Xã hội
Ưu tiên tuyển dụng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số...
03:13 PM 08/10/2021
(LĐXH) - "Doanh nghiệp sẽ ưu tiên tuyển dụng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm hướng tới mục tiêu giải quyết việc làm, ổn định thu nhập cho lao động tại chỗ. Quá đó, góp phần củng cố an ninh trật tự, từng bước xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương”: ông Trương Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Mang Yang chia sẻ...

Những lao động là người đồng bào dân tộc địa phương mới được Công ty Cao su Chư Prông tuyển dụng đang tập thiết kế mặt cạo trên cây cao su

Những tia nắng vàng nhẹ cuối mùa mưa sắp chuyên sang mùa khô xuyên qua những tán lá cây cao su xanh mướt được trồng trên đất đỏ Bazan, làm cho vẻ đẹp của vùng đất đại ngàn Tây Nguyên thêm lãng mạn. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi được đồng hành cùng anh Rơ Mah Thơm, cán bộ kỹ thuật Đội 14, Nông trường Thanh Bình, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông rong ruổi trên những cung đường tới thăm một số già làng ở làng Sung, làng Tung, làng Klũ thuộc xã Ia Drăng,.. huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai để tìm hiểu về nguồn lao động để bổ sung cho doanh nghiệp, theo chiến lược mở rộng phát triển trong thời gian tới.

Trên đường đi chúng tôi gặp được anh Kpui Yil một công nhân hợp đồng cắt cỏ nuôi bò cho Công ty TNHH chăn nuôi bò TN. Qua trao đổi, chúng tôi được biết, thu nhập của anh được 6 – 7 triệu/tháng. Nhưng theo anh Yil, đây là công việc thiếu ổn định, có việc có lương, nghỉ việc không có thu nhập ổn định nên đang muốn chuyển nghề sang làm công nhân cạo mủ cao su. Bởi mức thu nhập của người công nhân cao su đang được cải thiện đáng kể khi giá bán cao su ngày càng tăng. Thu nhập bình quân của công nhân cao su toàn khu vực Tây Nguyên (thuộc VRG) trong tháng 5 -7 vừa qua giao động ở mức từ 4,5 -5,5 triệu đồng/người/tháng. Những tháng tiếp theo mức thu nhập sẽ tiếp tục được tăng cao khi sản lượng mủ nhiều hơn, cụ thể theo bà Trần Thị Thanh Mai – Phó TGĐ Cao su Ea H’leo (huyện Ea H’leo – Đăk Lăk) Riêng tháng 8 vừa qua, nhiều công nhân đã có lương trên 10 triệu đồng, hay ở Công ty Cao su Chư Mom Ray (huyện Ia H’drai – tỉnh Kon Tum) mức lương bình quân trong tháng 9 đạt từ 8 – 9 triệu đồng/người/tháng. những tháng tiếp theo mức thu nhập của công nhân sẽ cao hơn 8- 9 triệu đồng/người/tháng, bởi sản lượng mủ những tháng cuối năm sẽ tăng mạnh, một lãnh đạo một công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tại Tây Nguyên chia sẻ. 

Rời bản làng Chư Prông, chúng tôi đến tìm hiểu tại một lớp học khai thác mủ của Nông trường K’dang – Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang (thị trấn Đak Đoa, Huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai). Lớp học với 100% là người đồng bào dân tộc thiểu số, hầu hết ở làng Mrã của xã K’dang do công nhân Lê Thị Anh (Bàn tay vàng - Hội thi thợ giỏi khai thác mủ cao su cấp ngành năm 2020 do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tổ chức) trợ giảng. Lớp học với hơn 10 người, chủ yếu là thanh niên người dân tộc thiểu số tại địa phương.

Công nhân mới được đào tạo cạo mủ tại Cao su Chư Mom Ray

Quan sát một vòng, thấy một thanh niên người dân tộc thiểu số đang cố gắng nắn nót đường cạo mủ đầu tiên, theo “cô giáo” Lê Thị Anh hướng dẫn. Có lẽ, vỏ cây cao su quá mỏng đã làm khó người thanh niên này. Chờ cạo xong, chúng tôi bắt chuyện và được anh này cho biết, tên là Run, 27 tuổi, người dân tộc Bana. Hiện anh đang sinh sống ở làng Mrã (thuộc xã K’dang, huyện, Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) cùng vợ và 3 con nhỏ. Hiện cuộc sống của gia đình anh còn rất khó khăn, cả 2 vợ chồng không có công việc ổn định nên bữa đói, bữa no. “Cuộc sống của gia đình tôi vất vả lắm, sau nhiều năm đi làm thuê khắp nơi mình nhận thấy làm công nhân cao su sướng hơn vì có thu nhập ổn định. Nhiều người trong làng đi làm công nhân đều đã mua được xe và xây được nhà mới, con được đến trường học cái chữ nên tôi quyết định xin vào làm công nhân cho công ty” Anh Run chia sẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty Cao su Chư Prông (Thôn Hợp Hòa, xã Ia Đrăng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) có nhu cầu tuyển dụng đến 300 – 400 người, tăng cường cho lực lượng công nhân để đảm bảo mở mới một diện tích lớn tại Nông trường An Biên tại xã la Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai và thực hiện mục tiêu đưa về chế độ khai thác chuẩn D3 (D3, tức là 3 ngày cạo 1 lần đối với mỗi phần cây, thường thì một công nhân được giao 3 phần cây, mỗi phần cây chừng 1ha. Ngày hôm nay cạo phần 1 thì 3 ngày sau quay lại cạo phần 1, đây là chế độ cạo chuẩn cho cây cao su vừa giữ sức cho cây và cho người công nhân) cho toàn công ty. Trong đó, Công ty ưu tiên cho lao động tại chỗ là đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù lực lượng lao động của công ty hiện chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số.

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về công tác an sinh xã hội đối với đồng bào thiểu số tại địa phương, ông Võ Toàn Thắng, Tổng Giám đốc Cao su Chư Prông chia sẻ:  “Ngoài việc thường xuyên tham gia cùng chính quyền địa phương tặng quà, xây nhà tình thương, tình nghĩa cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, doanh nghiệp luôn dành sự ưu tiên tuyển dụng lực lượng là người địa phương và con em đồng bào dân tộc thiểu số. Đây không chỉ là chính sách ưu đãi, tạo nguồn lực lao động để ổn định sản xuất mà còn là trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp lớn đứng chân trên địa bàn tỉnh Gia Lai”.

Công nhân mới được Công ty Chư Păh tuyển dụng đang tích cực luyện rèn tay nghề cạo mủ

Khi đến thăm làng Kênh Chóp, Mrông Ngó của xã Ia Nhin và Ia Kênh thuộc huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai), nơi có cao su của Nông trường Ia Nhin, Công ty Cao su Chư Păh (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chúng tôi gặp được chị Rơ Châm Tin đang là học viên mới. Chị Tin có chồng làm công nhân của tổ 11, Nông trường Ia Nhin được 5 năm, nhưng nay chị mới xin vào làm công nhân vì lo con nhỏ và làm rẫy của gia đình. “Nay con lớn nên mình quyết định xin vào công ty làm công nhân cùng chồng”:  Vừa nói chị Tin vừa chỉ tay về hướng một người đàn ông đang học cạo gần đó rồi nói: “Đó là anh Rơ Châm Be ở làng Mrông Ngó cũng đi học cạo để phụ cho con. Người buôn mình, ai muốn làm công nhân đều được lãnh đạo nông trường đồng ý”.

 Bắt chuyện, biết anh Be năm nay đã 37 tuổi, về lao động mới thì đây là độ tuổi khó chấp nhận, nhưng theo lãnh đạo Cao su Chư Păh hàng năm do sự biến động của lao động nên rất cần nguồn lực lao động dự phòng nhằm cạo choàng và để điều tiết chế độ cạo D3 hay D4 khi lao động có sự thiếu hụt hay dư thừa và hơn nữa là trách nhiệm cộng đồng trong việc chung tay giải quyết việc làm cho lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

 Khi đến Công ty Cao su Mang Yang cũng đang tích cực vận động người dân là dân tộc thiểu số trên địa bàn vào làm công nhân để hiện thực hóa mục tiêu đạt trên 50% lao động đồng bào dân tộc thiểu số, vừa đạt mục tiêu được hưởng ưu đãi miễn tiền thuê đất từ việc sử dụng trên 50% lao động đồng bào dân tộc thiểu số và giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ để góp phần củng cố an ninh trật tự, phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt người dân tộc thiểu số trên địa bàn.

 Ông Trương Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Mang Yang cho hay: hiện tại công ty có khoảng 40% lao động là đồng bào dân tộc thiểu số và đang đào tạo thêm khoảng 150 công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, sau khi ký hợp đồng với số lao động này toàn công ty có tỷ lệ lao động đồng bào dân tộc thiểu số đạt trên 50%. “Mục tiêu nhân lực sẽ đạt trên 50% là đồng bào dân tộc thiểu số, doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi miễn tiền thuê đất, đồng thời giải quyết được việc làm cho lao động tại chỗ. Quá đó, góp phần củng cố an ninh trật tự, từng bước xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương”: ông Minh chia sẻ.

   

Vương Hoàng Cảnh

Từ khóa: