Xã hội
Toạ đàm tham vấn đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội
02:43 PM 18/03/2022
(LĐXH) - BHXH Việt Nam vừa phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổ chức Toạ đàm tham vấn ý kiến chuyên gia quốc tế đề xuất sửa đổi Luật BHXH. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn tham dự và chủ trì cuộc họp.
Phát biểu tại Toạ đàm, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho rằng, việc lấy ý kiến chuyên gia để sửa đổi dự án Luật BHXH ở thời điểm này là rất quan trọng, trong bối cảnh ngành BHXH đang cần các ý kiến tham vấn của các chuyên gia, kinh nghiệm của các nước trên thế giới để xây dựng Luật BHXH mới.
Về một số nội dung trong quá trình xây dựng Luật BHXH mới, cũng như tổ chức thực hiện nhiệm vụ, BHXH Việt Nam cần ý kiến tư vấn của các chuyên gia như: Việc phát triển đối tượng tham gia BHXH ở Việt Nam gặp khó khăn do mức thu nhập NLĐ còn thấp, việc huy động NLĐ cùng DN làm việc đóng BHXH còn khó khăn.
Các đại biểu tham dự Toạ đàm
Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn, BHXH Việt Nam rất cần những ý kiến tham vấn của chuyên gia WB về lộ trình giảm tuổi nghỉ hưu sẽ tác động thế nào đến hành vi của NLĐ. Đặc biệt, những năm gần đây, Việt Nam có khoảng 120.000 người hưởng lương hưu nhưng cũng có khoảng 800.000 người hưởng BHXH một lần và đang gặp khó khăn khi thiết kế chính sách. Không thể dùng hạn chế pháp luật mà phải bằng các tham vấn khả thi, thiết kế mức hưởng như thế nào, dự kiến NLĐ có nhu cầu hưởng thì giải quyết cho hưởng phần NLĐ đã đóng và phần DN đóng thì giữ lại quỹ BHXH để sẵn sàng đón lao động quay lại làm việc và có được đóng tiếp BHXH.
Về vấn đề mức lương đóng BHXH thấp hơn thực tế được nhận, ông Robert Palacios- Trưởng nhóm toàn cầu về hưu trí và BHXH (WB) cho biết, không chỉ ở Việt Nam mà tình trạng này đều diễn ra ở các quốc gia khác. Dường như các DN đều dùng mức lương cơ bản để đóng BHXH trong khi những khoản khác vẫn trả cho NLĐ. Do vậy, chúng ta cần định nghĩa lương làm cơ sở tính đúng và việc này chỉ được giải quyết bằng các quy định pháp lý.
BHXH Việt Nam đã số hoá các quy trình khác nhau về công tác thu nộp BHXH nhưng cũng cần có so sánh việc lao động nộp thuế thu nhập cá nhân với nộp BHXH ra sao và cần rà soát trên bảng lương của NLĐ. Thông thường nộp tiền cho cơ quan thuế luôn lớn hơn với nộp BHXH. Điều này do quy định không chặt chẽ, hoặc báo cáo sai hoặc báo cáo mức thu nhập quá thấp so với mức lương thực để đóng nộp với cơ quan BHXH.
Về phát triển BHXH tự nguyện, chuyên gia WB cho rằng, hiện đang dần dần mở rộng hưu trí tư nhân tự nguyện và áp dụng cho nhóm thu nhập thấp, mở rộng diện bao phủ cho những NLĐ ở phần đáy của khu vực phi chính thức. “Chúng tôi đang xây dựng bản tóm lược ngắn gọn về vấn đề này và tuần tới chúng tôi có thể chia sẻ với BHXH Việt Nam. Cái chúng tôi thấy được ở Việt Nam chính là biện pháp chưa đủ mạnh, dù chúng ta đã tăng được diện bao phủ BHXH tự nguyện nhưng khuyến khích chưa đủ để NLĐ tự nguyện tham gia. Đơn cử, Trung Quốc biện pháp hỗ trợ hào phóng hơn nhiều và Việt Nam cũng phải tính toán xem chi phí đó ra sao khi tăng khuyến khích cho chương trình BHXH tự nguyện. Tuổi nghỉ hưu của Việt Nam đã tăng dần- bước tích cực nhưng tuổi nghỉ hưu vẫn thấp so với tuổi thọ trung bình của người Việt Nam. Do đó,  chúng ta phải đưa ra để đảm bảo tính bền vững của quỹ hưu trí”- ông Robert Palacios nhấn mạnh.
Chuyên gia cao cấp về ASXH (World Bank) - ông Robert Palacios
Liên quan đến vấn đề về các nước khác có cho phép NLĐ được rút BHXH một lần không, có cơ chế cho NLĐ khi đã nhận BHXH một lần được bồi hoàn số tiền đó để hưởng lương hưu không, ông Robert Palacios khẳng định, WB đã xem xét đến vấn đề hưởng BHXH một lần ở Việt Nam và đây là vấn đề WB rất quan ngại bởi đa số NLĐ nữ còn trẻ xin nhận BHXH một lần và họ sẽ không thể tích luỹ đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu. Điều này ảnh hưởng đến hệ thống hưu trí và đây cũng là đặc thù của Việt Nam. Chúng tôi đã đưa ra một số phương án xem xét, song quan trọng phải giải quyết được vấn đề chi phí- đây là lý do đòi hỏi chúng ta tìm hiểu rõ hơn đâu là yếu tố khiến NLĐ rút BHXH một lần, nhất là phụ nữ. “Chưa có nước nào cho phép NLĐ rút hưởng BHXH một lần trên lương hưu chung của tất cả những người cùng tham gia. Các nước có thể cho dừng đóng, hoãn đóng nhưng cho rút BHXH một lần thì chưa có”.
Tại Toạ đàm, các đại biểu cũng như chuyên gia WB đã cùng thảo luận những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chính sách BHXH hiện nay. Đồng thời, cho rằng, việc sửa đổi Luật BHXH cũng cần có chính sách cho những trường hợp NLĐ đóng BHXH từ 5-10 năm để họ đến tuổi nghỉ hưu có thể đạt mức lương cố định; thiết kế chính sách để NLĐ không xin nghỉ hưu trước tuổi, tăng độ bao phủ lương hưu xã hội thông qua sự hỗ trợ của Nhà nước cho những người đang ở độ tuổi nhất định để sau họ về già nhà nước không phải chi trợ cấp xã hội... Có cơ sở dữ liệu về NLĐ ở khu vực phi chính thức để “thúc đẩy” vào họ vào hệ thống BHXH. Cơ sở dữ liệu này phải bắt nguồn từ hệ thống cơ sở của ngành LĐ-TB&XH, cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an...
Kết thúc Toạ đàm, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn đã cảm ơn những chia sẻ của các chuyên gia WB, đồng thời khẳng định những thông tin này rất hữu ích với BHXH Việt Nam trong việc chuẩn bị xây dựng cơ chế, thể chế trong việc sửa Luật BHXH sắp tới. Phó Tổng Giám đốc mong muốn thời gian tới 2 bên tiếp tục trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm góp phần hoàn thiện Luật BHXH mới một cách hiệu quả nhất./.
Khánh Quyên
 
Từ khóa: