Văn hóa - Thể thao
Tiikerie Pham – Đạo diễn âm thanh người Việt và hành trình 13 năm với điện ảnh quốc tế
02:29 PM 30/06/2023
(LĐXH)-Những trải nghiệm của đạo diễn Tiikerie Pham tôi trên con đường sự nghiệp đã thôi thúc ông muốn giúp đỡ những nhà làm phim trẻ gặp khó khăn trong nghề, cung cấp cho họ cơ hội, định hướng, nguồn lực và sự hỗ trợ. Tiikerie Pham muốn truyền cảm hứng cho nhà làm phim trẻ để mở khóa sự sáng tạo, đem đến góc nhìn độc đáo của mình để bắt đầu hành trình nghệ thuật ra thế giới.
Đạo diễn Tiikerie Pham tham gia nhiều dự án toàn cầu tại Pháp, Thái Lan, Việt Nam và Hoa Kỳ, làm việc cùng các thương hiệu, nghệ sĩ quốc tế và đối tác hàng đầu thế giới, bao gồm Netflix Originals, CGV Korea, Kantana Thailand, các liên hoan phim quốc tế và các bảo tàng danh tiếng thế giới.
Với vị trí lãnh đạo Chuỗi Studio Hậu kỳ âm thanh phim, ông Tiikerie Pham đã sáng tạo cho 41 bộ phim điện ảnh và 13 triển lãm đa phương tiện quốc tế. Ông ghi dấu ấn với 9 giải thưởng toàn cầu, cho cả phim và tác phẩm nghệ thuật.
Một trong những thành tựu cao quý trong sự nghiệp của Tiikerie Pham là bộ phim “Ròm” năm 2019, một dự án mà ông dày công đóng góp trong suốt 5 năm và đã giành giải thưởng tại Liên hoan phim quốc tế Busan lần thứ 24. Năm 2019, ông hợp tác với nghệ sĩ Phan Thảo Nguyên trong bộ phim Mute Grain (Hạt câm) đã đạt được giải thưởng Nghệ thuật Châu Á Hugo Boss.
Ông Tiikerie Pham cũng đóng vai trò đạo diễn âm thanh cho bộ phim kinh dị "KFC" của Lê Bình Giang, nhận được giải thưởng trong Liên hoan Phim châu Á người Mỹ tại New York năm 2019. Ngoài ra, tác phẩm đa phương tiện "Tropical Siesta" (2018) đã giúp ông giành được Giải thưởng Nghệ thuật Chữ ký của Quỹ APB Foundation năm 2018. Với những giải thưởng này, đã khẳng định tính đa năng của Tiikerie Pham trong việc mang đến trải nghiệm âm thanh xuất sắc ở nhiều thể loại phim khác nhau.
Tiikerie Pham

PV: Cơ duyên nào đưa anh đến ngành điện ảnh và trở thành đạo diễn âm thanh?

Ông Tiikerie Pham: Tôi xuất thân từ một vận động viên Bóng nước (Waterpolo) của Đội tuyển Quốc gia Việt Nam, tôi có nhiều năm thi đấu SEA Games và cũng đoạt giải thưởng. Hành trình cá nhân của tôi có một bước ngoặc gọi là “Khoảnh khắc Hố đen” khi tôi gặp chấn thương.

Với một đôi tai đau ngâm nước 10 tiếng/ngày do luyện tập cường độ cao ở cấp độ tuyển quốc gia cùng HLV Mỹ khắt khe, thế giới tôi sụp đổ hoàn toàn khi tôi chấn thương và tìm cứu rỗi ở nghệ thuật với đôi tai đó. Tôi cảm nhận hình ảnh hay mọi cảm xúc đều bằng đôi tai tôi từng ghét bỏ khi bơi lội đó!

Hố đen hay những gì ta sợ hãi, tuyệt vọng và ghét bỏ ở bản thân lại chính là thứ bắt tôi phải tạo nên bước ngoặc. Điều đó đau đớn và cũng rất tuyệt vời. Do những trải nghiệm đó, tôi hiểu rõ những thách thức và rào cản mà những nghệ sĩ đam mê phải đối mặt và tôi tin rằng, nếu có  sự quyết tâm đem đến cách kể chuyện độc đáo, ý niệm mới mẻ, bất kỳ ai cũng có thể vượt qua những rào cản đó và tạo ấn tượng sâu sắc nhất trong thế giới sáng tạo, dù là bạn xuất thân từ đáy hay bên vực thẳm.

Những trải nghiệm của riêng tôi trên con đường sự nghiệp càng thôi thúc tôi giúp đỡ những nhà làm phim trẻ đang bước đầu gặp những khó khăn trong nghề. Tôi muốn cung cấp cho họ những cơ hội, định hướng, nguồn lực và sự hỗ trợ. Tôi muốn truyền cảm hứng cho họ để mở khóa sự sáng tạo thậm chí từ “Hố đen" của họ, dám đem đến góc nhìn độc đáo của mình để bắt đầu hành trình nghệ thuật ra thế giới.

PV:  Ông tiếp cận như thế nào với thiết kế âm thanh trong điện ảnh và điều đó đóng góp thế nào vào sự thành công của tác phẩm diện ảnh?
Ông Tiikerie Pham: Đối với tôi, mối quan hệ giữa âm thanh và hình ảnh là tương đồng. Tôi tin rằng âm thanh có sức mạnh để nâng cao và tăng cường tác động cảm xúc của việc kể chuyện hình ảnh. Bằng cách thử nghiệm tỉ mỉ với các kỹ thuật khác nhau và kết hợp các phương pháp truyền thống và đương đại, tôi muốn tạo ra các cấu trúc âm thanh độc đáo, làm phong phú câu chuyện và gợi cảm xúc sâu sắc trong khán giả. Điều quan trọng là tìm được sự cân bằng và hài hòa giữa âm thanh và hình ảnh, đảm bảo rằng chúng hoạt động cùng nhau để tạo ra trải nghiệm thống nhất và mê hoặc mà khán giả cảm nhận sau khi phim kết thúc.
Tiikerie Pham làm việc tại Oceanphonic Sound Studios tại Pháp 
PV: Ông có thể cho chúng tôi biết về một dự án cụ thể nổi bật và cách thiết kế âm thanh của ông đóng góp vào thành công của nó?
Ông Tiikerie Pham: Một dự án đặc biệt đáng nhớ đối với tôi là bộ phim "Ròm". Đó là một cuộc hành trình kéo dài 5 năm với ekip làm phim Ròm, những người sáng tạo nghệ sĩ trẻ nhưng tài năng nhất mà tôi biết, cùng nhau chúng tôi đạt được thành công tại Liên hoan phim Quốc tế Busan lần thứ 24 và các giải thưởng và liên hoan phim quốc tế cho quả trình sáng tạo của chúng tôi, các bạn có thể xem thước phim đặc biệt “Ròm”, Những câu chuyện chưa kể - chuỗi Behind the Scenes chúng tôi kể về quá trình này. Từng giọt mồ hôi và nước mắt của đoàn phim trong khâu tiền kỳ đã làm tôi có động lực lớn để sáng tạo khâu hậu kỳ âm thanh cho phim một cách nghiêm túc trong nhiều năm tại cả Việt Nam và Pháp. Để rồi, bạn có thể chưa từng ở trong khu chung cư cũ đó nhưng bạn sẽ cảm nhận tới sởn da gà bằng tất cả giác quan về cuộc sống của con người Việt Nam, khán giả của chúng tôi không chỉ rơi nước mắt về bộ phim, mà còn về quá trình sáng tạo “nằm gai nếm mật" trong suốt 5 năm đó vì chúng tôi muốn lột tả bằng cả trái tim tất cả góc ngách cảm xúc của người dân Sài gòn khi đối diện với sự đổi thay của nền kinh tế. 
Thành công của bộ phim "Ròm" không chỉ củng cố niềm tin của tôi với thế hệ đạo diễn, nghệ sĩ và nhà làm phim thế hệ Gen Z của Việt Nam, mà còn giúp tôi tìm thấy sức mạnh của âm thanh trong đa loại hình nghệ thuật sáng tạo sau này. Như cách tiếng nhịp tim hay lời hát của người mẹ làm đứa trẻ trong bụng mẹ cảm thấy ấm áp, hay cách một bản giao hưởng làm tôi khóc nhớ về người đã khuất, thậm chí ai cũng từng một lần bất ngờ khi một âm thanh của thiên nhiên “len lỏi" vào tâm hồn và chữa lành cho họ, tôi tin tôi có sứ mệnh tìm tòi khám phá phép màu của âm thanh, cống hiến vào giấc mơ của mỗi người làm phim kể những câu chuyện mới mẻ về thế hệ của họ, mong có thể lay động nơi sâu nhất của tâm hồn khán giả dù họ đến với thế giới phim điện ảnh hay tới thế giới nghệ thuật đương đại.
 
Ước mơ thành lập quỹ hỗ trợ đạo diễn trẻ người Việt ở khắp thế giới
PV: Ông có thể cho chúng tôi biết thêm về tầm nhìn và ước mơ của mình khi tới với điện ảnh thế giới, đặc biệt hướng tới cộng đồng người Việt trên thế giới?
Ông Tiikerie Pham: Tôi muốn thành lập một quỹ hỗ trợ các nhà làm phim trẻ, đặc biệt là cộng đồng người Mỹ gốc Việt, cộng đồng Việt Nam toàn cầu. Qua quỹ này, tôi muốn cung cấp hỗ trợ tài chính, hướng dẫn và nguồn lực cho những nghệ sĩ trẻ nổi bật ở Việt Nam. Bằng cách nuôi dưỡng tài năng và cho phép họ thể hiện tầm nhìn độc đáo của mình, chúng tôi có thể thu gọn khoảng cách cơ hội và truyền sức mạnh cho nghệ sĩ để tạo ra ảnh hưởng toàn cầu.
Ngoài ra, tôi cũng đang theo đuổi thể loại phim “Compassion-led film genre” tạm dịch "truyền cảm hứng từ lòng từ bi" / “Thể loại phim về Lòng trắc ẩn". 
Như các bạn có thể đã biết, âm thanh có sức mạnh để gợi lên cảm xúc và truyền đạt tình yêu thương. Tôi muốn tạo ra không gian âm thanh không chỉ tăng cường việc kể chuyện mà còn khơi nguồn suy ngẫm và khởi đầu cuộc trò chuyện ý nghĩa. 
Hãy tưởng tượng, 10 năm trước chúng ta không dám nói về “đa dạng giới tính", hay “giáo dục trẻ đặc biệt" như một điều đẹp đẽ và trân quý, hay nhiều trăm năm trước chúng ta sợ phù thuỷ hay không được đối chất với quyền lực như bây giờ, chúng ta sẽ nghĩ khác đi nếu chúng ta được trò chuyện và xem một bộ phim truyền cảm hứng về điều đó, kích thích chúng ta lòng cảm thông một cách sáng tạo không khuôn phép hay có mục đích thương mại, cũng không dựa vào đế chế “siêu anh hùng" hay phải có “người đẹp Hollywood”, nhưng lại giúp chúng ta chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và tâm thức. 
Suy cho cùng, chúng ta chỉ cách sự chuyển biến tích cực đó một suy nghĩ, một cảm xúc, một ý niệm mà thôi. Nếu tôi và các đồng nghiệp ở quỹ Tiikerie có thể tìm ra những kịch bản và những nhà làm phim trẻ muốn kể những câu chuyện thú vị nhất nhưng cũng sáng tạo nhất để truyền cảm hứng và thay đổi thế hệ “hậu Hollywood" về những ý niệm chỉ riêng thế hệ họ phải đối diện, chúng tôi tin “lòng từ bi" sẽ trở thành một thể loại “ăn khách" và được trân trọng như một hành trình sáng tạo và làm phim đương đại hướng tới riêng các thế hệ đối diện với công nghệ và tự động hoá, giàu cảm xúc và nhiều câu hỏi nhân sinh nhưng lại tuyệt đối cô đơn trong thế giới này.
Tiikerie Khoa-Phạm tới Pháp để thực hiện hậu kỳ cho phim “Ròm” cùng đạo diễn Trần Thanh Huy (đạo diễn phim “Ròm” tại Busan Film Festival) và đạo diễn Trần Anh Hùng (đạo diễn xuất sắc nhất, Liên hoan phim Cannes 2023 cho phim “La Passion de Dodin Bouffant”)

                                                                                                                                                            NH