Trong Tháng Hành động vì trẻ em năm 2022, tỉnh đã xây dựng, phát sóng phóng sự về chủ đề, thông điệp liên qua; treo 80 băng-rôn, khẩu hiệu; cấp phát 12.500 tờ rơi tuyên truyền; đăng tải trên 200 tin, bài về phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước, phòng, chống xâm hại trẻ em; phối hợp với 03 nhà mạng (Vinaphone, Mobifone, Viettel) gửi tin nhắn với nội dung “Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em: Hãy lên tiếng để ngăn chặn mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em; trông giữ trẻ em mọi lúc, mọi nơi để phòng tránh đuối nước” tới 3.003.940 thuê bao sử dụng điện thoại di động toàn mạng lưới trên phạm vi toàn tỉnh; tổ chức 843 hội nghị, buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến trẻ em cho gần 136.655 cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên, giáo viên, học sinh; đăng tải hơn 1.138 tin bài về chính sách, pháp luật bảo vệ trẻ em, phụ nữ... Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý về tội phạm xâm hại trẻ em. Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 40 vụ xâm hại trẻ em (với 58 đối tượng, 46 nạn nhân bị xâm hại), trong đó có 32 vụ xâm hại tình dục trẻ em; cơ quan Công an các cấp đã điều tra, khởi tố 32 vụ/39 bị can; xử lý hành chính 01 vụ/02 đối tượng; đang xác minh làm rõ 07 vụ/11 đối tượng.
Bên cạnh đó, địa phương cũng tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em; khuyến khích sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong việc hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chú trọng đến nhóm trẻ em mồ côi, trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt do đại dịch Covid-19, trẻ em vùng đồng bào DTTS, miền núi và các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Từ đầu năm đến nay, đã bố trí gần 1,6 tỷ đồng kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh; huy động, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ 576,5 triệu đồng để thực hiện công tác trẻ em.
Đến nay, các mục tiêu, chỉ tiêu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Toàn tỉnh tiếp tục duy trì 509/559 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, đạt 91,05%; tỷ lệ trẻ em đến 08 tuổi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện đạt 75%; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giảm còn 1,34%; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp bằng các hình thức phù hợp đạt 93%; 100% trẻ em gặp thiên tai, thảm họa được cứu trợ, hỗ trợ kịp thời; tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi phát triển phù hợp về sức khỏe, học tập và tâm lý xã hội đạt 99,7%; tỷ lệ huy động trẻ em 05 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99,5%; tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học đạt 99,8%, bậc THCS đạt 99,47%; tỷ lệ trẻ em khuyết tật có nhu cầu học tập được tiếp cận giáo dục chuyên biệt, giáo dục hòa nhập và hỗ trợ phục hồi chức năng phù hợp đạt 72%; có 446/559 đơn vị hành chính cấp xã có cơ sở vật chất văn hóa, thể thao dành cho trẻ em, đạt 79,79%...
Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế: Các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức; tập huấn nâng cao năng lực; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em chủ yếu được lồng ghép trong các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của các sở, ban, ngành nên chất lượng, hiệu quả chưa cao. Hiện nay Thanh Hóa có khoảng 600 cán bộ làm công tác về chăm sóc bảo vệ trẻ em tại cấp xã/phường, tuy nhiên, chỉ có chưa đến 1% cán bộ chuyên trách về công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em, còn lại hầu hết là cán bộ lao động - xã hội, văn hóa xã hội hay dân số kiêm nhiệm, dẫn đến việc đầu tư về thời gian và công sức cho công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em còn rất hạn chế. Ngoài ra, tình hình xâm hại trẻ em (chủ yếu là bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em), tai nạn, thương tích, đặc biệt là đuối nước trẻ em vẫn còn xảy ra tại một số địa phương. Công tác quản lý, nắm bắt thông tin và can thiệp, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại cơ sở có lúc chưa kịp thời; việc huy động, vận động nguồn lực hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực miền núi còn hạn chế; chưa có nhiều mô hình hỗ trợ, can thiệp hiệu quả đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt...
Trước tình hình này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, nhà trường, gia đình và toàn xã hội tăng cường vai trò, trách nhiệm trong thực hiện đầy đủ quyền trẻ em cũng như các giải pháp bảo vệ trẻ em. Đổi mới phương thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và trang bị cho trẻ em các kỹ năng cần thiết về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục, tai nạn, thương tích, đặc biệt là đuối nước; Tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế, kiểm soát đến mức tối đa tình trạng bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích đối với trẻ em; Đề nghị các đơn vị, địa phương quan tâm bố trí, vận động nguồn lực để chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; đầu tư xây dựng các không gian vui chơi lành mạnh dành cho trẻ cũng như tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, vi phạm quyền trẻ em.
Trần Huyền
-
Kết quả thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ở Long An
25-12-2024 16:52 58
-
Hiệu quả mô hình “Tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng” ở Đồng Nai
23-12-2024 16:37 15
-
Herbalife Việt Nam đồng hành cùng Báo Tuổi Trẻ tổ chức Cuộc Thi Lan Tỏa Năng Lượng Tích Cực lần thứ năm liên tiếp
25-12-2024 16:19 46
-
Những khó khăn trong công tác phòng chống mua bán người và giải pháp
20-12-2024 12:36 14
-
Quyết liệt trong phòng chống mua bán người và tăng cường hỗ trợ các dịch vụ cho nạn nhân
16-12-2024 12:29 41
-
Nam Định: Quan tâm thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho người cao tuổi
25-12-2024 10:42 32