Xã hội
Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội Bình Dương: Chú trọng công tác quản lý, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng
10:09 AM 26/09/2022
(LĐXH) - Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội Bình Dương được thành lập với chức năng, nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ công tác xã hội, tiếp nhận, nuôi dưỡng, quản lý các đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp tái hòa nhập cộng đồng… Những năm gần đây, Trung tâm đã không ngừng phát triển, cải thiện chất lượng cuộc sống, thúc đẩy quyền bình đẳng cho các đối tượng BTXH. Đây được xem là “mái nhà chung” ấm áp dành cho những mảnh đời kém may mắn.
Trung tâm được xây dựng, quy hoạch với khuôn viên rộng rãi, thoáng mát
Theo thống kê, hiện nay Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh đang quản lý 272 đối tượng, trong đó có 257 người là đối tượng xã hội, 15 người còn lại là đối tượng tự nguyện. Tính từ đầu năm đến nay, trung tâm đã giúp cho 40 đối tượng được đoàn tụ gia đình và 52 đối tượng được tái hòa nhập cộng đồng.
Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả của công tác chăm sóc, bảo trợ đối tượng xã hội, trung tâm đã tăng cường tổ chức việc thăm khám sức khỏe thường xuyên đối với các đối tượng. Bên cạnh đó còn cập nhật, ghi chép sổ sách, lập hồ sơ bệnh án đầy đủ để có thể điều trị kịp thời, đúng nguyên tắc và hiệu quả. Việc cán bộ chăm sóc, nuôi dưỡng luôn gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đối tượng đã kịp thời động viên tâm lý và đưa ra những cách thức giáo dục, nuôi dưỡng phù hợp và hiệu quả hơn. Đối với các trường hợp là người già yếu, một số phải nằm bất động, nhân viên hộ lý, y tế thường trực chăm sóc, động viên, chia sẻ nhằm tạo tâm lý lạc quan, yêu đời hơn với các đối tượng. Riêng đối với việc chăm sóc đối tượng là trẻ em, đặc biệt là trẻ khuyết tật, cán bộ, nhân viên ở trung tâm luôn cố gắng chăm nom, dành hết tình thương cho các em, từ việc cho trẻ ăn, uống thuốc đến vệ sinh.
Chị Trần Thị Mai - nhân viên Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội Bình Dương cho biết, do hầu hết các đối tượng ở đây đều thiếu thốn tình cảm của gia đình nên mỗi nhân viên công tác xã hội luôn tìm cách tiếp cận đối tượng, đưa ra những biện pháp chăm sóc hợp lý với mỗi trường hợp để các cụ, các cháu được khỏe mạnh về thể chất và vui vẻ về tinh thần, sẵn sàng chia sẻ, tâm sự những tâm tư và vấn đề đang gặp phải…
Để làm được điều đó, các cán bộ, nhân viên của trung tâm bên cạnh việc được đào tạo chuẩn hóa, còn làm việc không chỉ bằng trách nhiệm mà với cả tình thương yêu, bằng sự tận tâm chăm sóc cho từng bữa ăn, giấc ngủ, luôn bảo đảm chế độ dinh dưỡng, an toàn, từ đó góp phần mang lại niềm vui tinh thần cho những trẻ em sớm xa rời tình thương ruột thịt, của những cụ ông, cụ bà lúc tuổi xế chiều và xoa dịu bệnh tật của những người yếu thế trong xã hội. Cụ Nguyễn Thị Bồng, sinh năm 1935, đối tượng hiện đang được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh, tâm sự: “Sống ở đây được các anh chị chăm sóc tận tình, chu đáo, lại có bạn để trò chuyện làm tôi vui lắm, sức khỏe cũng được cải thiện nhiều...”.
Công tác chăm sóc, điều trị bệnh được thực hiện kịp thời, đúng quy định
Ông Nguyễn Bảo Thanh, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Bình Dương cho biết: Xác định công tác chăm sóc sức khỏe, khám, điều trị bệnh cho các đối tượng là nhiệm vụ quan trọng, vì vậy trung tâm luôn tập trung làm tốt công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, khám, điều trị bệnh kịp thời cho tất cả các đối tượng. Cấp dưỡng là một trong những khâu quan trọng nhất, bộ phận cấp dưỡng của trung tâm thường xuyên thay đổi món ăn hàng ngày, bảo đảm định lượng, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, có kiểm tra giám sát đong đếm, lưu mẫu thức ăn theo quy định, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Bếp ăn của trung tâm luôn gọn gàng, sạch sẽ, thông thoáng, dụng cụ chế biến được phân loại rõ ràng bảo đảm vệ sinh, quy trình và khu vực sơ chế, chế biến, nấu, phân chia được bố trí hợp lý riêng biệt bảo đảm bảo vệ sinh…
Tính đến tháng 6-2022, Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh đã tham vấn đoàn tụ gia đình, hòa nhập cộng đồng 287 đối tượng thuộc diện trẻ bị bỏ rơi, lang thang/ăn xin trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú, giải quyết đoàn tụ gia đình, tái hòa nhập cộng đồng 92 trường hợp (trong đó có 40 trường hợp đoàn tụ gia đình và 52 trường hợp hòa nhập cộng đồng), đạt 158% kế hoạch năm.
Trung tâm đã thực hiện quản lý ca 215 trường hợp hiện đang chăm sóc nuôi dưỡng tại trung tâm, đạt 179% kế hoạch năm. Tiếp nhận thông tin qua tổng đài 1800.1106 với 182 trường hợp, trong đó tư vấn thủ tục bảo lãnh đối tượng 65 trường hợp, đạt 75% so với kế hoạch năm.
Trung tâm đã thực hiện quản lý ca 215 trường hợp hiện đang chăm sóc nuôi dưỡng tại trung tâm, đạt 179% kế hoạch năm. Tiếp nhận thông tin qua tổng đài 1800.1106 với 182 trường hợp, trong đó tư vấn thủ tục bảo lãnh đối tượng 65 trường hợp, đạt 75% so với kế hoạch năm.
Trong công tác giới thiệu trẻ cho làm con nuôi, đơn vị đã lập thủ tục giới thiệu 12 trẻ cho làm con nuôi gửi các ngành chức năng, đạt 100% kế hoạch năm. Đồng thời, thực hiện bàn giao con nuôi 9 trường hợp, đạt 112% kế hoạch năm (bao gồm: 8 trường hợp bàn giao con nuôi nước ngoài và 1 trường hợp bàn giao con nuôi trong nước).
Riêng về dự án do Tổ chức Holt tài trợ, trung tâm đã thực hiện việc báo cáo theo quy trình quản lý ca 25 trẻ thuộc chương trình dự án hỗ trợ dinh dưỡng tại trung tâm. Tổ chức cho 21 trẻ viết thư, vẽ tranh/tô màu, chụp hình cảm ơn nhà tài trợ năm 2022 theo yêu cầu của Tổ chức Holt. Báo cáo theo quy trình quản lý ca 28 trẻ thuộc các chương trình tại cộng đồng.
Bên cạnh đó, đã tiến hành đánh giá, khảo sát và trợ giúp cho 5 trường hợp chăm sóc trẻ ban ngày (đạt 50% kế hoạch năm), 2 trường hợp bà mẹ đơn thân (đạt 40% kế hoạch năm) cùng 7 trường hợp bảo tồn và đoàn tụ gia đình (đạt 46,7% kế hoạch năm)… 
Bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng bằng nhiều hoạt động thiết thực, trung tâm còn chú trọng đến cảnh quan môi trường và chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng. Từ khi thành lập đến nay, trung tâm luôn xây dựng cơ quan xanh, sạch, đẹp là một trong những tiêu chí hàng đầu.
Ngay từ đầu năm, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch lao động tu bổ cảnh quan đơn vị, trồng và chăm sóc vườn hoa, cây cảnh giao cho từ bộ phận, phòng ban, nhân viên và đối tượng. Môi trường sống an toàn, sạch sẽ, có cây xanh, thoáng mát và ngày càng đẹp hơn là tiêu chí mà đơn vị đưa ra. Trung tâm cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đối tượng về việc bảo vệ môi trường, xây dựng trung tâm xanh, sạch, đẹp; trang bị thêm các thùng rác trong khuôn viên, tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện việc giữ gìn sạch, đẹp đơn vị; trồng thêm một số cây xanh, cải tạo bổ sung bồn hoa, cây cảnh, vườn rau… Tham gia các phong trào bảo vệ môi trường, tuyên truyền, vận động mọi người cùng chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức khuyến khích các hoạt động về bảo vệ môi trường tại đơn vị như: Hưởng ứng, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật trên địa bàn. Đóng góp nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương; thường xuyên cải tạo, củng cố, phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp. Xây dựng thói quen tiêu dùng thân thiện với môi trường, sử dụng máy móc, thiết bị, phương tiện đạt tiêu chuẩn môi trường. Hạn chế việc sử dụng nhiên liệu, nguyên liệu, thiết bị, phương tiện thải khí độc hại ra môi trường. Thực hành tiết kiệm điện, nước, nhiên liệu, chất đốt, chất tẩy giặt, thực phẩm. Quản lý và xử lý chất thải, khí thải, nước thải tuân thủ các quy định: Đối với chất thải rắn, chất thải nguy hại, trung tâm thực hiện phân loại, hợp đồng với các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện để thu gom chất thải tại đơn vị và chuyển đến nơi xử lý; Có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nước thải.
Có thể nói, với sự tích cực xây dựng, đầu tư nâng cao chất lượng, Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội Bình Dương đã phát huy được hiệu quả chăm lo cho các đối tượng yếu thế và trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ trên địa bàn tỉnh. Qua đó, cung cấp một cách đầy đủ nhất các dịch vụ xã hội đến với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cộng đồng, kết nối và tạo cho các đối tượng có được môi trường sống tốt hơn, phát triển toàn diện hơn, góp phần ngăn cản các nguy cơ đe dọa đến cuộc sống các đối tượng khi trở về hòa nhập với cộng đồng./.
Hồng Phượng
 
Từ khóa: