Tuyên Quang tập trung nguồn lực thực hiện giảm nghèo bền vững
(LĐXH)-Tỉnh Tuyên Quang có diện tích tự nhiên 5.870 km2, dân số trên 80 vạn người với 22 dân tộc cùng sinh sống (trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 56,7%). Toàn tỉnh có 06 huyện và 01 thành phố với 138 xã, phường, thị trấn, 1.733 thôn, bản, tổ dân phố (trong đó có 63 xã, 570 thôn đặc biệt khó khăn).
Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) (giá so sánh 2010) tăng 8,66% so với năm 2021 (kế hoạch 8,3%), trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,6%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,7%, khu vực dịch vụ tăng 8,4% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 12,2%; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 2.784 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Tỉnh đã hoàn thành 227 km đường giao thông nông thôn và 39 cầu trên đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa kênh mương nội đồng 100,9 km. Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được triển khai kịp thời, thiết thực; công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân được ưu tiên hàng đầu, công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả. Các giải pháp giảm nghèo; giải quyết việc làm người lao động, phòng chống tệ nạn xã hội… được thực hiện đồng bộ, góp phần tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh ổn định.
Cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các Kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và năm 2022, trong đó giao các cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện theo quy định. Đồng thời chỉ đạo Ban Dân tộc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành lập Tổ công tác về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025.
Cùng với việc giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp lồng ghép nguồn lực từ các nguồn vốn, các chương trình dự án và huy động từ cộng đồng để đầu tư xây dựng nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu.
Trong năm 2022, tỉnh Tuyên Quang đã tập trung tuyên truyền về công tác giảm nghèo, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số sống tại các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa về công tác giảm nghèo, về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần tạo được sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo. Đặc biệt, từ nguồn vốn ngân sách trung ương và vốn đối ứng của tỉnh được cấp, Tuyên Quang đã triển khai Dự án Truyền thông và Giảm nghèo về Thông tin và Dự án Nâng cao năng lực thực hiện chương trình. Theo đó, tỉnh đã tổ chức 05 lớp tập huấn về tập huấn hướng dẫn thực hiện nội dung giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 cho 224 người là cán bộ công chức xã, cán bộ phụ trách đài truyền thanh xã; Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn; Tổ chức 02 hội nghị về truyền thông, đối thoại chính sách giảm nghèo tại cơ sở cho 241 người là thành viên Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã, trưởng thôn; phó thôn; bí thư chi bộ, đại diện tổ chức đoàn thể thôn; hộ gia đình. Cùng với đó, 2 huyện trong tỉnh đã 02 huyện đã tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm về công tác giảm nghèo; tổ chức 37 lớp tập huấn với 2.004 người tham dự về tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo và hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình năm 2022 và tập huấn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và chính sách giải quyết vấn đề thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Đồng thời, trong năm 2022, tỉnh Tuyên Quang đã lên kế hoạch xây dựng 44 công trình cơ sở hạ tầng liên kết vùng, thiết yếu, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa trên địa bàn các huyện nghèo; hỗ trợ các địa bàn nghèo phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (36 công trình đầu tư mới, 08 công trình duy tu bảo dưỡng). Đến cuối năm 2022, Ủy ban nhân dân các huyện đã tập trung thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư để tiến tới giải ngân nguồn vốn đầu tư.
Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo là một trong những giải pháp giảm nghèo hiệu quả được tỉnh Tuyên Quang chú trọng. Cuối năm 2022, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 30/2022/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 về Quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025. Các đơn vị đã tiến hành rà soát triển khai thực hiện, cụ thể huyện Lâm Bình đã phê duyệt, giao nhiệm vụ và dự toán thực hiện 10 dự án (dê sinh sản, dê địa phương: 06 dự án; lợn đen: 02 dự án; gà 01 dự án; cây tre 01 dự án); huyện Na Hang đang tổ chức thực hiện 03 dự án hỗ t rợ phát triển sản xuất liên kết sản phẩm).
Cùng với đó, thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã tổ chức được 05 lớp tập huấn cho các đối tượng học viên là thành viên Hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất dự kiến tham gia thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn các huyện, thành phố. Đặc biệt, huyện Na Hang đã tổ chức thực hiện 02 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết sản phẩm; huyện Lâm Bình phê duyệt, giao nhiệm vụ dự toán thực hiện 04 dự án nuôi gà.
Thực hiện Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo và Dự án Hỗ trợ việc làm bền vững vùng khó khăn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, năm 2022, tỉnh đã bố trí vốn cho Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang; tổ chức 15 lớp đào tạo nghề với tổng số 472 lao động tham gia đào tạo. Cùng với đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức 01 Phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương (ngày 29/12/2022); Ủy ban nhân dân huyện Na Hang tổ chức 02 Phiên giao dịch việc làm. Ủy ban nhân dân huyện Chiêm Hóa ban hành Kế hoạch tổ chức 02 Phiên giao dịch việc làm dự kiến thời gian tổ chức trong quý I năm 2023.
Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, công tác giảm nghèo tại Tuyên Quang đã có nhiều chuyển biến. Theo kết quả rà soát năm 2022, toàn tỉnh còn 40.522 hộ nghèo, chiếm 18,90%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 4,55%, vượt mục tiêu Chương trình đề ra (kế hoạch đề ra là 3,48%). Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo được tập trung đầu tư đảm bảo đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được triển khai tích cực, đồng bộ. Qua đó góp phần ổn định xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh kinh tế của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.
Hiện các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm nghèo năm 2023 gắn với giai đoạn tiếp theo, phấn đấu đấu đến hết năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống dưới 10%, phấn đấu hoàn thành vượt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra (giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2-2,5%)./.
Mỹ Hạnh
-
Hà Nội: Chợ đồ cũ Vạn Phúc sầm uất, tiểu thương vẫn gặp khó
12-01-2025 13:33 05
-
Hà Nội: Tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả công tác uỷ thác cho vay tín dụng chính sách xã hội
12-01-2025 13:32 51
-
Thành phố Hồ Chí Minh số lao động rút BHXH một lần giảm mạnh
11-01-2025 10:49 00
-
Ninh Thuận: Đa dạng các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo
09-01-2025 15:38 18
-
Chiếc Jaecoo J7 PHEV Nguyễn Xuân Son được tặng có gì đặc biệt?
09-01-2025 15:37 47
-
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
09-01-2025 15:37 31
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46