TYM: Đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp, vươn lên thoát nghèo
(LĐXH) - Là tổ chức tài chính vi mô chính thức đầu tiên tại Việt Nam do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành lập năm 1992, đến nay, Tổ chức Tài chính vi mô Tình thương (TYM) đã hỗ trợ hàng trăm nghìn phụ nữ, hộ gia đình nghèo khởi nghiệp thông qua các dịch vụ tài chính và xã hội, tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế để vươn lên thoát nghèo.
Với gần 30 năm đồng hành cùng quá trình khởi nghiệp, vươn lên thoát nghèo của hàng trăm nghìn phụ nữ trên khắp mọi miền đất nước, TYM vẫn luôn kiên định với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt ưu tiên phụ nữ nghèo, yếu thế. Với 50 triệu đồng/lần vay, nhưng bù lại chúng tôi áp dụng các chính sách tín dụng vô cùng linh hoạt, chị em chỉ cần thông qua thẩm định dự án, việc trả gốc, lãi chia nhỏ đều ra các tuần, tạo điều kiện cho chị em có thể tiết kiệm hàng ngày để trả nợ mà vẫn duy trì sinh kế bình thường. Đây được xem là mô hình phù hợp với chị em nghèo, có thu nhập thấp.
Đặc biệt, với mức vay tăng dần qua các năm, thủ tục nhanh gọn, tùy thuộc vào từng đối tượng cũng như mục đích vay, TYM đang triển khai các gói tín dụng như: Vốn chính sách (Hỗ trợ hộ gia đình chính sách, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ nhiễm HIV hoặc có chồng/con nhiễm HIV); vốn hỗ trợ hộ cận nghèo; vốn phát triển kinh tế; vốn hỗ trợ xây dựng sửa chữa; vốn đa mục đích; vốn hỗ trợ khắc phục rủi ro thiên tai; vốn đầu tư… Tính đến nay, tổng dư nợ của TYM đạt 2.000 tỷ đồng với khoảng 176.000 thành viên, khách hàng. Đã có trên 120.000 phụ nữ tham gia TYM và thoát nghèo; hơn 7.000 phụ nữ đã trở thành doanh nhân vi mô, trong đó có 93 chị được trao giải thưởng doanh nhân vi mô tiêu biểu Citi – Việt Nam, 01 chị được trao giải Doanh nhân vi mô toàn cầu.
Trong gần 30 năm qua, TYM đã giải ngân gần 1,6 triệu món vốn và điều khiến chúng tôi luôn tự hào là TYM đã đồng hành với chị em phụ nữ từ những thời điểm mà cơ hội được tiếp cận vốn vay của họ còn rất khó khăn. Bên cạnh việc cho vay, đội ngũ cán bộ TYM tại cơ sở thường xuyên khích lệ, tư vấn cho thành viên để sử dụng đồng vốn hiệu quả. Riêng trong năm 2020, nhằm hỗ trợ phụ nữ gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19, TYM đã thực hiện 7 lần giảm lãi suất các sản phẩm vốn vay, điều chỉnh nhiều chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ vay vốn. Đặc biệt TYM đã thực hiện cơ cấu lại nợ cho thành viên vay vốn trong thời gian xảy ra dịch bệnh, giải ngân 3.835 tỷ đồng với tổng dư nợ vốn hơn 2.053 tỷ đồng.
Về huy động tiền gửi, trong năm 2020, số dư tiết kiệm của TYM vẫn đạt 1.775 tỷ đồng và có tăng trưởng so với năm 2019. Đặc biệt, năm 2020 là năm TYM tập trung cho nhiều hoạt động cộng đồng để hỗ trợ hiệu quả hơn cho thành viên TYM cùng gia đình, Hội Phụ nữ các cấp và cộng đồng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Từ cuối năm 2019, TYM và Văn phòng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam đã bắt đầu thực hiện
chương trình Nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ số cho khách hàng TYM
Trong những năm qua, TYM đã triển khai rất nhiều lớp đào tạo, từ những khóa học cơ bản nhất như học chữ đến những nội dung về giới, kinh doanh, giáo dục tài chính và cho đến nay là những chương trình đào tạo về công nghệ số. Bên cạnh đó, hàng năm, tùy thuộc vào nhu cầu của chị em ở mỗi khu vực, TYM cũng phối hợp với Hội Phụ nữ các cấp để tổ chức những buổi hội thảo, sinh hoạt chuyên đề với nội dung chuyên sâu khác như vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, gia đình, làm nông nghiệp,… và tổ chức những thăm quan mô hình kinh tế điển hình cho chị em trực tiếp được học hỏi. Thông qua hoạt động của các câu lạc bộ, các diễn đàn đã giúp chị em tự tin, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Hiện nay, TYM đã có mặt tại 730 xã thuộc 80 huyện của 13 tỉnh/thành khu vực Bắc Trung bộ. Trong tương lai TYM sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới, triển khai hoạt động rộng rãi hơn. Tiếp tục nghiên cứu, cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của chị em phụ nữ.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng Giám đốc TYM, để đạt được mục tiêu đề ra, TYM xác định sẽ đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào hoạt động bởi đó là xu thế tất yếu và việc này sẽ giúp cho TYM hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt hơn. Hiện tại TYM đã hoàn thành việc triển khai phần mềm ngân hàng lõi, trên cơ sở đó sẽ tiếp tục nghiên cứu các ứng dụng công nghệ thông tin và hợp tác với các công ty fintech để đưa dịch vụ của TYM đến gần hơn với khách hàng qua các kênh phi tiền mặt. Cụ thể, chúng tôi đang lên kế hoạch xây dựng các phần mềm tích hợp, vừa quản lý tốt thành viên, giải ngân vốn hiệu quả, đồng thời hỗ trợ chị em trong các hoạt động quản trị khác…
T. Quyên
TIN LIÊN QUAN
Từ khóa:
-
Long Phước: Ấp Tập Phước đón nhận Khu dân cư nông thôn mới
18-11-2024 11:06 07
-
Tập huấn đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử, văn hóa công vụ trong cơ quan
18-11-2024 11:05 28
-
Huyện Lục Nam (Bắc Giang) hoàn thành hỗ trợ 38 nhà ở cho người có công
06-11-2024 10:25 08
-
Huyện Nam Trà My: Triển khai nhiều giải pháp thực hiện Chương trình giảm nghèo
15-11-2024 16:24 56
-
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
15-11-2024 16:24 46
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
15-11-2024 15:18 29