Văn hóa - Thể thao
Tổng kết 15 năm thực hiện Pháp lệnh Thư viện
12:57 PM 03/11/2016
(LĐXH) Ngày 3/11/2016, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội nghị - Hội thảo Tổng kết 15 năm thực hiện Pháp lệnh Thư viện nhằm nhìn nhận, đánh giá thực tiễn quá trình 15 năm thực hiện Pháp lệnh này.
Pháp lệnh Thư viện được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28/12/2000, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/4/2001 đã mở ra một thời kỳ phát triển mới của sự nghiệp thư viện Việt Nam. Với chức năng, nhiệm vụ “giữ gìn di sản thư tịch của dân tộc; thu thập, tàng trữ, tổ chức việc khai thác và sử dụng chung vốn tài liệu trong xã hội nhằm truyền bá tri thức, cung cấp thông tin phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, công tác và giải trí của mọi tầng lớp nhân dân; góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, thư viện đã có vị thế mới, trở thành một thiết chế văn hoá, thông tin, giáo dục ngoài nhà trường, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, mở cửa và hội nhập quốc tế…
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái phát biểu tại Hội nghị
Tổng kết 15 năm thực hiện Pháp lệnh Thư viện.
Pháp lệnh Thư viện đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thúc đẩy sự nghiệp thư viện Việt Nam phát triển, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước ở Trung ương và địa phương, sự năng động, sáng tạo của đội ngũ người làm thư viện, ngành Thư viện Việt Nam đã có nhiều thay đổi cả về chất lượng và số lượng: Trụ sở được xây dựng khang trang hơn, cơ sở vật chất hiện đại hơn, vốn tài liệu ngày càng phong phú, công nghệ thông tin đã được áp dụng và phát triển mạnh mẽ, xã hội hoá công tác thư viện, hợp tác quốc tế về thư viện được mở rộng và tăng cường, đội ngũ người làm thư viện được đào tạo những kiến thức mới về chuyên môn, nghiệp vụ… Hoạt động của ngành Thư viện Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong việc phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, ngành Thư viện Việt Nam vẫn còn gặp nhiều hạn chế: Mạng lưới thư viện đã phát triển rộng khắp nhưng chưa thực sự phát huy được vai trò, chất lượng hiệu quả hoạt động còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc; Sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bổ sung phát triển vốn tài liệu còn gặp nhiều khó khăn; Hiện đại hoá và xây dựng thư viện điện tử triển khai chưa đồng bộ và rộng khắp các Bộ, Ngành và địa phương; Hệ thống thư viện cấp huyện chưa thống nhất về mô hình tổ chức, thư viện cấp xã những năm gần đây sụt giảm đáng kể; Sự chênh lệch về mức độ phát triển của các thư viện thành phố và nông thôn, vùng đồng bằng và miền núi vẫn tồn tại; Khả năng thích ứng của đội ngũ người làm thư viện với sự thay đổi còn hạn chế; Trình độ phát triển thư viện Việt Nam so với các nước trong khu vực còn khoảng cách nhất định.
Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã nêu lên những thuận lợi, khó khăn, đánh giá những tác động, hiệu quả của Pháp lệnh Thư viện đối với sự phát triển sự nghiệp thư viện Việt Nam, đặc biệt là xem xét các vấn đề còn bất cập và đề xuất một số nội dung cần bổ sung, điều chỉnh trong thực tiễn hoạt động thư viện hiện nay làm căn cứ giúp Ban Soạn thảo Luật Thư viện xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật Thư viện trong thời gian tới./.
Thảo Lan

 

Từ khóa: