Xã hội
TP.HCM: Tạo mọi điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản
01:12 PM 08/10/2022
(LĐXH) - Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND và sự đồng thuận, hưởng ứng của các sở, ngành, đơn vị và chính quyền các cấp trong việc triển khai thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững (Chương trình giảm nghèo); tạo mọi điều điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đến cuối năm 2021, TP.HCM đã giảm 1.597 hộ nghèo..., phấn đấu đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước và còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM tặng Bằng khen của UBND Thành phố cho các cá nhân có thành trong công tác giảm nghèo của Thành phố. 

Trong 3 năm đã cơ bản không còn hộ nghèo

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM, giai đoạn 2016-2020, chính quyền các cấp TP.HCM tập trung triển khai nhiều giải pháp, lồng ghép Chương trình giảm nghèo vào các chương trình, kế hoạch từng ngành, lĩnh vực để huy động tối đa các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; tạo điều  kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển kinh tế tạo việc làm ổn định. Kết quả, giai đoạn (2016 - 2018), TP.HCM đã có 60.622 hộ nghèo thoát mức chuẩn hộ nghèo và 58.703 hộ cận nghèo thoát mức chuẩn hộ cận nghèo Thành phố. Thống kê, Thành phố còn 3.767 hộ nghèo, tỷ lệ 0,19% tổng hộ dân và 22.882 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,15% tổng hộ dân.

Trong 3 năm, triển khai thực hiện Chương trình Giảm nghèo (từ năm 2016 đến 2018), TP.HCM đã hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Thành phố giai đoạn 2016 – 2020. Đồng thời, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố khóa X về “Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, bình quân 1%/năm” (về trước Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố 2 năm). Theo đó, đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội Thành phố, góp phần hoàn thành chỉ tiêu xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn Thành phố. Cuối năm 2018 có 56/56 xã hoàn thành tiêu chí về hộ nghèo. Thu nhập người nghèo tăng ổn định, đạt 28 triệu đồng/người/năm, góp phần đáng kể trong công tác giữ vững an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Thực hiện chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo Thành phố tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản, nhằm cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố, đảm bảo giảm nghèo bền vững. Phấn đấu đến cuối năm 2025, Thành phố cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước và còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố.

TP.HCM: Tạo mọi điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản

Cụ thể, đầu năm 2021, UBND Thành phố đã ban hành quy định chuẩn nghèo đa chiều TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025, có 5 chiều gắn với 10 chỉ số thiếu hụt, gồm chiều y tế; chiều giáqo dục và đào tạo; chiều việc làm - bảo hiểm xã hội; chiều điều kiện sống; chiều thu nhập. Theo quy định này, hộ cận nghèo là hộ gia đình thường trú hoặc tạm trú ổn định trên 6 tháng tại TP.HCM có 2 chỉ số thiếu hụt và có thu nhập bình quân đầu người trên 36 triệu đồng đến 46 triệu đồng/người/năm. Đồng thời, UBND TP.HCM cũng ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình giảm nghèo bền vững Thành phố giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch khảo sát lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025.

UBND Thành phố, giao Sở LĐ-TB&XH (Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo bền vững Thành phố) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị xây dựng kế hoạch và tổ chức khảo sát, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tổng hợp báo cáo UBND Thành phố về số lượng và tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố đầu năm 2021 và hàng năm; Tham mưu trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm. Trên cơ sở mức độ thiếu hụt về các chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn Thành phố, chủ động xây dựng lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng sở, ngành gắn với từng chiều, chỉ số thiếu hụt cụ thể và đề xuất UBND Thành phố kịp thời ban hành các nội dung để triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững Thành phố giai đoạn 2021 – 2025.

Theo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, qua khảo sát lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo của các quận – huyện và thành phố Thủ đức đầu giai đoạn 2021-2025: toàn Thành phố có 58.019 hộ nghèo, hộ cận nghèo với 227.743 nhân khẩu, chiếm tỷ lên 2,29% tổng hộ dân Thành phố. Trong đó, hộ nghèo là 37.772 hộ, với gần 148 ngàn nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 1,49% tổng hộ dân thành phố; hộ cận nghèo là 20.247 hộ, với gần 79 ngàn nhân khẩu. Đến cuối năm 2021, TP.HCM đã giảm 1.597 hộ nghèo, tỷ lệ kéo giảm đạt 0.06% (đạt 16,85%  kế hoạch năm (giảm 1.378 hộ cận nghèo, tỷ lệ kéo giảm đạt 0,05%). Hiện TP.HCM còn 36.664 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,45% tổng số hộ dân Thành phố và 19.562 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,77% tổng số  hộ dân Thành phố.

Phấn đấu còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố.

Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 được Thành ủy, HĐND Thành phố quan tâm và ưu tiên nguồn ngân sách Thành phố và nguồn xã hội hóa bố trí cho chương trình hơn 15.144 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, ngay từ đầu năm 2021 các quận, huyện và thành phố Thủ Đức triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, chăm lo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo:  trọng tâm là hỗ trợ vay vốn, cấp phát thẻ BHXH, miễn giảm học phí, công tác chăm lo Tết Nguyên đán các năm 2021 và 2022. Đặc biệt là công tác chăm lo hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm trong nước và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài… Ngoài ra, Chương trình Giảm nghèo Thành phố còn có sự phối hợp, tham gia tích cực của Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố cùng các tổ chức thành viên như Liên đoàn Lao động, Hội Cựu chiến binh, Hội liên hiệp Phụ nữ Thành phố… trong việc triển khai sửa chữa, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho hộ nghèo, cận nghèo. 

Từ đầu năm 2022 đến nay, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức toàn địa bàn TP.HCM đã mua 116.479 thẻ bảo hiểm y tế với số tiền 90,974 tỷ đồng cho thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ vượt chuẩn cận nghèo. Thực hiện hỗ trợ tiền điện cho 44.683 lượt hộ, với số tiền 6,748 tỷ đồng; hỗ trợ tiền sử dụng nước sạch trong sinh hoạt cho 17.441 hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền trên 0,213 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí khuyến khích hỏa táng cho 149 trường hợp với số tiền 0,33 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho 143 lao động với số tiền 32 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 928 lượt lao động. Hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho 320 trường hợp với số tiền 32 triệu đồng và hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước cho 1.461 trường hợp lao động là thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ vượt chuẩn hộ cận nghèo. Đồng thời, phối hợp với Ủy Ban MTTQ Việt Nam Thành phố và các đơn vị xây dựng, sửa chữa 110 căn nhà tình thương, tình nghĩa với số tiền 14,823 tỷ đồng. 

Theo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, nhằm thực hiện tốt kế hoạch giảm nghèo, trong đoạn 2021-2025, thời gian tới Thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án thuộc Chương trình Giảm nghèo Thành phố giai đoạn 2021- 2025. Tạo mọi điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản như: giáo dục - đào tạo, y tế, việc làm - BHXH, nhà ở, vay vốn phát triển kinh tế,… Nhằm nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố, đảm bảo giảm nghèo bền vững. Phấn đấu đến cuối năm 2025, TP.HCM cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước và còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố.

Hoàng Cảnh