Xã hội
Tuyên Quang: Chăm lo đời sống đối tượng bảo trợ xã hội
03:32 PM 19/09/2019
Thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với đảm bảo an sinh xã hội, thời gian qua, các cấp, các ngành tỉnh Tuyên Quang đặc biệt quan tâm tới công tác trợ giúp xã hội nhằm tạo điều kiện tối đa cho nhóm đối tượng yếu thế ổn định cuộc sống, hòa nhập tốt với cộng đồng.
Hỗ trợ gạo cho hộ nghèo trong thời kỳ giáp hạt
Thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP và các quy định hiện hành của Chính phủ và của tỉnh về chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng các văn bản hoặc lồng ghép các chính sách bảo trợ xã hội vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trên cơ sở đó, các huyện, thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ lãnh đạo, công chức làm công tác Lao động - Thương binh và Xã hội các xã, phường, thị trấn, các đối tượng đang thụ hưởng chính sách để nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng chăm sóc người khuyết tật và các đối tượng yếu thế khác. Thường xuyên kiện toàn và duy trì hoạt động của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, Hội đồng xét duyệt trợ giúp xã hội cấp xã.
Công tác chi trả trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định; 100% đối tượng bảo trợ xã hội đều được cấp thẻ BHYT. Cùng với đó, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của các chính sách về lĩnh vực bảo trợ xã hội của Trung ương, của tỉnh, giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như toàn thể người dân nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Vì vậy, trên địa bàn tỉnh hầu như không có tình trạng bỏ sót đối tượng, không có đối tượng bảo trợ xã hội nào không được thụ hưởng đầy đủ các chế độ chính sách do Nhà nước quy định. Thống kê, hiện nay, tỉnh Tuyên Quang có trên 24.000 đối tượng bảo trợ xã hội  đang hưởng trợ cấp thường xuyên, với tổng kinh phí 109 tỷ đồng/năm. Năm 2018, số đối tượng tăng 2.567 người, số đối tượng chết 1.184 người, kinh phí hỗ trợ mai táng phí 6,4 tỷ đồng. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức 2 lớp tuận huấn về chính sách trợ giúp xã hội cho 148 cán bộ cơ sở (cấp huyện, xã).
Thực hiện chính sách trợ giúp đột xuất, Sở đã hướng dẫn đôn đốc các huyện, thành phố thường xuyên nắm chắc tình hình đời sống nhân dân, hỗ trợ kịp thời cho các hộ gặp khó khăn, hộ thiếu lương thực trong dịp Tết Nguyên đán và dịp giáp hạt, thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Kết quả toàn tỉnh đã hỗ trợ 14.533 hộ, 50.959 nhân khẩu thiếu lương thực trong dịp Tết Mậu Tuất và giáp hạt với tổng số 758.886 kg gạo (trong đó gạo từ nguồn dự trữ 756.600 kg gạo). Hỗ trợ kịp thời cho 30 hộ gia đình có người bị chết, bị thương nặng kinh phí 156 triệu đồng; hỗ trợ 125 nhà ở bị cháy, bị đổ sập do thiên tai số tiền 793 triệu đồng.
Người nghèo được vay vốn ưu đãi xây dựng nhà ở tại huyện Sơn Dương

Thực hiện chính sách đối với người cao tuổi, người khuyết tật, toàn tỉnh có 64.210 người cao tuổi, trong đó số người cao tuổi đang được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng là 12.640 người, chiếm 53% đối tượng bảo trợ xã hội. Để thực hiện tốt chính sách trợ giúp, 7 Ban Đại diện Hội người cao tuổi của 7 huyện, thành phố đã xây dựng quy chế hoạt động. Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được chú trọng, trong năm 2018 đã khám sức khỏe định kỳ cho 29.503 lượt người cao tuổi, lập sổ theo dõi sức khỏe cho 40.871 người, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 55.287 người. Hướng dẫn các huyện, thành phố các thành viên Ban công tác người cao tuổi phối hợp với Hội người cao tuổi các cấp thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc người cao tuổi, thực hiện chúc thọ, mừng thọ cho 7.179 người, kinh phí trên 1,9 tỷ đồng; thăm, trao thiếp mừng thọ và quà của Chủ tịch nước cho 40 người tròn 100 tuổi nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Đối với người khuyết tật, toàn tỉnh có 21.068 người, trong đó có 10.320 người đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng, chiếm 43% đối tượng bảo trợ xã hội. Trên địa bàn tỉnh có 02 bệnh viện chuyên khoa phục hồi chức năng (Bệnh viện PHCN Hương Sen và Bệnh viện Suối khoáng Mỹ Lâm). Các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, khu vực đều có khoa hoặc bộ phận khám chữa bệnh phục hồi chức năng. Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tổ chức đoàn khám phân loại cho trẻ em tại 13 điểm của 7/7 huyện, thành phố. Chủ trì, phối hợp với các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai đưa 66 trẻ đi phẫu thuật vận động tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Thái Nguyên, 90 trẻ đi phẫu thuật mắt tại Bệnh viện Mắt Hà Nội II; 28 trẻ đi phẫu thuật môi tại Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba; hỗ trợ phẫu thuật tim cho 17 trẻ, tổng trị giá trên 900 triệu đồng.
Ngành Giáo dục thực hiện tốt công tác xã hội hóa và huy động các nguồn lực cho giáo dục học sinh khuyết tật, tổ chức quyên góp, giúp đỡ học sinh khuyết tật vào các dịp lễ, tết để giúp các em vượt qua nỗi đau về thể chất và tinh thần. Trong năm học 2018-2019, số trẻ em khuyết tật được nhận trợ cấp ưu đãi giáo dục 492 trẻ, kinh phí 73,8 triệu đồng; số giáo viên dạy học sinh khuyết tật 2.143 giáo viên, kinh phí chi trả cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật 648 triệu đồng. Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc Sở Tư pháp tỉnh đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đối tượng người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật.
Bên cạnh đó, tỉnh Tuyên Quang cũng chú trọng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng trong các cơ sở bảo trợ xã hội. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 01 cơ sở trợ giúp xã hội đó là Trung tâm Công tác xã hội tỉnh trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đang nuôi dưỡng 41 đối tượng, trong đó có 12 người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa; 20 trẻ em, người khuyết tật; 9 trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi. Ngoài ra, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: Năm 2018, vận động Quỹ bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi được trên 1,8 tỷ, qua đó tặng 135 suất quà cho người khuyết tật và trẻ mồ côi nhân các dịp lễ tết, trị giá 162 triệu đồng; 70 suất học bổng cho học sinh, trị giá 60 triệu; hỗ trợ trẻ em mồ côi mua đồ dùng học tập, sách vở 100 triệu đồng; tặng 41 xe đạp, trị giá 80 triệu đồng; Hỗ trợ 01 gia đình người khuyết tật sửa nhà, 20 triệu đồng; hỗ trợ 05 gia đình người khuyết tật xây dựng công trình vệ sinh, trị giá 738 triệu đòng; hỗ trợ 07 gia đình người khuyết tật vay vốn phát triển kinh tế 68 triệu đồng. Năm 2018, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi phối hợp với các đơn vị thực hiện 02 đề án chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ sinh hoạt, sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi gắn với xây dựng nông thôn mới tại xã Tiến Bộ (huyện Yên Sơn) và xã Sơn Nam (huyện Sơn Dương). Phối hợp với Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen tổ chức khám sức khỏe, cấp thuộc miễn phí và hướng dẫn phục hồi chức năng cho 360 người khuyết tật (xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn và xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương) trị giá 720 triệu đồng.
Nhìn chung,các chính sách của Đảng và nhà nước về công tác trợ giúp xã hội luôn được chú trọng và triển khai thực hiện, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân, thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các địa phương chủ động rà soát, nắm chắc tình hình đời sống nhân dân, tập trung huy động nguồn lực hỗ trợ kịp thời cho các hộ gia đình gặp khó khăn trong cuộc sống góp phần giữ vững ổn định, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tỉnh Tuyên Quang gặp một số khó khăn nhất định như: Đối tượng bảo trợ xã hội phần đông thuộc hộ gia đình nghèo, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế còn khó khăn, mức trợ cấp, trợ giúp xã hội còn thấp, như mức trợ cấp làm nhà ở, sửa chữa nhà ở 20 triệu đồng/hộ rất khó để các hộ nghèo không có điều kiện gia đình, anh em hỗ trợ thêm để làm được nhà ở đảm bảo 03 cứng theo quy định. Trong khi các tổ chức, cá nhân khi hỗ trợ cho hộ nghèo có nhà ở dột nát xây dựng nhà ở thường có mức hỗ trợ 50 triệu/hộ. Mức trợ cấp xã hội hàng tháng của một số đối tượng hệ số 1,0-1,5 với số tiền 270.000-405.000 đồng/người/tháng thấp, chưa phù hợp với điều kiện sinh sống của đối tượng. Công tác quản lý, chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội còn nhiều khó khăn, số đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo và sinh sống ở vùng sâu, vùng xa nhiều. Điều kiện, cơ sở vật chất của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu quản lý, nuôi dưỡng chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội, đặc biệt là khả năng tiếp nhận, chăm sóc đối tượng tâm thần gây nguy hiểm cho cộng đồng, đối tượng lang thang.
Trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện tốt việc quản lý đối tượng bảo trợ xã hội, chi trả trợ cấp thường xuyên, kịp thời, đúng chế độ chính sách cho đối tượng; Huy động mọi nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để giúp đỡ, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong các dịp lễ, tết, gặp hoạn nạn, khó khăn đột xuất. Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách trợ giúp xã hội tại các huyện, thành phố và các cơ sở bảo trợ xã hội, xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm bị phát hiện. Tăng cường công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo. Đối với những vụ việc phức tạp cần xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các cá nhân và tổ chức tham gia giải quyết đơn thư./.
Đỗ Thị Phượng
                                                                                       
 
 
 
 
Từ khóa: