử dụng lao động, người lao động và người dân tìm hiểu; Đăng tin, bài, giải đáp thắc mắc về các chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, trên tờ Thông tin Nội bộ Ban Tuyên giáo, trên website Bảo hiểm xã hội, Lao đông - Thương binh và Xã hội và các ngành khác.  Phát thanh tuyên truyền hàng năm với tần suất từ 2-3 lần/tuần thông qua Đài Truyền thanh cấp huyện; đồng thời tiếp âm qua tất cả các loa truyền thanh xã, phường, thị trấn...
Hàng năm, ba ngành BHXH, Liên đoàn Lao động tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều tổ chức đánh giá những kết quả đạt được và những khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện phối hợp. Qua đó, 3 ngành đề ra phương hướng, nhiệm vụ thực hiện phối hợp trong thời gian tới, đồng thời đưa ra những giải pháp khắc phục hạn chế, trong đó tập trung vào một số nội dung chính như: công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách về pháp luật lao động, BHXH, BHTN, công tác hướng dẫn, tổ chức thực hiện chế độ, chính sách về pháp luật BHXH, BHTN, công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về BHXH, BHTN của người dân, người lao động.
Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang cũng chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHTN. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp song trong 11 tháng của năm 2021, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, BHXH và các sở, ngành liên quan đã thành lập 13 đoàn thanh tra, kiểm tra 149 doanh nghiệp trên địa bàn. Qua đó đã phát hiện ra những lỗi vi phạm pháp luật song do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên các đoàn thanh tra, kiểm tra không lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính mà đề nghị các doanh nghiệp thực hiện nộp BHXH do nộp thiếu thời gian đóng BHXH cho 113 lao động với số tiền là 413.749.522 đồng; truy đóng do đóng thiếu mức đóng cho 284 lao động với số tiền là 110.135.360 đồng; thực hiện thu hồi 8.451.494.738 đồng trong tổng số tiền nợ đóng khi thực hiện thanh tra, kiểm tra là 9.484.245.602 đồng. Đồng thời, thực hiện đôn đốc, nhắc nhở và yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT, nộp tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định.
Thông qua các Quy chế phối hợp giữa các sở, ngành có liên quan về lao động, ngành Bảo hiểm xã hội tiếp tục chủ động phối hợp trong việc liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các ngành: Thuế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư,… để quản lý số lượng doanh nghiệp đang hoạt động, số lượng lao động đang làm việc. Từ đó, xác định rõ số lao động của các doanh nghiệp thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN và yêu cầu người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia BHXH bắt buộc, BHTN đầy đủ theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức họp liên ngành giải quyết những vướng mắc trong công tác thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT.
Đồng thời, để tăng cường quản lý chặt chẽ người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định, ngành Bảo hiểm xã hội thường xuyên gửi thông tin trao đổi, đối chiếu về tình hình người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có việc làm và đóng BHXH bắt buộc đến ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, nhằm kịp thời thông báo đến người lao động biết để tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc thu hồi số tiền trợ cấp thất nghiệp đã hưởng. Ngành BHXH cũng thực hiện giải quyết đúng quy định của pháp luật về BHXH, BHTN đầy đủ, kịp thời cho người lao động, nên không nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan về BHXH, BHTN. Từ tháng 10/2020 đến tháng 9/2021, các hòa giải viên lao động cấp huyện đã hòa giải thành 11 vụ tranh chấp lao động cá nhân - đạt 91,7%, hòa giải không thành là 01 vụ - chiếm 8,3%. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tranh chấp lao động cá nhân là doanh nghiệp không trả đủ tiền lương khi chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp không trả sổ BHXH khi nghỉ việc, doanh nghiệp đóng BHXH không đủ số tháng làm việc thực tế.
Với việc tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ, Tiền Giang đã đạt được những kết quả đáng kể trong thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 125/NQ-CP. Trong 9 tháng đầu năm 2021, số người tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn tỉnh là: 204.643 người. Số người tham gia BHXH tự nguyện: 18.893 người, trong đó: số nông dân và lao động khu vực phi chính thức: 18.893 người.  Số người tham gia BHTN: 98.980 người. Tỷ lệ người lao động tham gia BHXH (bắt buộc và tự nguyện) so với lực lượng lao động trong độ tuổi là: 223.536 người, chiếm 20,2% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tỷ lệ nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện so với lực lượng lao động trong độ tuổi là: 18.893 người, chiếm 1,7% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tỷ lệ người tham gia BHTN so với lực lượng lao động trong độ tuổi: 98.980 người, chiếm 9% lực lượng lao động trong độ tuổi. Các chính sách, chế độ BHXH được triển khai, giải quyết đầy đủ, kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia. Đặc biệt, đối với chế độ chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định 28/2021/QĐ-TTg, trong hơn 1 tháng triển khai thực hiện, ngành Bảo hiểm xã hội đã chi hỗ trợ cho hơn 160.000 người lao động với số tiền 371 tỷ đồng đạt 96% so với kế hoạch đề ra. 
Bên cạnh đó, tỷ lệ giao dịch điện tử trong thực hiện chính sách BHXH: trên 90%. Mức độ thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực BHXH (tỷ lệ so với số dịch vụ công đang cung cấp) đạt: 100%. Số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp là: 108 giờ. Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH là: 100%. Nhìn chung ngành Bảo hiểm xã hội Tiền Giang đã thực hiện niêm yết công khai các quy định, thủ tục hồ sơ xét hưởng chế độ BHXH theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH về Quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BHTN; Quyết định số 378/QĐ-BHXH ngày 11/3/2020 của BHXH Việt Nam về ban hành quy trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh những điều cần biết về BHXH. Công tác cải cách hành chính được triển khai theo đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra; tác phong, thái độ ứng xử của cán bộ ngành Bảo hiểm xã hội đối với người dân, người sử dụng lao động, người lao động tham gia BHXH, BHTN được cải thiện, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và được quán triệt sâu sắc trong cán bộ ngành.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, công tác BHXH, BHTN đã đạt được những kết quả quan trọng, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHTN có tăng. Để thực hiện chính sách BHXH hiệu quả hơn nữa, Tiền Giang đề xuất, kiến nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có phương án hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã giảm theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã... Bổ sung quy định người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ ốm đau, thai sản nhằm khuyến khích, thu hút người lao động tham gia, tiến tới bao phủ BHXH toàn dân./.
Mỹ Hạnh
 
 
Từ khóa: