Xã hội
Tổng kết Ban Chỉ đạo dự án hỗ trợ giảm nghèo PRPP
04:21 PM 22/11/2016
(LĐXH) - Sáng 22/11/2016, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Ai Len tổ chức Hội nghị tổng kết Ban Chỉ đạo dự án hỗ trợ giảm nghèo PRPP giai đoạn 2011 - 2016 và định hướng hỗ trợ kỹ thuật cho thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020.

Bàn Chủ tọa Hội nghị

Dự án "Hỗ trợ thực hiện Nghị quyết 80/NQ - CP về định hướng giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2011-2020) và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững (2012-2015)" (PRPP) do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Đại sứ quán Ai Len tại Việt Nam hỗ trợ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và 8 tỉnh (Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Kon Tum, Trà Vinh) đã góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao điều kiện sống của người nghèo ở các huyện, xã nghèo nhất vùng dân tộc thiểu số, miền núi, ven biển. Đây cũng là nhận định được các đại biểu đưa ra trong Hội nghị tổng kết.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị

Nhằm hướng tới sự đổi mới, cải thiện hệ thống chính sách và chương trình liên quan đến giảm nghèo ở tầm vĩ mô, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế đa dạng tại Việt Nam, thời gian qua, PRPP đã triển khai 566 nhóm hoạt động từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã, thôn bản; 90 báo cáo nghiên cứu, ấn phẩm; 192 Hội thảo, đối thoại, tham vấn, tập huấn nâng cao năng lực; rà soát 168 chính sách, văn bản liên quan đến giảm nghèo. Cùng với đó là nghiên cứu, thử nghiệm, tham vấn, đúc kết và trình các cấp có thẩm quyền ở cả trung ương và địa phương; ban hành mới 25 văn bản; kết nối và điều phối hoạt động với 158 cơ quan đối tác và chuyên gia tư vấn ở cấp quốc gia và địa phương với tổng số trên 48.000 người được hưởng lợi trực tiếp và khoảng 25 triệu người hưởng lợi gián tiếp.

Bà Nuala O’Brien, Phó Đại sứ, Trưởng Ban phát triển , Đại sứ quán Ai Len tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Sau 4 năm thực hiện, PRPP đã cơ bản hoàn thành mục tiêu dự án trong việc hỗ trợ các Bộ, ngành trong việc lồng ghép các chính sách giảm nghèo, trong đó, tập trung các hoạt động và nguồn lực ưu tiên đầu tư cho các huyện nghèo, xã nghèo nhằm đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo tại các địa phương. Báo cáo kết quả tại 8 tỉnh cho thấy, đã có nhiều mô hình giảm nghèo thành công được đánh giá, đúc kết và nhân rộng, giúp đổi mới phương pháp tiếp cận giảm nghèo, kết hợp với các nguồn lực một cách có hiệu quả. Đơn cử như các mô hình hỗ trợ trọn gói, mô hình xã làm chủ, các mô hình sinh kế gắn với phân cấp, trao quyền, công tác xã hội – quản lý người nghèo theo từng trường hợp để có phương án hỗ trợ phù hợp với đặc thù của từng hộ, nhóm người nghèo. Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc còn dưới 5%; một số địa phương đã không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 – 2015.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị
Ngoài ra, Dự án đã góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ Việt Nam về giảm nghèo nhanh tại các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, ven biển nghèo nhất. Các chính sách giảm nghèo theo trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan được sắp xếp hợp lý, lồng ghép vào kế hoạch, khung chính sách thường xuyên của các bộ, ngành. Chương trình quốc gia về Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2015 được thiết kế, thực hiện hiệu quả, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững tại các huyện, xã, thôn, bản nghèo nhất và các nhóm dân tộc thiểu số thông qua áp dụng các phương pháp tiếp cận sáng tạo. Hệ thống theo dõi, phân tích nghèo đa chiều, dễ bị tổn thương và các cuộc thảo luận chính sách ở cấp cao góp phần cải thiện các mục tiêu phát triển theo hướng bao trùm, giảm bất bình đẳng, vì người nghèo.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu tại Hội nghị
Để tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giảm nghèo giai đoạn 2017 - 2021, các đại biểu cho rằng, Dự án cần tiếp tục hỗ trợ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan sắp xếp tích hợp hệ thống chính sách giảm nghèo đa chiều, hài hòa với các chính sách phát triển xã hội; hoàn thiện phương pháp đo lường nghèo đa chiều; cải cách phương thức thực hiện chính sách giảm nghèo, lấy đối tượng người nghèo làm trung tâm. Dự án hỗ trợ các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình phân cấp, trao quyền, hỗ trợ trọn gói, phát huy vai trò cộng đồng ở các cấp địa phương; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở trong việc thực hiện Chương trình; phát huy vai trò cộng đồng và trách nhiệm của người nghèo, tổng kết và chia sẻ các bài học, mô hình thành công trong giảm nghèo và trợ giúp xã hội.../.
Mỹ Hạnh
 
Từ khóa: