Xã hội
Trẻ em gái: cơ hội bị đánh mất do sớm bị bóc lột sức lao động
10:52 AM 12/10/2016
LĐXH – Nhân Ngày Quốc tế cho trẻ em gái 11/10, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã công bố báo cáo “Sử dụng sức mạnh của số liệu cho trẻ em gái: Đánh giá và triển vọng đến năm 2030”.
Báo cáo “Sử dụng sức mạnh của số liệu cho trẻ em gái: Đánh giá và triển vọng đến năm 2030”, lần đầu tiên đã đưa ra những con số ước tính về thời gian mà trẻ em gái dùng để làm việc nhà như nấu nướng, giặt giũ, lau dọn, chăm sóc cho các thành viên trong gia đinh, gánh nước và kiếm củi. Các số liệu cho thấy gánh nặng việc nhà không cân xứng bắt đầu từ sớm, khi các em gái ở độ tuổi từ 5-9 và thời gian các em dành cho việc nhà nhiều hơn các bạn trai cùng trang lứa là 30% một ngày. Con số này tăng lên khi các em gái lớn lên, với em gái từ 10-14 tuổi thì thời gian cho việc nhà nhiều hơn các em trai tăng lên đến 50% mỗi ngày.
Bà Anju Malhotra, Cố vấn trưởng về Giới của UNICEF cho rằng gánh nặng quá sức của các việc nhà không được trả công bắt đầu từ khi còn nhỏ và càng trở nên nặng nề hơn khi em gái đến độ tuổi vị thành niên. Kết quả là, các em gái đã phải hy sinh các cơ hội quan trọng như học hành, phát triển hoặc đơn giản hơn là cơ hội có được tuổi thơ của mình. Sự phân công lao động không công bằng trong trẻ em đã làm tăng định kiến giới và tăng gấp đôi gánh gặng cho phụ nữ và trẻ em gái qua nhiều thế hệ”.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy, công việc của trẻ em gái thường không được nhận biết và thường bị đánh giá thấp vì các em gái thường được giao làm các công việc thuộc trách nhiệm của người lớn như chăm sóc các thành viên trong gia đình cũng như chăm sóc trẻ em khác. Thời gian để làm việc nhà đã hạn chế thời gian vui chơi, giao lưu với bạn bè, học hành hay đơn giản hơn được sống đúng tuổi của các em.
Theo kết quả được đưa ra trong báo cáo, trẻ em gái từ 10-14 tuổi ở Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi phải làm việc nhà gần gấp đôi thời gian so với em trai. Các nước mà trẻ em gái từ 10-14 tuổi phải chịu gánh nặng việc nhà không công bằng nhất so với trẻ em trai là Burkina Faso, Yemen and Somalia. Các em gái từ 10-14 tuổi ở Somalia giành tổng số 26 giờ mỗi tuần để làm việc nhà.
Các em nhỏ tại thị trấn Douma, ngoại ô thủ đô Damascus của Syria ngày 25/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)
“Định lượng những thách thức mà trẻ em gái phải đối mặt là bước đầu tiên quan trọng trong việc thực hiện Các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) về công bằng giới và phá vỡ rào cản mà 1,1 tỉ trẻ em gái trên thế giới đang phải đối mặt”, Attila Hancioglu, Trưởng ban Số liệu và phân tích của UNICEF nhấn mạnh.
Sự phân bố lao động trẻ em không đồng đều cũng đã tạo ra sự rập khuôn về giới tính và làm tăng gấp đôi gánh nặng lên phụ nữ và các trẻ em gái trong nhiều thế hệ. Các chuyên gia nhận định tình trạng mất cân bằng giới tính tiếp tục đặt ra thách thức lớn đe dọa các mục tiêu toàn cầu mới của Liên hợp quốc đưa ra hồi năm ngoái nhằm chấm dứt tình trạng đói nghèo cùng cực và giải quyết tình trạng thiếu cơ hội và bạo lực chống lại phụ nữ vào năm 2030.
Cùng với đó, tại báo cáo này cũng đã cho thấy sự hạn chế và nghèo nàn trong số liệu của 2/3 trên 44 chỉ số liên quan đến trẻ em gái của các mục tiêu phát triển bền vững – một lộ trình toàn cầu tiến tới chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo thịnh vượng cho tất cả mọi người. Bên cạnh các số liệu về làm việc nhà, báo cáo còn cung cấp các số liệu về các vấn đề liên quan đến trẻ em gái trong SDG như bạo lực, tảo hôn, cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ, giáo dục. Đạt được SDG trong đó đáp ứng được các vấn đề này và nâng cao năng lực của trẻ em gái bằng việc trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng và nguồn lực các em cần có để phát triển tối đa tiềm năng của minh, làm được điều này không những tốt cho trẻ em gái mà còn có thể giúp tăng trưởng kinh tế, tăng cường hòa bình và giảm đói nghèo.
Ngày Quốc tế Trẻ em gái (11/10) được Liên hợp quốc đưa ra hồi năm 2011 để công nhận quyền của 1,1 tỷ bé gái trên toàn thế giới, cũng như những thách thức mà các em phải đối mặt.
Các nhà nghiên cứu cho rằng việc giải quyết hiệu quả các vấn đề như bạo lực, tảo hôn, thiếu giáo dục, cũng như trao quyền hợp pháp cho các bé gái trên thế giới không chỉ mang lại lợi ích cho chính các em (đối tượng cần được bảo vệ nhất) mà còn là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, duy trì hòa bình và giảm đói nghèo trên toàn thế giới./.

Đăng Doanh

 

Từ khóa: