Ghi nhận ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nam Định
(LĐXH) Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nam Định được thành lập theo Quyết định số 284/QĐ-UB ngày 25/03/1997 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định trên cơ sở sát nhập Trung tâm Bảo trợ xã hội với Khu nuôi dưỡng Xã hội thuộc Sở LĐTBXH tỉnh và tổ chức lại thành Trung tâm Bảo trợ xã hội. Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, Trung tâm đã khắc phục khó khăn thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và phục hồi chức năng cho các diện đối tượng bảo trợ xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Các đối tượng tập thể dục buổi sáng để nâng cao thể trạng và tư tưởng
Ông Mai Quang Việt, Giám đốc Trung tâm cho biết: Là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở LĐTBXH, Trung tâm có chức năng thực hiện chính sách bảo trợ xã hội cho đối tượng xã hội thuộc diện đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống; cung cấp dịch vụ về công tác xã hội; trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí trên địa bàn tỉnh Nam Định. Xác định được nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa nhân văn, Ban lãnh đạo đơn vị đã triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc sự các văn bản, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên; lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, nhân viên trong toàn đơn vị thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ được giao. Đồng thời tuyên truyền, giáo dục cán bộ, nhân viên thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy chế của ngành, của đơn vị; tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh”, thực hiện 5 chuẩn mực đạo đức, lối sống, phong cách làm việc của cán bộ công chức, viên chức trong đơn vị, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
Định kỳ từng quý và cả năm, Trung tâm đều xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện tiếp nhận, quản lý đối tượng; phân công cán bộ trực; rà soát công việc của từng bộ phận để sắp xếp cán bộ làm việc cho phù hợp. Cùng với đó, tiến hành phân loại đối tượng tâm thần để có kế hoạch chăm sóc quản lý đạt hiệu quả; xây dựng kế hoạch tăng gia sản xuất... Thực hiện công tác tiếp nhận đối tượng, trong năm 2018, trung tâm đã tiếp nhận 07 đối tượng vào quản lý tạm thời trong dịp lễ hội Đền Trần TP Nam Định và lễ hội Phủ Dầy huyện Vụ Bản; Tiếp nhận 06 đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp và đã triển khai thu thập xác định danh tính, thân nhân, nơi cư trú và bàn giao cho gia đình quản lý, đảm bảo an toàn.
Trong công tác quản lý dài hạn, hiện nay Trung tâm đang quản lý, nuôi dưỡng 145 đối tượng, trong đó có 04 trẻ em có bố mẹ trong thời gian chấp hành án phạt tù; 12 người lang thang không xác định được nơi cư trú; 06 người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa; 21 người cao tuổi khuyết tật đặc biệt nặng (tâm thần, thần kinh, vận động); 102 người khuyết tật đặc biệt nặng (khuyết tật về tâm thần, thần kinh, vận động). Để nâng cao công tác chăm sóc, đơn vị duy trì đều đặn chế độ ăn uống phục vụ các diện đối tượng, ngày ăn 3 bữa đảm bảo tiêu chuẩn, định lượng quy định và có phần cải thiện thêm như rau xanh tại chỗ. Tư vấn, tham vấn cho các diện đối tượng tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội... Cung cấp và hỗ trợ đối tượng tiếp cận, thụ hưởng các chính sách và chương trình trợ giúp xã hội, Quản lý, chăm sóc cho các diện đối tượng. Thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt nhóm để các đối tượng có cơ hội chia sẻ, vui chơi cùng nhau, trao đổi và thiết lập các nhóm bạn với nhau. Thông qua các hoạt động nhóm như vậy, các đối tượng sẽ có thêm các cơ hội nhận được kiến thức, nâng cao nhận thức, xây dựng mối quan hệ, tự tin trong giao tiếp và thể hiện được năng khiếu, tài năng của mình.
Thực hiện công tác điều trị bệnh, 100% đối tượng được chăm sóc y tế thường xuyên theo quy định; xây dựng nội quy, quy định cho từng khu vực quản lý chăm sóc, nuôi dưỡng các diện đối tượng. Đối với đối tượng bị ốm, đau nặng, Trung tâm đưa đi bệnh viện các tuyến theo quy định để chữa trị và cử người chăm sóc; thường xuyên liên hệ mật thiết với bệnh viện tâm thần Trung ương, Bệnh viện tâm thần tỉnh trong việc cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm, tổ chức khám, ra phác đồ điều trị cho người tâm thần. Đồng thời trung tâm tổ chức hoạt động phục hồi chức năng sinh hoạt như làm cỏ, quét dọn vệ sinh xung quanh đơn vị, vệ sinh phòng ở, vệ sinh cá nhân để từ đó các đối tượng quên đi những cảm giác đau đớn, khó chịu do bệnh lý gây nên và dần bình phục sức khoẻ, hình thành được tư duy trong công việc, có ý thức hơn trong sinh hoạt.
Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng được Trung tâm đặc biệt chú trọng
Song song với đó, Trung tâm cũng tổ chức các hoạt động như thể dục buổi sáng để nâng cao thể chất, xem ti vi, giúp cho đối tượng bị thu hút tham gia vào các hoạt động, không còn thời gian rảnh rỗi và suy nghĩ miên man buồn chán, cảm nhận sự vui vẻ thích thú trong khi hòa mình vào các hoạt động tập thể. Tổ chức cho đối tượng lao động liệu pháp, như: nuôi lợn, trồng rau, quét dọn vệ sinh... Trung tâm thường xuyên được đầu tư sửa chữa nhỏ, cải tạo cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, như: Cải tạo, sửa chữa một số hạng mục nhà tâm thần nam, khu đối tượng xã hội, khu nhà lây; bổ sung, mua sắm trang bị các đồ dùng phương tiện, nhất là đồ dùng như chăn màn, quần áo phải thay thế do đối tượng xé rách và trang bị thêm các đồ dùng chống rét và đồ dùng sinh hoạt khác cho đối tượng.
Với đặc thù đơn vị đóng trên địa bàn giáp danh giữa 03 xã, trong thời gian, Trung tâm chủ động phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc đảm bảo an ninh trật tự, cắt cử cán bộ, nhân viên duy trì chế độ trực 24/24h.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nam Định cũng gặp một số khó khăn nhất định như: Với nhiệm vụ điều trị quản lý nuôi dưỡng đối tượng xã hội, người tâm thần phân liệt, đây là diện đối tượng phức tạp nhiều tiềm ẩn rủi ro. Một số đối tượng người già cô đơn không nơi nương tựa và người tâm thần cao tuổi thường xuyên đau ốm, đối tượng tâm thần nặng hay lên cơn kích động do đó phần nào cũng ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ. Công tác quản lý đối tượng, đặc biệt là đối tượng tâm thần nắm bắt diễn biến tư tưởng còn hạn chế .
Với những thành tích đã đạt được, năm 2019, Trung tâm tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị, trọng tâm là nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên, đặc biệt là những người trực tiếp quản lý, chăm sóc và điều trị PHCN cho đối tượng; Nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng. Tiếp nhận các diện đối tượng vào nuôi dưỡng dài hạn; Sẵn sàng tiếp nhận đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp và đối tượng lang thang xin ăn khi có chỉ đạo của Sở LĐTBXH tỉnh; Thường xuyên tổ chức lao động, sản xuất tăng gia và chăn nuôi nhằm chủ động một phần thực phẩm và rau xanh, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng và môi trường xanh, sạch đẹp.../.
Hồng Phượng
Từ khóa:
-
TP Lào Cai tặng quà Tết cho gia đình người có công bị ảnh hưởng cơn bão số 3
18-01-2025 10:32 19
-
Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện, xã hội nhân dịp Tết Ất Tỵ
17-01-2025 17:06 58
-
Nhân rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên vùng đất Thép Thái Nguyên
17-01-2025 15:30 19
-
Đắk Lắk: Chăm lo chu đáo đời sống đối tượng bảo trợ xã hội
14-01-2025 11:10 58
-
Chương trình “Xuân biên cương - Tết ấm cho em – Hội chợ Tết 0 đồng”
14-01-2025 11:10 55
-
Người dân Hà Nội 'xé rào', đi ngược chiều trên đường Lê Quang Đạo
13-01-2025 13:46 21