Xã hội
Trung tâm Công tác xã hội Bảo vệ trẻ em An Giang: Nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc triển khai các dịch vụ xã hội
04:21 PM 28/07/2017
(LĐXH) - Triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020, tỉnh An giang đã sớm thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Công tác xã hội Bảo vệ trẻ em tỉnh An Giang nhằm góp phần cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho người dân, nhất là trẻ em nhằm đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Hôi thảo tập huấn công tác xã hội và sức khỏe cộng đồng năm thứ 11 tại An Giang

Với chức năng chính là tham vấn, cung cấp thông tin dịch vụ các vấn đề có liên quan đến trẻ em và gia đình trẻ em, đồng thời kết nối những đối tượng này với các cơ quan ban ngành tổ chức và các dịch vụ an sinh xã hội để hỗ trợ họ giải quyết vấn đề, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Qua đó, từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống dịch vụ cũng như quy trình bảo vệ , chăm sóc trẻ em từ khâu phòng ngừa, phát hiện kịp thời các trường hợp trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đến việc phối hợp, huy động hỗ trợ phục hồi tái hòa nhập cho trẻ em cần đến can thiệp, trợ giúp.

Ông Trương Văn Khan, Phó giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Bảo vệ trẻ em tỉnh An Giang cho biết: “Để đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc trong việc can thiệp trợ giúp đối tượng Trung tâm đã triển khai 60 cuộc truyền thông với chủ đề Phòng, tránh tai nạn thương tích: tai nạn giao thông, bỏng, đuối nước, té ngã, điện giật và giới thiệu đường dây nóng phòng, chống mua bán người 18008077 cho hơn 3000 lượt người dân và học sinh tham dự trên địa bàn tỉnh An Giang. Đồng thời, tổ chức 02 lớp tập huấn dành cho cán bộ, giáo viên phụ trách mô hình Công tác xã hội học đường tại: Tx. Tân Châu và Tp. Long Xuyên với hơn 70 lượt học viên tham dự.

Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Trung tâm Tương lai TP. Hồ Chí Minh tổ chức lớp tập huấn “Quyền trẻ em và Kỹ năng sống” tại Hội trường Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang với hơn 80 lượt học sinh và phụ huynh tham dự.

Bên cạnh đó, trong năm 2016, Trung tâm đã tư vấn cho hơn 286 lượt (trong đó có 218 lượt tư vấn tại Trung tâm và 68 lượt tư vấn tại cộng đồng) về các vấn đề như: trẻ bị xâm hại, trẻ quan hệ tình dục trong độ tuổi vị thành niên, trẻ bị bạo hành trong gia đình, trẻ bị dâm ô, giao cấu trẻ em, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, tư vấn hướng dẫn gia đình hướng dẫn trẻ cách sinh hoạt cá nhân cho trẻ khuyết tật “chậm phát triển trí tuệ”, trẻ bị bại não, tự kỹ…

Phối hợp Phòng Lao động Thương binh xã hội và huyện đoàn Tri Tôn tổ chức đêm hội trăng rằm với hình thức Sân khấu hóa tại nhà văn hóa thiếu nhi huyện Tri Tôn, tặng quà cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, vùng sâu, vùng khó khăn của huyện với 300 phần quà cho các em, trị giá 32.000.000 đồng, 11 xuất học bổng trị giá 12.000.000đồng và 500 quyển tập trị giá 2.500.000đồng

Song song đó, Trung tâm còn tổ chức tặng  100 phần quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới,  trị giá 12.000.000đồng. Kết hợp với phòng lao động huyện Tịnh Biên  tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là con em của đội K93 của Tỉnh Đội đóng quân tại huyện Tịnh Biên, với 50 phần quà trị giá 6.000.000đồng

Cùng với đó, Trung tâm cũng đã kết nối đường dây nóng phòng, chống mua bán người 18008077 để tư vấn cho những trường hợp có nhu cầu trợ giúp. Đến nay, Trung tâm tiếp nhận hơn 3754 cuộc gọi tư vấn từ tổng đài Trung tâm kết nối đường dây nóng Phòng, chống mua bán người “18008077”. Có 673 cuộc gọi liên quan đến mua bán người trong đó tại An Giang có 4 cuộc gọi báo thông tin về mua bán người (01 tại huyện Tân Châu, 01 tại huyện Châu Phú đã báo cáo công an tỉnh; 01 tại huyện Tri Tôn, và 01) tại tỉnh Kiên Giang nghi mua bán người. Còn lại là các trường hợp ngoài tỉnh Trung tâm đã kết nối đến tổng đài 18001567 và hỗ trợ tư vấn về tâm lý.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động trợ giúp cho đối tượng, Trung tâm cũng đã từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện cơ sở vật chất. Hiện nay đơn vị có tổng số 10 biên chế, 01 Giám đốc, 01 Phó giám đốc, bộ phận văn phòng và bộ phận nghiệp vụ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, Trung tâm cũng gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu; nguồn kinh phí hoạt động ít. Thêm vào đó, công tác phối hợp liên ngành còn chậm do thủ tục cũng như đặc thù từng ngành. Đội ngũ nguồn nhân lực hóa còn thiếu, vừa phải kiêm nhiệm trực đài vừa thực hiện công việc chuyên môn, đẫn đến sự quá tải trong cả 2 mảng công việc.

Vì vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, Trung tâm đề nghị Sở LĐ-TBXH tỉnh An Giang hỗ trợ, tăng thêm kinh phí hoạt động và mua sắm trang thiết bị để trung tâm đang ngày càng phát triển, mở rộng hoạt động cộng đồng; Tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ được tham gia tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tư vấn, pháp luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em qua đó tư vấn trợ giúp cho các đối tượng, giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng.

                                                                                        Lê Việt

Từ khóa: