Xã hội
Trung tâm Bảo trợ xã hội Đắk Lắk: Ngôi nhà chung cho những mảnh đời bất hạnh
09:49 PM 10/04/2020
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Lắk là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk. Trung tâm có chức năng, nhiệm vụ chính là tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Các mạnh thường quân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk luôn qua tâm, chia sẻ đến các mảnh đời bất hạnh tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Lắk

Trong những năm qua,  cùng với sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động, Trung tâm luôn được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng sự hỗ trợ,  giúp đỡ của các Sở, ban ngành, các tổ chức,  cá nhân trong và ngoài nước nên Trung tâm đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ông Nguyễn Xuân Quý – Giám đốc Trung tâm cho biết: Hiện nay, Trung tâm có 2 cơ sở đang hoạt động, chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồ chức năng cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cơ sở 1  đặt tại  số 210 đường Phan Bội Châu, TP. Buôn Ma Thuột và Cơ sở 2 tại thôn 10, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột. Hai cơ sở hiện đang tiếp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng cho 253 đối tượng, trong đó có trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi 141 người, người cao tuổi 17 người, 51 người khuyết tật ( trong đó có 02 cháu khuyết tật mồ côi), 09 đối tượng lang thang và 34 đối tượng tự nguyện.  Để thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng, trong nhiều năm qua, Trung tâm đã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, cũng như bộ máy hoàn chỉnh và phù hợp với điều kiện thực tế.  Với đội ngũ cán bô, nhân viên của trung tâm hiện có 74 người,  trong số đó có 60 người đã được đào tạo chuyên ngành công tác xã hội, tâm lý xã hội và thường xuyên được tham dự các lớp tập huấn chuyên ngành. Tất cả cán bộ và nhân viên đều gắn bó với công việc, không quản ngại khó khăn, với lòng yêu nghề và nhiệt huyết, cùng chung một tiêu chí đó là tất cả vì đối tượng thân yêu. Chính vì vậy, Trung tâm đã trở thành mái nhà chung cho những phận đời thiếu may mắn trong suốt hơn 40 năm qua.

Người gia cô đơn tại Trung tâm BTXH tỉnh Đắk Lắk luôn được quan tâm, chăm sóc sức khỏe và tinh thần

Ông Nguyễn Xuân Quý cũng chia sẻ:  Mặc dù Trung tâm còn nhiều khó khăn cả về vật chất và tinh thần nhưng chúng tôi luôn xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của mình là luôn sát cánh bên các đối tượng, người già cô đơn, không nơi nương tựa và đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Để thực hiện nhiệm vụ cao cả này, trong những năm qua, ban lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm đã không quản khó khăn, vất vả để phục vụ các đối tượng yếu thế bằng tất cả tình yêu thương nhân ái và trách nhiệm, với mục tiêu mang đến đời sống vật chất và tinh thần tốt nhất cho các mảnh đời kém may mắn, giúp các cụ và các cháu thực sự có một mái ấm gia đình, quên đi nỗi cô đơn, hiu quạnh.

Bằng tình thương, trách nhiệm, coi các cháu như con, cháu của mình, đội ngũ cán bộ, nhân viên nói chung người trực tiếp làm công tác bảo mẫu nói riêng không nề hà trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, luôn gần gũi, yêu thương, chia sẻ, để các cháu tin tưởng gắn bó. Hiện 100%  các cháu tại Trung tâm trong độ tuổi đi học đều được đến trường và được trang bị tương đối đầy đủ như: quần áo, dày dép, nón mũ, cặp sách, xe đạp.  Nơi ăn ở tại Trung tâm tương đối rộng rãi, thoáng mát được trang bị  đầy đủ các nhu cầu cần thiết. Trong năm học 2018 – 2019,  tại Trung tâm đã có tổng số 115 cháu đang theo học từ mầm non đến cấp 3 (trong đó, mầm non 07 cháu, Cấp 1: 31 cháu, Cấp 2: 39 cháu và Cấp 3: 38 cháu).  Nhìn chung, các cháu chấp hành tốt nội quy của Trung tâm cũng như nội quy của nhà trường. Các cháu biết đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Nhiều cháu có kết quả học tập, rèn luyện tốt và có việc làm ổn định, có thu nhập , đảm bảo cuộc sống.

Đại diện các tổ chức trao tài trợ xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em lang thang tại Trung tâm BTXH Đắk Lắk

Về Công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng  người già và người khuyết tật tại Trung tâm hiện nay cũng luôn được quan tâm và chăm lo tốt, nhân viên chăm sóc luôn sâu sát nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đối tượng để kịp thời an ủi, động viên và điều chỉnh phương pháp và kỹ năng chăm sóc giúp đối tượng sống lạc quan, vui vẻ. Đồng thời, Trung tâm đặc biệt chú trọng công tác dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm cho đối tượng. Khẩu phần ăn  hàng ngày thường xuyên được thay đổi, đảm bảo dinh dưỡng thiết yếu, nhàm đảm bảo sức khẻ cho các đối tượng. Đa số các cụ đều khỏe mạnh, minh mẫn thực hiện tốt theo đúng sự bố trí của nhân viên chăm sóc, phục vụ tại Trung tâm. Đối với các cháu khuyết tật đặc biệt nặng được nhân viên Trung tâm trực tiếp tắm giặt, phục vụ ăn uống chu đáo. Ngoài ra, Trung tâm còn cấp phát sổ để quản lý theo dõi tình trạng bệnh của từng đối tượng, có phác đồ điều trị, phục hồi chức năng cho từng đối tượng hiệu quả. Chỉ tính riêng trong năm 2019, Trung tâm đã điều trị, phục hồi chức năng cho 711 lượt đối tượng. Trong đó, tổng số lượt đối tượng khỏi bệnh là 407 lượt; tổng số lượt thuyên chuyển giảm bệnh 153 lượt và 151 lượt đối tượng chuyển viện.

Trẻ tại Trung tâm được hướng dẫn về công tác phòng cháy, chữa cháy tại Trung tâm

Cùng với đó, đối với đối tượng khuyết tật, ngoài việc chăm sóc về dinh dưỡng, y tế thì hằng ngày các đối tượng còn tự phục vụ được tham gia lao động trị liệu, phục hồi chức năng như: quét rác, dọn vệ sinh, làm cỏ, tập thể dục dưỡng sinh. Các ngày lễ Quốc tế Người cao tuổi, Quốc tế Người khuyết tật, ngày Người cao tuổi Việt Nam, ngày khuyết tật Việt Nam, Tết dương lịch, Tết cổ truyền,… được Trung tâm  tổ chức trang trọng, ấm cúng cho các đối tượng tham gia các hoạt động trên.

Đối với các đối tượng lang thang, cơ nhỡ sau khi được tiếp nhận vào Trung tâm, đã được cán bộ chuyên môn tìm hiểu thông tin, sàng lọc đối tượng đủ điều kiện mới cho tái hóa nhập cộng đồng; đối tượng nào không đủ điều kiện để tái hòa nhập thì được đề xuất, tham mưu lên làm hồ sơ để chuyển đối tượng nuôi dưỡng tập trung tại trung tâm. Tất cả các đối tượng được chăm sóc, làm quản lý Case, làm quy trình trợ giúp, đáp ứng kịp thời nhu cầu tâm sinh lý và sức khỏe. Trong năm 2019, Trung tâm đã tiếp nhận tổng số đối tượng lang thang là 118 đối tượng. Trong đó, năm 2018 có 14 đối tượng chuyển qua, 104 đối tượng tìm hiểu được thông tin về gia đình là 96 trường hợp, không tìm hiểu được thông tin về gia đình là 8 trường hợp; trả về địa phương 109 trường hợp, trong đó cho bảo lãnh 26 trường hợp. Tất cả các đối tượng trả về địa phương theo đúng quy định hiện hành và chỉ đạo của Ban giám đốc, hồ sơ được bổ sung đầy đủ.

Những cháu nhỏ bị bỏ rơi khi vừa tròn 4 tháng tuổi đều được các nhân viên Trung tâm chăm sóc tận tình, chu đáo

Những cụ già được chăm sóc tại Trung tâm luôn phấn khởi, vui vẻ và xem Trung tâm như  ngôi nhà chung của mình

Về công tác tư vấn, hỗ trợ công tác xã hội bình đẳng giới, Trung tâm đã được UBND tỉnh cho phép thành lập thí điểm mô hình tư vấn, hỗ trợ công tác Bình đẳng giới tại Trung tâm từ năm 2013.  Mô hình nay  chính thức đi vào hoạt động từ năm 2014 và đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Mặc dù không bổ sung biên chế, kinh phí hoạt động nhưng những cán bộ  được giao nhiệm vụ đã có những hoạt động thu được những kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, trong những năm qua, Trung tâm đã tổ chức tư vấn, hõ trợ công tác xã hội và bình đẳng giới cho hàng trăm lượt đối tượng tại địa phương. Chỉ tính riêng trong năm 2019, Trung tâm đã tư vấn, tham vấn qua điện thoại cho 15 trường hợp; tham vấn trực tiếp 83 trường hợp;  tư vấn Bảo trợ xã hội tại cộng đồng 58 trường hợp. Đặc biệt,  một số cán bộ nhân viên Trung tâm đi về cộng đồng thực hiện công tác truyền thông kết hợp với tư vấn cộng đồng về chính sách pháp luật như: Chính sách BTXH, chức năng nhiệm vụ của Trung tâm; Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình cho người dân tại các thôn, buôn thuộc địa bàn huyện Lắk, huyện Krông Buk, CưM Gar, thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Năng, Ea Hleo. Kết quả tư vấn và hỗ trợ 15 đối tượng, trong đó có 13 trẻ mô côi, mất nguồn nuôi dưỡng, 02 cháu khuyết tật đặc biệt nặng vào chăm sóc tại Trung tâm.

Các bữa ăn cho các cụ già tại Trung tâm  được phục vụ tận tình, chu đáo, với các khẩu phần ăn luôn được thay đổi phù hợp

Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk và  Tổ chức Tini Word  tổ chức cho các cháu đi tham quan tại các khu vui chơi Tini Word. Đồng thời, nghiên cứu, chuẩn bị các tài liệu, nội dung các chương trình truyền thông cộng đồng; hỗ trợ cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho các đối tượng khẩn cấp, góp phần  tuyên truyền, đưa các chính sách đến với các đối tượng thụ hưởng nắm bắt kịp thời. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả hoạt động, Trung tâm còn  kết nối, kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước, trong đó có Tổ chức Kinderhilfe (Cộng hòa Liên bang Đức) đã có nhiều hoạt động tài trợ cho Trung tâm từ năm 1994 đến nay với tổng số tiền trên 8 tỷ đồng.

Các hoạt động vui chơi cho trẻ em nhân ngày lễ, Tết tại Trung tâm

Với những thành tích đạt được trong suốt chặng đường hơn 40 năm qua, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ trao tặng 2 Bằng, cùng với  1 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, 5 Bằng khen của UBND tỉnh Đắk Lắk, 01 Bằng khen của Tỉnh ủy Đắk Lắk về sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ trẻ em 10 năm từ 2002 – 2012. Liên tục từ năm 2010 cho đến nay Trung tâm luôn được công nhận Danh hiệu tập thể xuất sắc, tổ chức Chi bộ Đảng, Công Đoàn, Đoàn Thanh niên luôn đạt trong sạch vững mạnh.

Vương Linh

                                         

 

 

 

Từ khóa: