Tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số
(LĐXH) Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS &MN) đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ngày càng tập trung vào các hộ người dân tộc thiểu số (DTTS), vùng DTTS&MN đang trở thành lõi nghèo của cả nước. Trước thực tế đó, Nhà nước cần tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN, từ đó cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS.
Những chuyển biến tích cực của vùng dân tộc thiểu số, miền núi
Theo báo cáo của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, giai đoạn 2016-2020, kinh tế vùng DTTS&MN đã có chuyển biến tích cực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch, vụ; ngành nông nghiệp đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nhờ ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, hình thành nhiều vùng trồng cây ăn quả, chăn nuôi có quy mô lớn, hiện đại như Sơn La, Bắc Giang, Thái Nguyên...
Phát triển du lịch gắn với văn hóa các dân tộc đang là xu thế phát triển ở nhiều nơi, mang lại việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ đồng bào DTTS. Tăng trưởng kinh tế các tỉnh vùng DTTS&MN giai đoạn 2016-2020 trung bình khoảng 7%/năm (chỉ tiêu GRDP) cao hơn bình quân chung của cả nước. Do đó đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, bình quân khoảng 4%/năm, riêng xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và huyện nghèo giảm từ 4-5%; có 08/64 huyện nghèo thoát nghèo; 124/2139 xã và 1.322/20.176 thôn ĐBKK ra khỏi diện đầu tư Chương trình 135; 106/2.139 xã ĐBKK đạt chuẩn nông thôn mới.
Về kết cấu hạ tầng, giai đoạn 2016-2020, Nhà nước đã bố trí nguồn vốn khoảng 998 nghìn tỷ đồng để xây dựng nhiều hạng mục hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển KT-XH như: Giao thông, điện, trường học, cầu dân sinh, nước sạch, trạm y tế... Đến năm 2020 toàn vùng DTTS&MN có 98,4% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% số xã và 97,2% số thôn có điện lưới quốc gia; 100% số xã có trường tiểu học và trung học cơ sở; 99,7% số xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,3% số xã có trạm y tế...
Về giáo dục và đào tạo, đến cuối năm 2019, 100% các tỉnh vùng DTTS&MN được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mần non cho trẻ 5 tuổi; tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học 99,35%, trung học cơ sở là 92,27%; việc dạy và học chữ dân tộc được thực hiện ở 715 trường học trên địa bàn 22 tỉnh, thành trong cả nước, với 6 thứ tiếng: Mông, Chăm, Khmer, Gia Rai, Ba Na, Ê Đê. Cơ sở vật chất, chất lượng dạy và học trong hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú ngày càng được nâng lên, hiện có 316 trường phổ thông dân tộc nội trú, trong đó có khoảng 40% đạt chuẩn quốc gia.
Về y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ đội ngũ y bác sĩ ở vùng DTTS&MN ngày càng được nâng lên, tạo điều kiện để trẻ em, người nghèo, người DTTS ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện khám chữa bệnh. Hiện có 98,4% số xã có trạm y tế hoạt động, trong đó 90% số xã có bác sĩ; 96% số thôn bản có nhân viên y tế; hiện có khoảng 93% người DTTS có thẻ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh...
Về văn hóa thông tin, đến năm 2020 có 95% số xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình và 100% địa bàn vùng DTTS&MN được phủ sóng mạng di động; phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc ngày càng được chú trọng, hiện có 67 đài phát thanh, truyền hình (trong đó có 64 đài địa phương) tham gia sản xuất các chương trình, chuyên đề về đời sống, văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán, sản xuất... góp phần tuyên truyền, quảng bá văn hóa, phổ biến kiến thức đến đồng bào các DTTS.
Công tác đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS&MN và khu vực biên giới không ngừng được củng cố và tăng cường. Khối đại đoàn kết các dân tộc, niềm tin của đồng bào các DTTS đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được tăng cường và củng cố.
Vẫn là lõi nghèo của cả nước
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển KT-XH ở vùng DTTS&MN thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế, đó là: Sản xuất của đồng bào DTTS còn nhỏ lẻ, lạc hậu, manh mún, chủ yếu là trồng cây lương thực ngắn ngày (lúa, ngô, sắn) mang nặng tính tự sản, tự tiêu, thiếu ứng dụng khoa học công nghệ và liên kết trong sản xuất với kết nối thị trường. Tỷ lệ hộ nghèo ngày càng tập trung vào hộ nghèo người DTTS, vùng DTTS&MN đang trở thành lõi nghèo của cả nước, chênh lệch về mức sống có xu hướng ngày càng gia tăng (năm 2015 là 3,3 lần; năm 2018 là 4,12 lần).
Người dân thôn Lủng Pảng, xã Côn Minh, huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn) làm đường giao thông nông thôn
Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa ở vùng đồng bào DTTS&MN tuy đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung vẫn còn thấp, mức độ tiếp cận các dịch vụ về giáo dục còn nhiều khó khăn; tỷ lệ người DTTS chưa đọc thông, viết thạo chữ phổ thông còn cao (khoảng 20%). Việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống vùng DTTS&MN vẫn còn rất nhiều khó khăn, mới chỉ có khoảng 18,36% người DTTS biết văn hóa truyền thống; có 65% số xã có nhà văn hóa. Cơ sở hệ thống thông tin vùng DTTS&MN chưa đầy đủ, chính xác, gây khó khăn cho công tác nghiên cứu, đề xuất chính sách.
Tình trạng di cư tự do chưa được giải quyết hiệu quả; tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất vẫn chưa được giải quyết; tình trạng tranh chấp, khiếu kiện đòi lại đất và vi phạm pháp luật về đất đai và pháp luật bảo vệ và phát triển rừng ở các nông, lâm trường vẫn còn phổ biến dẫn đến nhiều nơi vẫn xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Tình trạng buôn bán, sử dụng ma túy, buôn lậu đang có chiều hướng gia tăng ở một số tỉnh biên giới, nhất là Sơn La, Điện Biên… dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn nhiều vấn đề gây bất ổn về xã hội.
Ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu đến đời sống, kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN ngày càng phức tạp, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của đồng bào, nhất là vùng núi phía Bắc, khu vực miền Trung, Tây Nguyên; hiện tượng nước biển dâng, xâm nhập mặn đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của đồng bào vùng Tây Nam Bộ.
Một só nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết giai đoạn 2021-2026 để phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi
Theo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, trước thực trạng trên, Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan cần bám sát tinh thần Nghị quyết 88/QH/2019 và Nghị quyết 120/QH/2020 của Quốc hội về Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030 và những yêu cầu của tình hình mới để triển khai, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính sau:
Bổ sung những chính sách cụ thể để giải quyết và hạn chế, tác động, ảnh hưởng của dịch Covid đến khu vực miền núi, dân tộc, nhất là tháo gỡ những khó khăn về sản xuất, lưu thông và tiêu thụ nông sản; trợ cấp cho các đối tượng mất việc làm khu vực phi chính thức, người chưa và không có hợp đồng lao động.
Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, nhất là giao thông để tăng cường giao thương thúc đẩy sản xuất hàng hóa, cải thiện điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin cho người dân.
Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách lâm nghiệp, làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng gắn với ổn định và nâng cao thu nhập góp phần nâng cao đời sống đồng bào gắn với rừng. Giải quyết triệt để tình trạng phá rừng, vi phạm pháp luật, nhất là đối với các tỉnh Tây Nguyên.
Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc; qui hoạch, bố trí sắp xếp, di rời các hộ dân trong vùng thiên tai nguy hiểm gắn với sắp xếp lại các công ty nông lâm nghiệp theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Trước mắt cần tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế chính sách để sớm hoàn thành việc xây dựng nhà ở mới cho các hộ dân bị thiệt hại do bão lũ vừa qua các tỉnh khu vực miền Trung giúp đồng bào ổn định sống.
Giải quyết dứt điểm vấn đề di dân các tỉnh khu vực Tây Nguyên, trọng tâm là Đắc Lăc, Đắc Nông và Lâm Đồng để bảo đảm người dân ổn định cuộc sống cũng như bảo đảm thực hiện tốt chính sách dân tộc của Nhà nước.
Xây dựng và triển khai nhanh, có hiệu quả Chương trình nhiệm vụ khoa học, công nghệ cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi làm tiền đề và động lực cho phát triển lực lượng sản xuất, thay đổi tập quán và hình thành quan hệ sản xuất mới phù hợp, góp phần thực hiện tốt Chương trình phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình Nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững./.
Thảo Lan
Từ khóa:
-
Ông Nguyễn Văn Khang - Thành công kinh doanh gắn liền với tấm lòng nhân ái
22-11-2024 18:34 22
-
LC Foods nhiều hoạt động lan tỏa yêu thương tới trẻ em nghèo
22-11-2024 18:20 22
-
Ổn định việc làm trao cơ hội và động lực giảm nghèo cho người dân ở Kim Bôi
22-11-2024 18:20 18
-
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
21-11-2024 08:58 53
-
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
20-11-2024 14:36 55
-
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
19-11-2024 19:05 09
- Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
- Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
- Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới