Tọa đàm "Truyền thống - Văn hiến: Mạch dẫn không gian sáng tạo đương đại"
(LĐXH)-Chiều 7/11/2024, tại Bảo tàng Hà Nội, đã diễn ra tọa đàm “Truyền thống - Văn hiến - Mạch dẫn không gian sáng tạo đương đại”. Qua những chia sẻ của các vị khách mời, tọa đàm góp phần khẳng định những giá trị độc đáo của văn hóa Hà Nội đồng thời làm sáng tỏ sự chuyển dịch của dòng chảy văn hóa Hà Nội cùng những yếu tố có tác động lớn nhất đến sự chuyển dịch này.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của các vị khách mời: TS.Nguyễn Quang - kiến trúc sư, nhà quy hoạch và quản lý đô thị với hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc trong các lĩnh vực khác nhau; Ths Phạm Minh Quân - nhà nghiên cứu nghệ thuật, giảng viên Khoa Nghệ thuật và Thiết kế, Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa; Ông Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội; GS.Viện sĩ, họa sĩ Ngô Xuân Bính.
Theo TS. Nguyễn Quang, văn hóa đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia. Đối với Thành phố Hà Nội văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển của Thủ đô. Hiếm có một thành phố nào có một bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa với những nguồn tài nguyên, những “lớp lang” văn hóa phong phú như Thủ đô Hà Nội. Đó là chưa kể tới hệ sinh thái sông hồ, tài nguyên con người... Đây chính là những nguồn lực, tiềm năng mà nếu biết cách khai thác sẽ tạo nên động lực vô cùng to lớn.
Đề cập tới những nỗ lực của Thành phố Hà Nội trong việc phát huy vai trò của văn hóa, các khách mời cũng đã đưa ra những minh chứng cho thấy những giá trị độc đáo của văn hóa Hà Nội qua mạng lưới không gian sáng tạo đang được triển khai. Bên cạnh đó là những nhận định về sự chuyển dịch của dòng chảy văn hóa Hà Nội và những yếu tố có tác động lớn nhất đến sự chuyển dịch này.
GS. Viện sĩ, họa sĩ Ngô Xuân Bính giới thiệu Triển lãm gốm "Hiện Linh"
Đáng chú ý, tại tọa đàm các diễn giả đã tập trung phân tích, đánh giá về những thay đổi cơ bản về định hướng văn hóa Thủ đô khi Kế hoạch số 266/KH-UBND của UBND Thành phố Hà Nội về việc tổ chức các hoạt động Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2024-2025 được triển khai. Đồng thời, bàn luận về những yếu tố truyền thống trong không gian sáng tạo và nhận thức của người trẻ.
Xuyên suốt buổi tọa đàm, khán giả hình dung được việc phải làm thế nào để thế hệ trẻ có thể kết nối với văn hóa truyền thống của Hà Nội thông qua các hoạt động sáng tạo; làm thế nào để các hoạt động trong không gian sáng tạo của bảo tàng thu hút đông đảo công chúng, góp phần duy trì và phát huy và lan tỏa giá trị văn hóa Thủ đô; và làm sao để giữ được nét truyền thống trong không gian sáng tạo mà không bị “hòa tan” bởi các yếu tố hiện đại trong bối cảnh Hà Nội ngày càng phát triển.
Các diễn giả cũng chỉ ra rằng, không gian sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa Thủ đô. Cùng với đó là những thách thức đối với Bảo tàng Hà Nội để tăng cường sức hấp dẫn của các hoạt động sáng tạo và thu hút nhiều đối tượng khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ. Khi Di sản văn hóa của Hà Nội không ngừng phát triển, Bảo tàng Hà Nội có định hướng gì trong việc cập nhật và làm mới không gian sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của công chúng trong tương lai…
Nằm trong chuỗi kế hoạch hoạt động của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc hình thành mạng lưới các không gian sáng tạo và triển khai tổ chức hoạt động trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo, sáng ngày 10/11 sẽ diễn ra Triển lãm gốm nghệ thuật "Hiện Linh" của GS. Viện sĩ, họa sĩ Ngô Xuân Bính tại không gian sáng tạo ngoài sân vườn của Bảo tàng Hà Nội.
Triển lãm giới thiệu gần 200 tác phẩm gốm điêu khắc lần đầu được ra mắt của họa sĩ Ngô Xuân Bính với những cách thể hiện, công nghệ mới chưa xuất hiện tại bất kỳ một cuộc triển lãm nào tại Việt Nam. Đây được coi là một trong những sự kiện tiêu biểu nhất trong chuỗi các hoạt động tại không gian sáng tạo của Bảo tàng Hà Nội.
Hoạt động lao động sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt với các tác phẩm gốm điêu khắc lần này của họa sĩ Ngô Xuân Bính cũng chính mạch nguồn không ngừng nghỉ mà họa sĩ muốn gửi gắm trong suốt nhiều năm qua, nhằm mục đích góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa, lịch sử hình thành và phát triển lâu đời của gốm Việt; nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của cha ông ngàn đời xưa; gắn kết, lan tỏa các giá trị truyền thống và hiện đại; tạo dựng không gian sáng tạo mới, đưa mỹ thuật đến gần với đời sống.
Triển lãm gốm "Hiện Linh" sẽ diễn ra từ ngày 10/11/2024 đến hết ngày 31/12/2025 tại Bảo tàng Hà Nội./.
PV
-
Sự khác biệt mang thương hiệu du lịch Lạng Sơn
03-12-2024 12:56 44
-
Người phụ nữ giữ hồn tín ngưỡng thờ Mẫu và lan tỏa yêu thương từ Đắk Lắk
01-12-2024 22:16 59
-
Khám phá tháp Mường Luân
06-12-2024 13:47 20
-
Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích quận Tây Hồ
22-11-2024 18:20 30
-
Triển lãm "Sáng đạo trong đời" với những tác phẩm mang tinh thần Phật giáo
22-11-2024 11:00 04
-
Nghệ nhân - Đồng thầy Lê Thị Ngọc Thành: Người phụ nữ thắp sáng giá trị tâm linh và lòng nhân ái
21-11-2024 18:42 44
English Review
Minister Dao Ngoc Dung welcomed UNICEF Representative in Vietnam
English Review | 02-12-2024 08:51 01