Tiếp tục xây dựng chính sách bảo trợ xã hội đa tầng, linh hoạt, lấy con người làm trung tâm
Tham dự Hội nghị có TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; ông Đào Ngọc Thịnh, Vụ trưởng, Chủ tịch Công đoàn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng biên tập Tạp chí Lao động – Xã hội; đại diện Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 63 tỉnh, thành phố; các cơ sở trợ giúp xã hội, các bệnh viện, trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng, các trường Đại học đào tạo công tác xã hội trong nước, Đại học Simon Fraser (Canada), đại học Melbourne (Úc), tổ chức UNICEF, USAID, VNAH và các tổ chức quốc tế khác.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội nhấn mạnh: Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng bởi quá trình biến đổi khí hậu và đang trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh nên số người cần sự trợ giúp xã hội trên cả nước lớn, ước tính khoảng 30% dân số cả nước, gồm: người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, hộ nghèo, đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, người nhiễm HIV, người nghiện ma tuý, ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị bạo lực, bạo hành trong gia đình, bị buôn bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Trong những năm qua, Ðảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách trợ giúp xã hội và phát triển nghề công tác xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội. Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết nhằm bảo đảm an sinh xã hội, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách trợ giúp xã hội ngày càng được bổ sung và hoàn thiện. Diện đối tượng thụ hưởng chính sách ngày càng mở rộng, mức chuẩn trợ giúp xã hội từng bước được nâng lên, phù hợp với khả năng bố trí của ngân sách nhà nước. Nguồn lực đầu tư phát triển các lĩnh vực trợ giúp xã hội và phát triển nghề công tác xã hội ngày càng lớn, được tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực xã hội khác. Các lĩnh vực trợ giúp xã hội và phát triển nghề công tác xã hội đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Ðời sống vật chất và tinh thần của đối tượng bảo trợ xã hội và người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân và sự ổn định chính trị - xã hội. Mạng lưới cung cấp dịch vụ công tác xã hội được hình thành, quy hoạch và từng bước mở rộng, gia tăng số lượng người dân được thụ hưởng dịch vụ.
TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu khai mạc Hội nghị
Bộ và các địa phương luôn coi bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, nguồn lực đầu tư của Nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quan trọng. Đầu tư cho an sinh xã hội là đầu tư cho phát triển. Nhà nước có chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia trợ giúp xã hội; đồng thời, tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh, không ngừng cải thiện, nâng cao tinh thần, vật chất, bảo đảm công bằng, ổn định xã hội và phát triển bền vững.
Bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Lào Cai phát biểu chào mừng Hội nghị
Công tác xây dựng chính sách trợ giúp xã hội trong năm 2018 và những năm vừa qua đã bám sát các chủ trương của Đảng, Nhà nước như Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, Nghị quyết 20-NQ/TW, NQ 21-NQ/TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới, đặc biệt các Nghị quyết 18-NQ/TW, NQ 19-NQ/TW năm 2017 về sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, khả năng huy động, cân đối nguồn lực của đất nước, xu hướng quốc tế, từng bước tiếp cận với mức sống tối thiểu trong từng thời kỳ, ưu tiên người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo, người sống ở vùng núi, vùng hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; trợ giúp xã hội đa dạng về mô hình, toàn diện cả vật chất và tinh thần phù hợp với vòng đời con người, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân; bảo đảm người dân gặp rủi ro được hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước, các tổ chức và cộng đồng; phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội; bảo đảm 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất bởi thiên tai, lũ lụt được trợ giúp kịp thời; nâng mức trợ cấp xã hội hàng tháng; có chính sách trợ giúp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sống ở vùng núi, vùng hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; thực hiện chính sách người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội của Nhà nước được hưởng trợ cấp xã hội; người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hường, Đại học South Carolina trình bày tham luận về
Khung pháp luật quốc tế và đề xuất khung pháp lý về phát triển CTXH chuyên nghiệp ở Việt Nam
Theo báo cáo của Cục Bảo trợ xã hội, trong năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp gạo cứu đói tổng số 7.826,400 tấn gạo cho 64.979 hộ/260.889 nhân khẩu do bị ảnh hưởng bởi thiên tai; trình Thủ tướng Chính phủ xuất cấp trên 1.200 tỷ đồng để cứu trợ dân sinh, khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu sau các trận thiên tai lớn; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 7 quyết định hỗ trợ gạo cứu đói trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất với tổng số gạo cứu trợ là 11.848,293 tấn gạo cho 255.625 hộ, 796.425 lượt người dân thiếu đói thuộc 18 tỉnh; trình ban hành 08 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 9.833,340 tấn gạo cứu đói giáp hạt đầu năm 2018 cho 623.803 nhân khẩu thuộc 17 tỉnh.
Về trợ giúp thường xuyên, đến nay cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 2.863.318 người, trong đó: 42.734 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 1.634.367 người cao tuổi; 1.012.623 người khuyết tật đang hưởng trợ cấp và 172.844 đối tượng khác.
Đặc biệt, công tác chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội thông qua cơ quan Bưu điện đã được 60 tỉnh, thành phố thực hiện.
Năm 2018, chúng ta đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực bảo trợ xã hội và y tế xã hội, được Thủ tướng Chính phủ và Bộ tặng Bằng khen.
GS. Harry Minas, Đại học Menburne - Australia trình bày về mô hình trầm cảm: Tổng quan và khuyến nghị cho Việt Nam
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung chính sau:
- Đánh giá kết quả triển khai công tác bảo trợ xã hội và y tế xã hội năm 2018, trong đó làm rõ những kết quả đạt được và các tồn tại, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện cần tháo gỡ, giải quyết.
- Xác định và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, y tế xã hội năm 2019 và định hướng giai đoạn tới.
- Triển khai Chương trình phối hợp giữa Bộ LĐTBXH và Bộ Y tế về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới, giai đoạn 2018 - 2021.
- Xây dựng, triển khai Đề án phát triển Y tế ngành LĐTBXH giai đoạn 2019 - 2030. Đổi mới toàn diện các cơ sở y tế (kể cả tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, thái độ, phong cách phục vụ, nâng cao đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế), lấy người bệnh làm trung tâm và hướng tới sự hài lòng của người bệnh để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, điều dưỡng, khám bệnh, chữa bệnh, chỉnh hình và phục hồi chức năng. Tăng cường các giải pháp hiệu quả thu hút nguồn nhân lực có trình độ về làm việc tại các cơ sở y tế của ngành.
- Tổ chức triển khai tốt các chính sách trợ giúp xã hội và y tế xã hội, triển khai tốt công tác xác định mức độ khuyết tật theo quy định tại Thông tư số 01/2019/TT-LĐTBXH ngày 02/01/2019.
Lê Xuân Thều, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc trình bày tham luận tại Hội nghị
Trong phần trình bày của mình, Giáo sư Harry Minas, Đại học Melbourne – Australia quan tâm đến mô hình trầm cảm, tổng quan toàn cầu và những khuyến nghị cho Việt Nam. Theo ông, bệnh trầm cảm nên được ưu tiên hơn trong chăm sóc sức khỏe, xã hội và chính sách. Để làm được việc đó, nâng cao chất lượng nhân lực là một trong những khuyến nghị được ông nhấn mạnh.
“Cải thiện đào tạo bác sĩ, các chuyên gia y tế khác và các nhà quản lý dịch vụ y tế và xã hội. Tăng cường phát triển dịch vụ cho trầm cảm”, ông Hary Minas nói.
Liên quan đến mô hình dịch vụ chăm sóc bán trú cho trẻ em khuyết tật, thạc sĩ Công tác xã hội Đàm Hằng cho hay cần thiết phải đa dạng hóa dịch vụ hỗ trợ dành cho trẻ em khuyết tật.
“Trẻ khuyết tật còn tồn tại nhiều rào cản như có đến 7695 người khuyết tật là người dưới 18 tuổi sống tại các cơ sở chăm sóc người khuyết tật; 57,3% trạm y tế có chương trình phục hồi chức năng cho người khuyết tật. 2% trẻ em khuyết tật từ 2- 5 tuổi điều trị tại các cơ sở phục hồi chức năng khi bị ốm, bệnh, chấn thương. Và tỷ lệ trẻ khuyết tật sống trong hộ gia đình có máy vi tính (19,4%), có điện thoại di động (15,41%), có tiếp cận internet (40,92%)”, bà Hằng cho biết.
Ông Vũ Văn Thông, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh
tham luận về kết quả thực hiện chính sách trợ giúp xã hội ở Quảng Ninh
Tại Hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện các Sở, các trung tâm bảo trợ xã hội trên cả nước cũng cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện các chính sách trợ giúp xã hội, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết chính sách an sinh xã hội cho người dân, nghiên cứu xây dựng kế hoạch cấp số an sinh xã hội, thẻ an sinh xã hội điện tử cho người dân.
Song song, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp xã hội, đổi mới toàn diện các cơ sở y tế (kể cả tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, thái độ, phong cách phục vụ, nâng cao đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế) để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, điều dưỡng, khám bệnh, chữa bệnh, chỉnh hình và phục hồi chức năng của ngành.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã đi tìm hiểu thực tế hoạt động chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội tại Trung tâm Công tác xã hội Lào Cai./.
Thảo Lan