Tìm giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản
(LĐXH)- Việt Nam vẫn còn một số mặt hạn chế và thách thức trong việc phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản. Do đó, việc tìm kiếm các giải pháp để phát triển chuỗi giá trị nông sản trở nên cấp bách.
Ngày 28/08/2024, tại Hà Nội, Diễn đàn “Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản” đã được Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam tổ chức nhằm tìm kiếm giải pháp phát triển bền vững cho chuỗi giá trị nông sản, nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị nông sản... - một yếu tố cốt lõi trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết, trong gần 8 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất nông, lâm, nghiệp và thủy sản trong cả nước tiếp tục có nhiều điểm sáng. Điều này phần nào khẳng định việc tái cơ cấu nông nghiệp đang đi đúng quỹ đạo, trong đó có sự đóng góp cực kỳ quan trọng của khu vực kinh tế hợp tác với hơn 20.000 HTX nông nghiệp và hàng chục ngàn tổ hợp tác nông nghiệp, với trên 3,8 triệu thành viên HTX là nông dân.
Hiện nay, cả nước đang có trên 4.000 HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị (chiếm gần 13% tổng số HTX). Việc phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp nhằm đáp ứng thị trường quốc tế đang tiếp tục được mở rộng với Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, vẫn còn nhiều mặt hạn chế và thách thức nhất định cho việc phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản. Trong đó, hạn chế lớn nhất hiện nay là mối liên kết giữa các tác nhân trong cùng một khâu (liên kết ngang) cũng như giữa các khâu (liên kết dọc) trong chuỗi giá trị còn lỏng lẻo.
Do đó, trong các giải pháp phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững và hiệu quả, không thể thiếu vai trò nòng cốt của các HTX nông nghiệp. Thời gian tới, các HTX nông nghiệp cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động theo định hướng phát triển bền vững; ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đặc biệt, trước xu hướng tiêu dùng nông sản xanh của thị trường trong và ngoài nước, việc "xanh hóa" nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội. Do đó, các chủ thể trong chuỗi phải hướng tới áp dụng các tiêu chuẩn mới và điều chỉnh hoạt động chuỗi cho phù hợp.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản, phải triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quyết định của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến cơ cấu lại ngành Nông nghiệp.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Cần tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hiệu quả theo hướng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tập trung vào các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ an toàn, phát triển nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống cây trồng và vật nuôi, sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hoá trong quản lý sản xuất.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ chia sẻ thêm, ngành Nông nghiệp cần có các giải pháp về tổ chức sản xuất như: Hoàn thiện và công bố quy hoạch các vùng nuôi trồng hàng nông sản xuất khẩu theo từng nhóm hàng đặc trưng trên từng địa bàn; khuyến khích các hộ nuôi trồng sản phẩm nông sản đăng ký chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP…
Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu với vai trò là người điều hành chuỗi cần chủ động tiếp cận và ký kết các bản ghi nhớ về liên kết; sau đó tiến tới ký kết hợp đồng chính thức với các hộ sản xuất trong vùng nguyên liệu đã quy hoạch, theo hướng hợp đồng đảm bảo tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo lập niềm tin cho các hộ nông dân nuôi trồng, khuyến khích họ có trách nhiệm với việc nuôi trồng sản phẩm nông sản xuất khẩu.
Tại diễn đàn, một số giải pháp được đề xuất bao gồm việc ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp, cải tiến giống cây trồng và vật nuôi, tối ưu hóa quy trình sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua việc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Các đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam.
Thảo Lan
-
Hấp dẫn tại Routine Black Friday 2024
03-12-2024 11:02 19
-
LC Foods tiếp tục được tôn vinh “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2024
02-12-2024 13:21 24
-
Khai mạc Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2024: Tự hào hàng Việt sánh vai cùng thương hiệu toàn cầu
30-11-2024 15:12 52
-
BIDV MetLife đồng hành cùng doanh nghiệp do nữ làm chủ và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo
27-11-2024 19:38 32
-
Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường tác động tiêu cực tới 25 ngành trong nền kinh tế và dẫn đến sụt giảm GDP 42.570 tỷ đồng
26-11-2024 22:56 36
-
Công bố báo cáo đánh giá tác động của Dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia
26-11-2024 21:49 53
English Review
Minister Dao Ngoc Dung welcomed UNICEF Representative in Vietnam
English Review | 02-12-2024 08:51 01