Toàn bộ 84 trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng (quận 12) đã được các Trung tâm Bảo trợ xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng thuộc Sở LĐ-TB&XH Thành phố tiếp nhân
Ngày 6/9/2024, thông tin thêm với báo chí về vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra tại Cơ sở Mái ấm Hoa Hồng (quận 12), đại diện Sở LĐ-TB&XH cho biết, ngày sau vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra tại Cơ sở Mái ấm Hoa Hồng, Sở đã thực hiện: Phối hợp với địa phương phân loại, tổng hợp danh sách trẻ em cần bảo vệ khẩn cấp và chuyển 84 trẻ về các Trung tâm Bảo trợ xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng thuộc Sở LĐ-TB&XH Thành phố quản lý. Trong đó, Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình: 32 trẻ (nam: 19, nữ: 13); Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp: 15 trẻ (nam: 7; nữ: 8); Làng thiếu niên Thủ Đức 37 trẻ (nam: 25; nữ: 12). Đồng thời, chỉ đạo các trung tâm chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự và các nguồn lực cần thiết khẩn trương tiếp nhận trẻ về chăm sóc nuôi dưỡng.
Tính đến 19 giờ, ngày 4/9/2024, việc tiếp nhận trẻ tại 3 Trung tâm trực thuộc Sở LĐ-TB&XH Thành phố kết thúc. Đồng thời, các trung tâm đã tổ chức cho nhân viên y tế khám sức khỏe, chỉ định lượng sữa hoặc thức ăn phù hợp với từng độ tuổi, sức khỏe. Bố trí nơi ở, người chăm sóc và ổn định tinh thần cho trẻ. Sáng ngày 5/9/2024 các trung tâm tiến hành tiêm ngừa cho các bé theo quy định để đảm bảo sức khỏe và phòng tránh dịch bệnh.
Theo Sở LĐ-TB&XH Thành phố, pháp luật nghiêm cấm hành vi bạo lực trẻ em. Trong đó bao gồm hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập. Từ sự việc Mái ấm Hoa Hồng, Sở nhận định đây là vụ việc bạo hành trẻ em có tính nghiêm trọng và cần phải xử lý nghiêm để răn đe trước pháp luật. Quan điểm của sở từ khi tiếp nhận thông tin đến thời điểm này là xử lý nghiêm những người có hành vi bạo lực trẻ và đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu để cơ quan có thẩm quyền thu thập tài liệu phục vụ công tác điều tra, xác minh và xử lý theo quy định.
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, đối với sự việc xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng phải xử lý nghiêm, có tính răn đe để những đối tượng đang có hành vi tương tự cảnh tỉnh.
Ông Thinh nhấn mạnh, để không còn sự việc tương tự Mái ấm Hoa Hồng (quận 12), trong thời gian tới, ngoài kiểm tra giám sát định kỳ hàng năm theo kế hoạch, Sở LĐ-TB&XH Thành phố sẽ tiếp tục có kế hoạch rà soát, kiểm tra giám sát tất cả 80 cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố, gồm 16 cơ sở công lập do Thành phố quản lý và và 64 cơ sở ngoài công lập do quận huyện và thành phố Thủ Đức quản lý để ngăn ngừa phát sinh vụ việc bạo hành tại cơ sở trợ giúp xã hội.
Đồng thời, ông Thinh đề nghị các phòng ban liên quan, phải tiến hành kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo thực chất. Ông đề cập hiệu quả giám sát khi các ban ngành quận 12 kiểm tra Mái ấm Hoa Hồng 4 lần nhưng không phát hiện ra sai phạm, để sự việc đau lòng xảy ra. “Phải nhìn thẳng với nhau là công tác kiểm tra giám sát, nhất là hậu kiểm sau cấp phép với cơ sở bảo trợ xã hội nói chung, Mái ấm Hoa Hồng nói riêng là còn lỏng lẻo”, ông Thinh nói.
TP.HCM hiện có 16 cơ sở bảo trợ xã hội công lập thực hiện tiếp nhận, quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng 6.505 đối tượng bảo trợ xã hội. Bên cạnh đó, thành phố còn có 64 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập có quyết định thành lập đã tiếp nhận quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng 3.177 trường hợp. Trong đó có 23 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý cấp Thành phố, 41 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý cấp quận,huyện và thành phố Thủ Đức./.
Trương Đăng
-
Chương trình Toả sáng Nghị lực Việt 2024: Tuyên dương 38 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu
08-10-2024 16:58 03
-
Huyện Đam Rông: Tập trung huy động mọi nguồn lực để giảm nghèo bền vững
07-10-2024 17:47 01
-
Anh Phạm Văn Thành làm Chủ tịch Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam khóa I
07-10-2024 17:19 43
-
Bắc Giang: Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, giúp người dân thoát nghèo
27-09-2024 14:59 39
-
Huyện Bình Đại triển khai có hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững
04-10-2024 10:41 49
-
Hà Nội gặp mặt, tri ân người có công tham gia giải phóng Thủ đô
03-10-2024 19:48 56