Tuyên Quang: Nhiều cách làm hiệu quả giúp giảm nghèo bền vững
(LĐXH) – Thời gian qua, các địa phương của tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác giảm nghèo, giúp tạo sinh kế bền vững cho người nghèo, góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.
Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới, huyện Hàm Yên đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tạo sinh kế cho người dân có việc làm, thu nhập, vươn lên ổn định cuộc sống. Hàng năm, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn rà soát, đánh giá, phân tích các nguyên nhân dẫn tới nghèo. Theo báo cáo phân tích, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo là không có vốn sản xuất kinh doanh, không có phương tiện sản xuất, không biết làm ăn, không có kỹ năng lao động, sản xuất…Xác định được đây là những nguyên nhân chính dẫn tới nghèo, huyện đã tập trung tháo gỡ những khó khăn về vốn, kỹ năng sản xuất cho hộ nghèo. Các tổ chức tín dụng, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện đã tạo thuận lợi để người dân được vay vốn phát triển sản xuất. Từ đầu năm 2022 đến hết quý I/2023, huyện đã giải ngân trên 57 tỷ đồng cho 963 hộ nghèo vay vốn. Qua đánh giá, hộ nghèo đã tận dụng hiệu quả nguồn vốn cho vay để vươn lên thoát nghèo.
Năm 2020, gia đình anh Hoàng Văn Thể, thôn 1 Làng Bát, xã Tân Thành là hộ nghèo và được vay 50 triêu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để trồng, chăm sóc và cải tạo 1 ha chè. Sau 1 năm nỗ lực làm chè, gia đình anh đã trả được nợ và được công nhận thoát nghèo. Tiếp đó, gia đình anh được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ vay 50 triệu đồng để chăn nuôi bò sinh sản. Từ số tiền này, anh đã đầu tư mua 3 con bò, đến nay, đàn bò của gia đình anh đã sinh sản được 6 con, nâng tổng số đàn bò lên 9 con.
Bên cạnh việc hỗ trợ vay vốn đối với hộ nghèo, huyện Hàm Yên còn quan tâm đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn, mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đối với hộ nghèo, cận nghèo. Đồng chí Hà Xuân Thiên, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết, công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật của Trung tâm từng bước được đổi mới theo hướng tập huấn, chuyển giao những kỹ thuật mà nông dân đang cần, đang yếu, đang thiếu và đúng trọng tâm, trọng điểm, tập huấn xong nhân dân phải triển khai và nhân rộng được trong thực tiễn sản xuất. Trong quý I/2023, Trung tâm đã mở 153 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Trong đó, tập trung chuyển giao khoa học xây dựng các mô hình khuyến nông có giá trị kinh tế cao, chuyển đổi giống cây trồng, hình thành các chuỗi cung ứng liên kết sản xuất nông nghiệp có quy mô cho người dân. Việc đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế của hộ nghèo theo hướng năng động.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Hàm Yên đã hình thành nhiều chuỗi liên kết hàng hóa hiệu quả, điển hình là chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ dưa chuột. Từ chuỗi liên kết này đã giúp nhiều hộ nghèo tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đồng chí Nguyễn Thị Tám, Chủ tịch UBND xã Thành Long chia sẻ, toàn xã hiện có 14 ha dưa chuột, sản phẩm dưa chuột được bao tiêu đầu ra 100% cho bà con. Hiệu quả kinh tế của chuỗi liên kết trồng dưa chuột cao gấp 3 lần so với trồng lúa. Một năm bình quân, nhân dân thu hoạch 3 vụ dưa chuột, mỗi vụ bình quân thu 1,5 đến 1,8 tấn/ sào, thu lãi từ 6 đến 8 triệu đồng/ sào. Nhờ chuỗi liên kết trồng, bao tiêu sản phẩm dưa chuột, nhiều hộ nghèo ở Thành Long đã tăng thêm thu nhập, có vốn đầu tư cho sản xuất.
Huyện Hàm Yên còn là điểm sáng trong triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện đã giải ngân trên 6 tỷ đồng để hỗ trợ ghép cải tạo vườn cây ăn quả, tưới tiên tiến tiết kiệm nước, thành lập hợp tác xã, xây dựng đường bê tông ngõ xóm…
Với nhiều giải pháp tạo sinh kế cho hộ nghèo đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo ở Hàm Yên thời gian qua. Trong năm 2022, toàn huyện có hơn 1.400 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 21,4% năm 2021 xuống còn 15,04% vào cuối năm 2022.
Còn tại huyện Chiêm hóa, cùng với thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, thời gian qua huyện cũng huy động sự chung tay của cả cộng đồng để chăm lo cho người nghèo, trong đó có việc cải thiện nhà ở cho hộ nghèo.
Thực hiện Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy Hàm Yên đã ban hành nghị quyết riêng về lãnh đạo, chỉ đạo xóa nhà ở tạm, dột nát trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, phát động, vận động mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân nhận đỡ đầu, hỗ trợ thôn khó khăn, hộ khó khăn, giúp đỡ, tạo điều kiện để hộ nghèo có thêm nguồn lực, khả năng để xây dựng nhà ở; chủ trì, hiệp thương, phân công các tổ chức thành viên đôn đốc, giúp đỡ hội viên, đoàn viên của tổ chức mình về ngày công lao động, hỗ trợ gạo và một số nhu yếu phẩm cần thiết để đoàn viên, hội viên làm nhà ở mới. Mặt trận Tổ quốc huyện Hàm Yên đã tuyên truyền, vận động sự ủng hộ của cộng đồng, đồng thời vận động các hộ nỗ lực để xây dựng, hoàn thiện nhà đảm bảo 3 cứng (sàn cứng, tường cứng và mái cứng).
Ông Ma Văn Hùng, Chủ tịch MTTQ xã Yên Lập cho biết: Năm 2022, xã Yên Lập có 15 hộ nghèo được hỗ trợ làm làm mới và sửa nhà theo đề án của tỉnh. Để động viên các hộ quyết tâm làm nhà, cùng với vận động nhân dân trong xã tham gia ủng hộ ngày công, MTTQ xã đã tuyên truyền các hộ kết hợp cùng các nguồn vốn vay để hoàn thiện nhà đảm bảo tiêu chí. Vì thế, tổng kinh phí hỗ trợ của tỉnh phân bổ cho xã để cho các hộ nghèo trong năm 2022 là 650 triệu đồng, nhưng hoàn thành các ngôi nhà theo kế hoạch thì còn có sự hỗ trợ hàng trăm ngày công và vay mượn thêm, đưa mức đầu tư của các nhà làm mới và sửa chữa trên địa bàn xã Yên Lập năm 2022 trên 1,3 tỷ đồng.
Ngôi nhà của chị Bàn Thị Mói, thôn Cốc Táy, xã Yên Lập (Chiêm Hóa) nằm bên con đường bê tông dẫn vào bản. Ngôi nhà mới được hoàn thiện vào đầu năm 2023 từ nguồn hỗ trợ 50 triệu đồng của tỉnh theo Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo. Ngôi nhà mới chị Mói đảm bảo tiêu chí “3 cứng” gồm phòng khách, 2 phòng ngủ với kinh phí xây dựng hơn 200 triệu đồng. Được ở trong ngôi nhà mới kiên cố, gia đình chị rất phấn khởi, đây là động lực to lớn để gia đình chị cố gắng lao động, sản xuất vươn lên thoát nghèo.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025: Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Chiêm hóa giảm 3,22%, vượt mục tiêu (kế hoạch giảm 3%); năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của huyện giảm từ 31,29% xuống còn 26,04% (giảm 5,25%), vượt mục tiêu (kế hoạch đề ra là 4,04%).
Với những cách làm hiệu quả đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh. Tính đến cuối 2022, toàn tỉnh Tuyên Quang còn 40.522 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 18,9%. Trong năm 2023, dự kiến toàn tỉnh giảm 3,51% hộ nghèo, tương đương 7.502 hộ xuống còn 33.020 hộ, từ 18,9% xuống còn 15,39%.../.
Minh Hưng
Từ khóa:
-
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
15-10-2024 11:13 41
-
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
15-11-2024 09:56 08
-
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
14-11-2024 15:18 23
-
Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần, phân biệt đối xử với trẻ em và trẻ em khuyết tật
13-11-2024 08:48 35
-
Vĩnh Long: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
12-11-2024 17:27 31
-
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
12-11-2024 17:27 25