Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp Nam Định: Mái nhà chung của người bệnh tâm thần
(LĐXH)- Những năm qua, Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp Nam Định đã và đang nuôi dưỡng, chăm sóc nhiều mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống, trong đó có người bệnh tâm thần.
Ông Mai Quang Việt, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Nam Định
Sưởi ấm những tâm hồn
Ông Mai Quang Việt, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Nam Định cho biết: Hiện nay, Trung tâm đang nuôi dưỡng 232 đối tượng, trong đó có 158 người tâm thần (người khuyết tật đặc biệt nặng). Để làm tốt công tác chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần, Trung tâm chia thành 4 khu, gồm: Khu tâm thần nữ, khu tâm thần nam, khu tâm thần nặng và khu xã hội nuôi dưỡng các cụ già tâm thần.
Mỗi người bệnh tâm thần vào Trung tâm là những mảnh đời, hoàn cảnh khác nhau, người thì đi lang thang, người thì gia đình nghèo không lo nổi; không còn người thân chăm sóc, nuôi dưỡng, nhưng tất cả đều không có nơi nương tựa, không điều chỉnh được hành vi khi lên cơn. Họ bất hợp tác trong quá trình nuôi dưỡng, mỗi lần kích động thường quay sang tấn công nhân viên chăm sóc, phải có sự can thiệp bằng các biện pháp mạnh. Đối với bệnh nhân sức khỏe yếu, nằm một chỗ, nhân viên chăm sóc phải kiêm luôn nhiệm vụ tắm rửa, đút ăn. Còn khi họ nhập viện, Trung tâm cũng cử người thay phiên nhau chăm sóc.
Có đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Nam Định, chúng tôi mới cảm nhận được tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên nơi đây. Bởi tiền lương thì không nhiều nhưng làm việc rất vất vả, bất kể ngày, đêm. Anh Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng Y tế bộc bạch: “Tôi vào Trung tâm làm việc đã 16 năm từ những ngày đầu đơn vị được giao nhiệm vụ chăm sóc đối tượng tâm thần. Những ngày đầu, tôi cứ nghĩ mình sẽ không cầm cự nổi, bởi thấy cảnh người bệnh la hét, chửi bới rất mệt và áp lực. Nhưng khi bình tâm suy nghĩ lại, tôi đặt mình vào hoàn cảnh của họ để thông cảm, thấy những bệnh nhân này đáng thương hơn đáng trách. Lâu dần, tôi xem họ như người nhà của mình mà tận tâm chăm sóc. Việc chăm sóc đối tượng được thực hiện theo nề nếp, áp dụng theo mô hình nhất định. Buổi sáng bệnh nhân dậy từ 5 giờ, tập thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn sáng. Đối với những đối tượng có sức khỏe, tỉnh táo thì thực hiện lao động phục hồi chức năng, duy trì đến 10 giờ thì bắt đầu uống thuốc. Có những đối tượng phải uống thuốc 2 lần một ngày (sáng, tối), có những người chỉ uống thuốc 1 lần. Sau đó, bệnh nhân ăn trưa. 1h30 chiều, bệnh nhân dạy tự ở phòng xem ti vi hoặc tiếp tục tham gia các hoạt động lao động trị liệu để ổn định tâm lý.
“Đối tượng ở đây rất đa dạng, tâm tư tình cảm đối với người lúc đầu làm việc với bệnh nhân tâm thần là rất sợ, nhưng sau một thời gian thì dần quen, bình thường. Những đối tượng này cũng như những đối tượng bệnh nhân khác, không có phiền hà, chỉ có điều phải duy trì uống thuốc đều đặn, khi bệnh nhân ổn định tỉnh táo thì vẫn trò chuyện, tâm sự bình thường. Cũng bởi đã gắn bó lâu dài như người nhà nên cán bộ nơi đây nắm rõ tâm tư của từng bệnh nhân, khi họ có biểu hiện gì bất thường, nhân viên đều nhận ra để điều trị thuốc phù hợp”, anh Thanh chia sẻ.
Các bệnh nhân tâm thần đang tham gia lao động sản xuất, trị liệu
Mái nhà chung ấm áp nghĩa tình
Ngồi trong căn phòng sạch sẽ, ông Nguyễn Văn Khái (sinh năm 1937) vẫn minh mẫn trò chuyện với chúng tôi. Ông đã được nhận vào trung tâm những năm 2003 khi đang đi lang thang và được thu gom vào trung tâm. Ông cho biết: Ở đây, cán bộ nhân viên rất quan tâm tới đối tượng từ chăm sóc, ăn uống, thuốc men sinh hoạt hàng ngày. Thường xuyên trò chuyện nên tâm trạng của tôi rất thoải mái, tất cả sinh hoạt cá nhân tôi vẫn tự làm được. Tôi rất vui vì mấy hôm nữa được chuyển sang ở khu nhà mới.
Đang cùng mấy học viên tham gia nhặt cỏ trồng rau, anh Hùng, quê Hải Hậu tâm sự: Mấy năm trước do uống rượu bia nhiều, tinh thần rối loạn, sinh ra loạn thần hay nói năng linh tinh. Sau 5 năm ở trung tâm, được chăm sóc, uống thuốc đều đặn, bệnh tình của tôi đã ổn định. Cán bộ nhân viên ở đây rất nhiệt tình với người bệnh nên tôi cũng không phải lo nghĩ gì, yên tâm chữa bệnh. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của trung tâm, mỗi năm gia đình tôi cũng lên thăm 3, 4 lần, động viên tôi yên tâm ở lại trung tâm điều trị.
Bệnh tâm thần là bệnh lý do rối loạn hoạt động não bộ gây ra những biến đổi bất thường về lời nói, tác phong, tình cảm, hành vi, ý tưởng... Bệnh tâm thần ngày càng gia tăng là do áp lực cuộc sống, công việc cùng những thay đổi về mặt xã hội như sự phân hóa xã hội, nạn thất nghiệp, các tệ nạn xã hội, bất cập của nền giáo dục, y tế...
Ông Mai Quang Việt, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Đa số người bệnh tâm thần trong Trung tâm đều mắc bệnh tâm thần mãn tính nên rất khó điều trị. Chúng tôi chỉ hy vọng, người bệnh tâm thần ý thức được hành vi của mình, hòa đồng, không đánh nhau. Để làm được điều này, ngoài việc cho uống thuốc đầy đủ, đúng thời gian còn phải nhẹ nhàng chăm sóc, không được lớn tiếng, từ đó giúp người bệnh tâm thần được thoải mái tinh thần. Ở gia đình và ngoài xã hội, người bệnh tâm thần thường bị kỳ thị, xa lánh nên bệnh càng thêm nặng, nếu gia đình biết cách điều trị ngay từ đầu thì sẽ không xuất hiện nhiều bệnh nhân tâm thần mãn tính.
158 người bệnh tâm thần đang cùng chung sống trong một mái nhà là Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp Nam Định. Ở đó, họ bỏ qua những ồn ào, thị phi, áp lực của cuộc sống bên ngoài để được sống trong vòng tay yêu thương, đùm bọc của những tấm lòng tử tế. Và dù những tấm lòng ấy không là máu mủ ruột rà nhưng họ sẵn sàng đồng hành với các mảnh đời yếu thế, cùng vượt qua những tháng ngày vất vả, góp phần giúp người bệnh tâm thần sớm tái hòa nhập cộng đồng./.
Hồng Phượng
Từ khóa:
-
Thái Nguyên: Chú trọng quản lý các công trình ghi công liệt sĩ
15-11-2024 18:15 50
-
Quận Cầu Giấy: Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
15-11-2024 17:18 24
-
Huyện Phú Lương phát huy truyền thống Uống nước nhớ nguồn
02-11-2024 16:33 08
-
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
14-11-2024 15:18 23
-
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
14-11-2024 15:17 59
-
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
14-11-2024 14:13 55