Về với Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp Nam Định...
(LĐXH) - Xác định công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục đối tượng là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, với tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp và lòng nhân ái, tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp Nam Định đã tiếp tục cố gắng khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các đối tượng trong ngôi nhà chung của Trung tâm.
Anh Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Phòng Y tế Trung tâm cho biết: Ngay khi tiếp nhận thông tin, nhu cầu của đối tượng, Trung tâm tổ chức sàng lọc và phân loại đối tượng; Đánh giá về tâm sinh lý, tình trạng sức khoẻ và các nhu cầu của đối tượng, lập kế hoạch trợ giúp và thực hiện kế hoạch trợ giúp. Đồng thời thu thập dữ liệu, tổng hợp, phân tích và đánh giá sự tiến triển của đối tượng; giám sát, đánh giá các hoạt động chăm sóc và điều chỉnh kế hoạch chăm sóc nếu cần thiết. Lập kế hoạch dừng trợ giúp và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng.
Thực hiện công tác y tế, vệ sinh, quần áo và dinh dưỡng, Trung tâm có cán bộ y tế, trang thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp, tủ thuốc bảo đảm chăm sóc sức khỏe ban đầu, sơ cấp cứu khi cần thiết; điều trị và mở sổ theo dõi; kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng và hàng năm cho từng đối tượng; tổ chức phục hồi chức năng cho đối tượng. Cung cấp đầy đủ nước uống sạch và bảo đảm vệ sinh tắm, giặt hàng ngày cho đối tượng; cung cấp đồ dùng vệ sinh cá nhân, gồm xà phòng tắm, khăn mặt, kem đánh răng và bàn chải đánh răng riêng; cung cấp đồ dùng phục vụ việc ngủ, gồm giường nằm, chiếu, chăn, màn; có nội quy riêng của cơ sở trợ giúp xã hội quy định dọn dẹp vệ sinh và vệ sinh cá nhân. 100% đối tượng được trang bị quần áo, dép đảm bảo theo quy định. Riêng đối với trẻ em trong độ tuổi đi học, được trang bị thêm quần áo đồng phục.
Về dinh dưỡng: Cung cấp ba bữa ăn (sáng, trưa và tối) mỗi ngày, bảo đảm dinh dưỡng đủ calo, có chất đạm (thịt, cá, đậu nành, chất bột đường, rau quả); Có chế độ dinh dưỡng đặc biệt cho những đối tượng có nhu cầu đặc biệt như, trẻ em bị ốm hoặc suy dinh dưỡng, người cao tuổi và những đối tượng có chế độ ăn kiêng theo bệnh tật.
Trẻ em được tham gia các hoạt động tại trung tâm
Có dịp xuống thăm các bệnh nhân tâm thần đang được chăm sóc, điều trị tại Trung tâm, chúng tôi đã chứng kiến những vất vả của đội ngũ cán bộ nơi đây. Với khu nhà nuôi dưỡng đối tượng tâm thần nam, đầu giờ chiều hơn 20 đối tượng đang ngồi hóng mát ngoài sân. Anh Nguyễn Văn Phi, quê xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh cho biết: Do bị bệnh tâm thần, nên cách đây 4 năm cả 2 bố con được đưa vào Trung tâm. Trước kia khi bệnh tái phát, gia đình không có điều kiện chăm sóc, thuốc men đầy đủ nên bệnh ngày càng nặng hơn. Kể từ khi vào Trung tâm, hiện nay bệnh tình có thuyên giảm, những lúc minh mẫn có thể trò chuyện với cán bộ, nhân viên. Mọi sinh hoạt cũng có thể tự phục vụ được.
Không chỉ thực hiện chức năng chăm sóc, điều trị, Trung tâm còn tổ chức chương trình dạy nghề may và nghề mộc, phục hồi chức năng ngôn ngữ và thể chất cho đối tượng khuyết tật tại Cơ sở 2 tại Thôn Lộng Đồng, xã Lộc An, T.P Nam Định, tỉnh Nam Định. Hiện nay, đơn vị đang tổ chức dạy nghề, phục hồi chức năng cho 77 trẻ em khuyết tật từ 12 đến dưới 16 tuổi. Sau khóa học, các em được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, được hỗ trợ tư vấn tìm việc làm sau khi hết thời hạn ra khỏi Trung tâm. Tính riêng từ ngày 01/01/2021 đến 31/3/2021, Trung tâm tổ chức được 6 lớp, dạy nghề với số đối tượng 87 học sinh; Từ 01/04/2021 đến 15/02/2022, mở được 6 lớp, với 85 học sinh và từ 15/02/2022 đến nay, mở được 5 lớp với 73 học sinh.
Bên cạnh đó, Trung tâm thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, văn nghệ chào mừng đón Tết Thiếu nhi, mùng 1/6, Tết Trung thu cho đối tượng là trẻ khuyết tật tại Cơ sở 2. Thực hiện công tác tư vấn xã hội cho trẻ; Tổ chức các hoạt động văn hóa thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí, tư vấn đồng cảnh cho các diện đối tượng nhằm hỗ trợ về mặt tâm lý giữa những người đồng cảnh với nhau để họ lắng nghe nhau và cùng nhau chia sẻ và bớt đi những mặc cảm về mình. Các đối tượng được tham gia vào các hoạt động thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí phù hợp với lứa tuổi
Để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, đơn vị đã triển khai phổ biến tuyên truyền Luật Chăm sóc và bảo vệ trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành; ban hành quy chế làm việc và các nội quy, quy định đối với cán bộ, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy nghề cho đối tượng là trẻ em và trẻ em khuyết tật, và nội quy, quy định cho trẻ em trong việc thực hiện và chấp hành các quy định tại Trung tâm. Thường xuyên tạo dựng và giữ mối quan hệ với chính quyền địa phương và các tổ chức cơ quan có liên quan trong công tác đảm bảo an ninh trật tự để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Theo đánh giá, với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Lao động – TBXH, Sở Lao động – TBXH tỉnh cùng sự phối hợp của các cấp chính quyền địa phương, công tác nuôi dưỡng, chăm sóc cho các diện đối tượng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp Nam Định được nâng lên, đảm bảo đúng theo các quy định, từ đó nâng cao sức khoẻ của đối tượng. Đối với người tâm thần, số lượng đối tượng lên cơn kích động giảm 60%; số bệnh nhân ổn định về bệnh lý đạt trên 80%; không xảy ra trường hợp đánh nhau giữa các đối tượng dẫn đến chết người hoặc gây thương tích. Đối với trẻ em khuyết tật, được học nghề, phục hồi chức năng, nhiều em đã tái hòa nhập cộng đồng, tìm được việc làm ổn định cuộc sống./.
Hồng Phượng
Từ khóa:
-
Thái Nguyên: Chú trọng quản lý các công trình ghi công liệt sĩ
15-11-2024 18:15 50
-
Quận Cầu Giấy: Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
15-11-2024 17:18 24
-
Huyện Phú Lương phát huy truyền thống Uống nước nhớ nguồn
02-11-2024 16:33 08
-
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
14-11-2024 15:18 23
-
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
14-11-2024 15:17 59
-
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
14-11-2024 14:13 55