Xã hội
Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam sơ kết 6 tháng đầu năm
02:46 PM 31/07/2017
(LĐXH) Ngày 28/7, tại Hà Nội, Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2017 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Tham dự có đồng chí Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia Người khuyết tật Việt Nam; đồng chí Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, cùng đại diện một số bộ, ngành, hội, hiệp hội của người khuyết tật.
Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Nguyễn Trọng Đàm phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2017, ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam nhấn mạnh: Trong những năm qua, Việt Nam đã hoàn thiện một bước chính sách hỗ trợ người khuyết tật. Các Bộ đã trình văn bản, triển khai tốt những luật, văn bản trợ giúp. Trong 6 tháng đầu năm, đã có thêm 4 luật được ban hành. Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành thêm 22 văn bản triển khai thực hiện pháp luật chính sách về NKT, tạo môi trường pháp lý hoàn thiện, đồng bộ triển khai chính sách trợ giúp NKT. Công tác chi trả chế độ trợ cấp hàng tháng cho NKT đặc biệt nặng và nặng được các địa phương thực hiện kịp thời trên cơ sở đổi mới phương thức chi trả qua cơ quan độc lập là bưu điện.
Bên cạnh đó, hệ thống các chính sách về chỉnh hình phục hồi chức năng cho NKT cũng được quan tâm đầu tư mở rộng. Ngoài 3 bệnh viện của ngành Lao động - TBXH, cả nước còn có hơn 100 cơ sở có thực hiện chức năng phục hồi chức năng cho NKT.  Các hoạt động miễn giảm giá vé, giao thông tiếp cận cho NKT cũng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe được chú trọng. Bộ Y tế đã ban hành văn bản hướng dẫn các hoạt động cho NKT, triển khai tốt việc cấp thẻ BHYT cho NKT nặng và đặc biệt nặng. Trong lĩnh vực giáo dục đã hình thành hệ thống giáo dục hòa nhập, củng cố giáo dục chuyên biệt, không có rào cản trong tuyển sinh, đào tạo.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cũng đề nghị đại diện các Bộ, ngành cần phản ánh tình hình nhận định trên lĩnh vực của Bộ, ngành mình 6 tháng đầu năm về công tác NKT và đề xuất các hoạt động với Ủy ban. Thứ trưởng đề nghị trong 6 tháng cuối năm, các Bộ, ngành địa phương cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong dạy nghề, tiếp cận vốn đối với NKT. Tổng cục Dạy nghề cần phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu cụ thể vấn đề đặt hàng việc làm NKT đối với các doanh nghiệp về trình tự, thủ tục. Chỉ đạo các địa phương, cơ sở rà soát, thống kê các tổ chức xã hội, cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT/vì NKT, cơ sở sản xuất kinh doanh nhận NKT vào làm việc để đánh giá khả năng việc làm của NKT, tiến tới tổ chức hội nghị vinh danh các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tạo nhiều việc làm cho NKT. Tập trung sửa đổi Thông tư 37 nhằm tháo gỡ khõ khăn cho NKT trong tiếp cận chính sách. Xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2017 nhân kỷ niệm ngày Người khuyết tật thế giới 3/12, kế hoạch tổ chức kiểm tra 3/5 thành phố lớn về thực hiện chính sách đối với NKT, tập trung vấn đề tiếp cận. Hoàn thiện Dự thảo báo cáo trên cơ sở ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, lồng ghép hệ thống chính sách trong trách nhiệm của các bộ, ngành mình.
Ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm
của Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam
Báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2017 của Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam, ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết: Trong năm 2017, ngân sách Nhà nước đã cân đối, bố trí kinh phí cho ngân sách địa phương để triển khai thực hiện quy định trợ cấp xã hội hàng tháng ở cộng đồng, nuôi dưỡng tập trung trong cơ sở bảo trợ xã hội, nâng mức trợ cấp xã theo quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP là 16.265 tỷ đồng (bao gồm trợ cấp hàng tháng và mua thẻ BHYT cho đối tượng). Hiện tại, cả nước có gần 900 nghìn NKT nặng và đặc biệt nặng, 70.000 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Lao động - TBXH đã triển khai mô hình trợ giúp NKT tại 7 tỉnh với 14 huyện, 25 xã và 144 NKT được hưởng lợi từ hoạt động hỗ trợ mua cây giống, con giống, vật nuôi, nông vụ... phát triển sản xuất, tăng thu nhập.
Bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam
trình bày tóm tắt Dự thảo Khung Kế hoạch hoạt động chiến lược của Ủy ban

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu đóng góp ý kiến với Ủy ban
Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã vận động được nguồn hỗ trợ bằng tiền và hiện vật, tương đương 263 tỷ đồng trợ giúp cho 1,2 triệu lượt NKT, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo, phẫu thuật thay thủy tinh thể cho 4.950 người mù, phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng cho 552 người, phẫu thuật tim cho 220 người, khám, cấp thuốc miễn phí cho 79.000 lượt người, cấp thẻ BHYT cho 25.300 người, tặng 6.800 xe lăn, xe lắc, xe bại não, dụng cụ trợ giúp khác cho NKT...
Để triển khai công tác đào tạo nghề cho NKT, ngày 14/3/2017, Bộ Lao động - TBXH đã ban hành Văn bản số 921, 922 hướng dẫn các bộ, ngành, cơ quan Trung ương trong việc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2017, trong đó chỉ đạo hướng dẫn tổ chức triển khai hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng cho NKT. Hiện nay, các địa phương đã chủ động xây dựng, rà soát, phê duyệt 4.355 lượt danh mục nghề đào tạo, 3.657 định mức chi phí đào tạo làm căn cứ thực hiện đào tạo cho lao động nông thôn và đào tạo hòa nhập cho NKT. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có khoảng 5.000 NKT được hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm nhưng chủ yếu ở trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng. Hình thức đào tạo chủ yếu là vừa làm, vừa học, học tại doanh nghiệp, học trong sản xuất...
Hồng Phượng
Từ khóa: