Văn hóa - Thể thao
Triển lãm Văn hóa và nghệ thuật Thái Lan từ 28/7 đến 1/8/2016 tại Hà Nội
12:05 PM 26/07/2016
(LĐXH) Nhân Kỷ niệm 40 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thái Lan (1976 - 2016) và Những ngày Văn hóa Thái Lan tại Việt Nam, Triển lãm Văn hóa và Nghệ thuật Thái Lan được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam, số 02, Hoa Lư, Hai Bà Trưng Hà Nội từ ngày 28/7 - 1/8/2016.

Đây là hoạt động văn hóa có ý nghĩa khẳng định mối quan hệ ngoại giao bền chặt giữa Việt Nam và Thái Lan đồng thời giới thiệu đến nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế nét văn hóa đặc trưng của Thái Lan qua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống. Triển lãm sẽ vinh dự được đón: Ngài Phó thủ tướng Thái Lan General TanasakPatimapagorn, Ngài Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thái Lan H.E. Mr. ViraRojpojchanarat; Bà Bộ trưởng Bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan cùng các quan chức cấp cao tháp tùng Phó Thủ tướng và hai Bộ trưởng; Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam, ngài Manopchai Vongphakdi và các cán bộ đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam. Về phía Việt Nam sẽ có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam, các vị đại sứ các nước ASEAN tại Hà Nội và các khách mời trong đoàn ngoại giao…

 

 

Biểu diễn múa rối Thái Lan.

 

Triển lãm Văn hóa và Nghệ thuật Thái Lan: giới thiệu vẻ đẹp, sức sáng tạo và sự đa dạng của nghệ thuật và văn hóa Thái Lan thông qua trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ bốn vùng miền của đất nước Thái Lan. Bao gồm nghệ thuật làm con rối, túi hoa khô, tranh vải batik, điêu khắc trên trái cây, rau quả, nghệ thuật cắm hoa tươi và sắp đặt lá chuối.

Nghệ thuật làm rối Thái Lan: Theo cuốn San Somdet (Thư của Hoàng tử) của Hoàng tử Damrong, con rối Thái Lan, gọi là hoon krabok, ra đời từ thời Vua Rama đệ ngũ. Người ta cho rằng nghệ thuật làm rối Thái Lan ảnh hưởng bởi những con rối tới từ Hải Nam, Trung Quốc. Những con rối Thái Lan đầu tiên được ông Neng (tỉnh Sukhothai, Hạ Bắc Thái Lan) làm vào năm 1892.

Đầu con rối thường được làm bằng gỗ nhẹ, như gỗ bông, có đường kính khoảng 10-15cm. Người ta chú ý nhiều đến việc chế tác và sơn cho đầu con rối vì đây sẽ là phần khán giả nhìn thấy rõ nhất trong các chương trình múa rối. Sau đó, đầu rối sẽ được gắn vào một ống tre rỗng đường kính khoảng 3-5cm, dài 50cm, tạo thành phần “thân” con rối. Phần thân này sau đó được “khoác lên” một lớp áo bằng vải thêu tinh xảo.

 

 

Hoa khô Thái Lan.

 

Túi hoa khô Thái Lan: còn được gọi là bu-ngaa ram pai, kết hợp nhiều loại hoa với nhiều sắc màu khác nhau của Thái Lan, bọc trong một lớp vải trong và thưa để mùi hương độc đáo, dễ chịu có thể tỏa ra. Cả hoa tươi và hoa khô đều có thể được sử dụng để làm túi hoa, đôi khi người ta có thể thêm một số tinh dầu cần thiết. Túi hoa khô Thái Lan có thể được làm một cách nhanh chóng và dễ dàng. Những túi hoa này được sử dụng để trang trí trong nhà, tủ quần áo, ô tô… để tạo một không gian thoải mái, giúp người dùng thư giãn.

Tranh vải Batik: Vải Batik thường thấy ở các tỉnh miền nam Thái Lan, giáp biên giới Malaysia. Điều này cho thấy sự giao lưu văn hóa của người Thái Lan với người Java. Kỹ thuật vẽ tranh Batik được thực hiện bằng cách nhỏ sáp nóng lên vải, lên mẫu vẽ hoặc những nơi sơn nhuộm không sử dụng được và sử dụng sơn nhuộm sáng hơn cho các phần còn lại. Quá trình này có thể được lặp đi lặp lại nhiều lần cần thiết để tạo nên các màu mong muốn. Như vậy, sản phẩm càng có nhiều màu sắc thì quá trình tạo ra sản phẩm càng phức tạp và sản phẩm càng có giá trị. Những mẫu hoặc hình vẽ phổ biến là hoa hay thế giới dưới nước như cá, san hô, và đời sống thường ngày của người dân địa phương nơi có kỹ thuật vẽ tranh batik trên vải.

 

 

Nghệ thuật tỉa củ, quả.

 

Điêu khắc trên trái cây, rau quả và nghệ thuật cắm hoa và sắp xếp lá chuối: Ở các nhà hàng Thái Lan thường khắc lên trái cây và rau quả nhằm trang trí cho các món ăn. Người ta cũng có thể dùng những tác phẩm này như những sáng tạo nghệ thuật và bảng trang trí cho các sự kiện trang trí lạ mắt. Trái cây và rau quả khác nhau đòi hỏi kỹ thuật chạm khắc khác nhau, phụ thuộc vào độ rắn hoặc mềm của vật liệu. Bí quyết là sử dụng dao sắc, có mũi nhọn, cùng với đó là sự kiên nhẫn của nghệ nhân để tránh không làm các loại rau quả bị thâm, hỏng trong khi khắc.

Lá chuối và hoa tươi cũng được sử dụng phổ biến ở Thái Lan trong nghệ thuật trang trí. Lá chuối có khuôn lớn và dễ uốn, có thể gấp thành các hình khác nhau và sắp đặt thành những hình dạng thú vị. Những tác phẩm làm từ lá chuối và hoa tươi thường được sử dụng trong các nghi lễ Hindu và Phật giáo.

Tại Triển lãm còn diễn ra các hoạt động vui chơi, trải nghiệm độc đáo, hướng dẫn thực hành, hội thảo, trao đổi, thao tác tay nghề tại chỗ của các nghệ nhân Thái Lan…Triển lãm Văn hóa và Nghệ thuật Thái Lan diễn ra từ 28/7 - 1/8/2016, khai mạc lúc 16h00’ ngày 28/7/2016 tại tầng 1 nhà M3, Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam.

 

PV

Từ khóa: