Xã hội
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Đắk: Đổi mới công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao
03:29 PM 21/04/2020
(LĐXH) - Với phương châm “Đoàn kết – trách nhiệm – sáng tạo – hiệu quả”, thời gian qua, Ban Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Đắk đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo kế hoạch quản lý, chăm sóc, phục hồi chức năng (PHCN) cho đối tượng và các mặt công tác bổ trợ khác. Qua đó, công tác quản lý, chăm sóc đối tượng và các lĩnh vực quản lý khác trong năm 2019 đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Người gia neo đơn được chăm sóc tận tình và chu đáo tại Trung tâm BTXH tỉnh Đắk Lắk

 Làm tốt từ khâu tiếp nhận đối tượng

 

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Đắk được thành lập trên cơ sở hợp nhất giữa hai Trung tâm Bảo trợ xã hội và Trung tâm chăm sóc và PHCN cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí theo Quyết định số 1685/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đắk Lắk, ngày 02 tháng 4 năm 2019. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk với các chức năng như: Tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng, PHCN cho các đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp, đối tượng tự nguyện; cung cấp các dịch dụ về công tác xã hội; thực hiện một số nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật. Cụ thể, nhiệm vụ tiếp nhận đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp; Đánh giá các nhu cầu của đối tượng, sàng lọc và phân loại đối tượng. Trường hợp cần thiết thì chuyển gửi đối tượng tới các cơ sở y tế, giáo dục, cơ quan công an, tư pháp hoặc các cơ quan, tổ chức phù hợp  khác; Bảo đảm sự an toàn và đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp của đối tượng như: nơi cư trú tạp thời, thức ăn, quần áo và đi lại. Tham vấn trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý và phụ hồi thể chất cho đối tượng; Tư vấn và trợ giúp đối tượng thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội. Tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện đặc biệt khó khăn, không tự lo được cuộc sống và không có điều kiện sinh sống tại gia đình, cộng đồng. Cung cấp dịch vụ điều y tế ban đầu,…

Theo ông Nguyễn Xuân Quý - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Đắk, hiện Trung tâm đang quản lý, chăm sóc và PHCN cho 214 đối tượng (155 nam và 59 đối tượng nữ), trong đó có 10 đối tượng thuộc diện tự nguyện, trong đó số tiếp nhận mới trong năm 2019 là 13 đối tượng. Khâu tiếp nhận hồ sơ của đối tượng được Trung tâm thực hiện đúng quy định tại Điều 40, Nghị định 103/2017/NĐ-CP. Hiện toàn bộ các đối tượng đang điều trị tại Trung tâm đều được mua bảo hiểm đầy đủ. Các bữa ăn luôn đúng giờ, đủ dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh và thực đơn được thay đổi hằng ngày để đối tượng ăn ngon miệng, hết khẩu phần.

Ngoài ra, Trung tâm còn duy trì cho đối tượng uống nước bằng máy lọc nước Ro, tổ chức cho đối tượng ngủ mùng, đánh răng vào mỗi buổi sáng. Trong năm 2019, Trung tâm còn cho lắp đặt hệ thống vòi tắm hoa sen cho đối tượng tắm bằng nước nóng năng lượng mặt trời; lắp đặt vòi nước cho đối tượng đánh răng, rửa mặt; lắp đặt hệ thống intenet cho đối tượng xem ti vi và tổ chức giặt chăn mùng, chiếu gối thường xuyên theo đó phòng ở của các đối tượng luôn được sạch sẽ, ngăn nắp gọn gàng.

Trẻ em lang thang được chăm sóc và giáo dục dạy nghề, dạy văn hóa tại Trung tâm BTXH tỉnh Đắk Lắk

 

Đưa thêm bài tập PHCN mới phù hợp với từng đối tượng

 

Ông Nguyễn Xuân Quý - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Đắk cho biết, Trung tâm hiện có tổng cộng 52 cán bộ, viên chức và người lao động, tuy nhiên chưa có y bác sỹ ''chuyên khoa” tâm thần nào. Nhưng với tinh thần "Lương y như từ mẫu”, các y bác sỹ ở đây đã khắc phục khó khăn, tận tụy với công việc thường xuyên thăm khám, sàng lọc kịp thời phát hiện những đối tượng bị suy kiệt, lên cơn kích động, để tách ra ở 5 buồng riêng cho tiện chăm sóc. Hằng ngày các nhân viên y tế phối hợp với các bộ phận dinh dưỡng, quản lý chăm sóc, cho ăn uống với thành phần dinh dưỡng cao hơn bình thường để đối tượng hay bị kích động sớm thuyên giảm, đối tượng bị suy kiệt nhanh hồi phục sức khỏe. Đặc biệt, hằng ngày các y bác sỹ đều thăm khám và cấp phát thuốc và yêu cầu đối tượng uống ngay trước mặt của y bác sỹ.

Trong năm 2019, Trung tâm đã tổ chức thăm khám định kỳ cho 2.240 lượt đối tượng, khám điều trị bệnh thông thường cho 1500 lượt đối tượng, trong đó số bệnh nhân nặng, suy kiệt là 22 đối tượng, số bệnh nhân thường xuyên lên cơn kích động là 3 đối tượng. Trong năm 2019 không có  lượt đối tượng bị bệnh nặng, được Trung tâm chuyển tới bệnh viện điều trị.  Song song với việc thường xuyên thăm khám cho các đối tượng, các y bác sỹ còn tham mưu Ban Lãnh đạo Trung tâm chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm công tác kiểm tra vệ sinh phòng dịch, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng trừ các dịch bệnh lây qua trung gian từ muỗi. Đồng thời, cho phát quang bụi rậm, vệ sinh sạch sẽ trong và ngoài khuôn viên trung tâm.

Về vấn đề an toàn thực phẩm được Trung tâm đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm Ban giám đốc Trung tâm đã phân công bộ phận chuyên môn kiểm tra thực phẩm trước, trong và sau khi chế biến các bữa ăn. Theo đó, sức khỏe của các đối tượng được nâng lên thể hiện qua các chỉ số cân nặng, đa số tăng cân và tinh thần ổn định, nhanh nhẹn, hoạt bát hơn.

Trẻ em tại Trung tâm BTXH tỉnh Đắk Lắk luôn được quan tâm và chăm sóc tận tình cả về sức khỏe, tinh thần và được học tập văn hóa và các kỹ năng nghề để tái hóa nhập cộng đồng

Với phương châm lấy bệnh nhân hướng dẫn bệnh nhân, bệnh nhân khỏe hơn sẽ hướng dẫn bệnh nhân yếu hơn gấp nội vụ, làm vệ sinh cá nhân hằng ngày (đánh răng, tắm rửa….). Thành lập các nhóm: Nhóm văn nghệ, nhóm thể thao, nhóm vệ sinh và giặt quần áo, nhóm lao động, nhóm tập vật lý trị liệu PHCN. Các y bác sỹ phụ trách còn triển khai cho đối tượng tập vật lý trị liệu bằng xe đạp vào tất cả các ngày trong tuần. Thường xuyên đổi mới các bài tập thể dục theo nhạc cho nhóm văn nghệ và nhóm thể thao kết hợp tập luyện vào các buổi chiều, duy trì thực hiện bài tập thể dục mỗi buổi sáng theo nhạc cho các đối tượng. “Qua một thời gian được cán bộ, nhân viên của Trung tâm hướng dẫn, chỉ dạy tận tình đến nay nhiều đối tượng đã biết tự giặt, chà quần áo của mình theo từng công đoạn đảm bảo được sạch sẽ, phơi đúng nơi quy định; 95% đối tượng có khả năng tự đánh răng rửa mặt, mắc màn, xếp gọn tư trang sau khi ngủ dậy; 92% đối tượng tham gia được các hoạt động thể dục, văn nghệ và chơi các trò chơi dân gian; 40% đối tượng tham gia các hoạt động lao động trị liệu như trồng rau xanh, chăn nuôi, lau dọn nơi ăn ở, sinh hoạt, ông Nguyễn Xuân Quý vui mừng chia sẻ.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã thành lập đội tự quản của bệnh nhân, đưa các thành viên của đội tự quản vào phụ giúp nhân viên cùng giúp đỡ các phòng bệnh nhân; Thành lập được 4 nhóm bệnh nhân giúp bệnh nhân. Các nhóm xây dựng các kế hoạch hoạt động cho bệnh nhân theo từng tuần và được cán bộ nhân viên của phòng Y tế của Trung tâm trực tiếp theo dõi sát sao các phòng bệnh. Qua đó, y bác sỹ nắm bắt tìm hiểu được tâm tư nguyện vọng của từng bệnh nhân để phục vụ cho công tác điều trị và phục hồi chức năng đạt hiệu quả. Đạt được kết quả như trên, trong năm 2019 Ban Giám đốc Trung tâm luôn trực 24/24 tiếng/ngày kể cả ngày lễ Tết để chỉ đạo, giải quyết kịp thời những việc mới phát sinh trong công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, PHCN cho đối tượng. Đồng đời, tổ chức định kỳ giao ban hằng tháng, quý nhằm đánh giá các mặt công tác của cơ quan để kịp thời giải quyết ngay khi các đơn vị hay gặp  khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục cử cán bộ, nhân viên và người lao động tham gia các khóa đào tạo nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao trình độ, chuyên môn. Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh các phong trào hoạt động của các đoàn thể; chú trọng đến công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh phòng dịch, không để xảy ra dịch bệnh cho bệnh nhân tại Trung tâm. Đảm bảo tốt công tác cấp phát thuốc, xuất nhập kho và chất lượng thuốc điều trị cho đối tượng. Tiếp tục lên kế hoạch, đổi mới công tác theo dõi các đối tượng thường xuyên lên cơn kích động để cách ly và điều trị kịp thời; những đối tượng nặng, suy kiệt cần được chăm sóc, nuôi dưỡng theo chế độ riêng; Triển khai thêm những bài tập PHCN mới phù hợp với từng đối tượng.

Hải Đăng

 

 

Từ khóa: