Xã hội
Tuyên Quang huy động hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững
03:28 PM 27/06/2023
(LĐXH)- Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã và đang được tỉnh Tuyên Quang tổ chức thực hiện sâu rộng và đồng bộ từ các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.
Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều tỉnh Tuyên Quang giảm 4,55%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch đề ra là 3,48%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên tổng số hộ dân tộc thiểu số giảm từ 37,31% xuống còn 30,15% (trong năm giảm 7,16%); tỷ lệ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 7% (kế hoạch giảm từ 4% trở lên, trong đó huyện Lâm Bình giảm 7,39%, huyện Na Hang giảm 9,89%).
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh đầu năm 2023 là 40.522 hộ, đến tháng 5/2023 có 40.518 hộ; tổng số hộ cận nghèo đầu năm 2023 là 15.996 hộ đến tháng 5/2023 có 15.994 hộ. Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn toàn tỉnh phát sinh 01 hộ nghèo, 01 hộ cận nghèo, giảm 05 hộ nghèo, 03 hộ cận nghèo (không đánh giá tỷ lệ do chưa thực hiện rà soát, chưa có tổng số hộ trên địa bàn toàn tỉnh để tính tỷ lệ %). Kế hoạch năm 2023, Tuyên Quang đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 3,51% (giảm từ 18,9% xuống còn 15,39%). Ước thực hiện giảm 3,71% (vượt kế hoạch đề ra).
Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững ở Tuyên Quang đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện
Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung chương trình giảm nghèo bền vững đến cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo hằng năm. Nhờ đó, công tác giảm nghèo được tổ chức thực hiện sâu rộng và đồng bộ, đặc là đã huy động được sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của cộng đồng xã hội trong việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.
Các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tuyên truyền về Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững với nhiều hình thức đa dạng, phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc phổ biến qua các cuộc họp, hội nghị, hội thảo đối thoại chính sách giảm nghèo. Đặc biệt, hiện nay, tỉnh Tuyên Quang đang triển khai thực hiện việc đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang, cán bộ MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tham gia các hoạt động với nhân dân tại cơ sở hàng tháng ít nhất 01 lần. Qua đó đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, nâng cao được tinh thần trách nhiệm của cán bộ nói chung và cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp nói riêng và ý thức trách nhiệm tự lực của người dân trong việc vươn lên thoát nghèo.
Có thể thấy, công tác thông tin, tuyên truyền đã làm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo trên địa bàn tỉnh Quyên Quang. Công tác tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả; thông qua công tác thông tin, tuyên truyền người dân trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận và thụ hưởng các chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung và các chính sách về Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.
Tiếp đến, phong trào thi đua “chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” của tỉnh ngày càng hiệu quả, đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, nhiều địa phương đã có cách làm thiết thực hiệu quả như: hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo; giới thiệu việc làm, hỗ trợ khó khăn đột xuất...
Theo báo cáo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Tuyên Quang, năm 2023, nguồn vốn giải ngân thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình là 4.926 triệu đồng/264.822 triệu đồng, tỷ lệ 1,9% (trong đó, vốn đầu tư 1.262 triệu đồng, vốn sự nghiệp 3.664 triệu đồng).
Cụ thể, đối với dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn trong năm 2023 là 101.959 triệu đồng, gồm: vốn đầu tư phát triển 91.792 triệu đồng (ngân sách Trung ương 89.118 triệu đồng, vốn đối ứng ngân sách địa phương 2.674 triệu đồng); vốn duy tu, bảo dưỡng 10.167 triệu đồng (ngân sách Trung ương 8.912 triệu đồng, ngân sách địa phương 1.255 triệu đồng).
Từ nguồn vốn được giao, tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu xây dựng 45 công trình cơ sở hạ tầng liên kết vùng, thiết yếu, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa trên địa bàn các huyện nghèo; hỗ trợ các địa bàn nghèo phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (36 công trình đầu tư mới, 09 công trình duy tu bảo dưỡng).
Thực hiên dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (vốn sự nghiệp), kế hoạch vốn năm 2023 là 44.399 triệu đồng ngân sách Trung ương. Hiện nay, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 30/2022/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 ‑ 2025. Các đơn vị đang tiến hành rà soát triển khai thực hiện...
Có thể khẳng định, nhờ phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và cộng đồng đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn xã hội góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững của Đảng và Nhà nước, của tỉnh Tuyên Quang.

Chí Tâm

Từ khóa: