Vai trò của nhân viên công tác xã hội trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ trẻ em bị tai nạn thương tích
(LĐXH) Là những người được đào tạo về tâm lý xã hội; luật pháp, chính sách của Đảng và Nhà nước; kỹ năng tư vấn, can thiệp, giải quyết vấn đề…, nhân viên công tác xã hội (CTXH) có vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ em bị tai nạn thương tích (TNTT) giải phóng những khó khăn về đời sống tâm lý để có sự phát triển hài hoà về mặt thể chất, tinh thần và xã hội.
Tình hình TNTT ở trẻ em Việt Nam có xu hướng tăng cao, theo thống kê mỗi năm ở nước ta trung bình có hơn 370 nghìn trẻ em bị TNTT, trong đó có nhóm tuổi 15 – 19 chiếm tỷ lệ cao nhất: 43%; tiếp đến nhóm tuổi 5-14 chiếm 36,9%, thấp nhất là nhóm tuổi 0 - 4 chiếm 19,5%. Trong các TNTT ở trẻ em thì đuối nước là một trong những tai nạn gây tử vong cao nhất ở trẻ em Việt Nam, chiếm 50% tổng số trẻ em bị tử vong do TNTT.
Tai nạn thương tích ở trẻ em để lại những hậu quả nặng nề không chỉ với bản thân các em mà còn với gia đình các em và đối với sự phát triển của xã hội. Chính vì vậy, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho trẻ em bị TNTT chính là nhiệm vụ rất quan trọng được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Tuy là nghề còn non trẻ ở Việt Nam, song CTXH đang từng bước khẳng định vị thế và vai trò quan trọng của mình trong xã hội. Nhân viên CTXH có thể tham gia thực hiện nhiều vai trò khác nhau trong hoạt động trợ giúp sức khoẻ cho trẻ bị bị TNTT tại cộng đồng, trong đó những vai trò giáo dục, tham vấn, kết nối, vận động, biện hộ hay truyền thông, giáo dục cộng đồng là những hoạt động mang lại hiệu quả cần được thừa nhận và áp dụng.
Giáo dục là hoạt động cần thiết thường được nhân viên CTXH áp dụng để truyền tải kiến thức, kỹ năng nhằm chăm sóc và hướng đến phòng ngừa các TNTT rủi ro có thể xảy ra đối với trẻ em. Nhân viên CTXH có thể có thể cung cấp những kỹ năng phòng ngừa tai nạn đuối nước, kiến thức về an toàn giao thông, những kiến thức và kỹ năng xử lý trường hợp trẻ em bị điện giật, chó dại cắn hay các cách xử lý khi trẻ em bị các loại côn trùng độc chích, đốt.
Trẻ em bị TNTT dù ở mức độ nặng hay nhẹ đều gặp những tổn thương, những sang chấn nhất định về đời sống tâm lý, xã hội, từ đó gây ra những khó khăn nhất định cho việc thực hiện có hiệu quả các chức năng xã hội, cá nhân. Vì vậy, tham vấn có vai trò quan trọng giúp các em giảm bớt sự căng thẳng, tránh tự ti để hoà nhập với bạn bè cùng trang lứa. Không chỉ giúp ổn định tâm lý, nhân viên CTXH còn thực hiện tham vấn giúp trẻ em bị tai nạn thương tích có niềm tin vào cuộc sống, nhận thấy được thế mạnh của bản thân, tình yêu thương của gia đình và người thân, bạn bè dành cho mình.
Nhân viên CTXH hỗ trợ kết nối trẻ em bị TNTT đến với cơ sở y tế gần nhất và hỗ trợ các em trong những trường hợp khẩn cấp. Với những trường hợp trẻ bị TNTT nặng dẫn đến bị tàn tật, mất khả năng lao động, học tập, nhân viên CTXH đóng vai trò là người vận động, kết nối các nguồn lực trong xã hội để hộ trợ gia đình trẻ (đặc biệt là gia đình nghèo) có thêm nguồn vật chất nhằm vượt qua khó khăn trước mắt. Chẳng hạn, nhân viên CTXH vận động hỗ trợ xe lăn cho trẻ, các dụng cụ trị liệu vật lý, các suất học bổng khuyến khích trẻ đến trường học tập…
Ở cộng đồng hiện nay có nhiều trường hợp trẻ em sống trong hoàn cảnh khó khăn, đi kèm với đó là trình độ nhận thức của người lớn còn hạn chế, họ không nắm được các quyền và lợi ích liên quan đến chăm sóc sức khoẻ trẻ em bị các tai nạn thương tích. Chính vì vậy, có những trường hợp lợi ích của trẻ không được đáp ứng như mong đợi. Trong những trường hợp này nhân viên CTXH có thể giúp trẻ em bị TNTT được hưởng bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; bảo hiểm học sinh và gia đình nghèo…
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ trẻ em bị TNTT ngày càng nhiều là do sự chủ quan của người lớn. Do đó, truyền thông là kênh thiết yếu nhằm nâng cao nhận thức về nguyên nhân, hậu quả và cách phòng ngừa các TNTT đối với trẻ em. Nhân viên CTXH có thể thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng bằng nhiều phương thức khác nhau như: Truyền thông trực tiếp thông qua các buổi họp thôn/bản; các buổi họp phụ huynh; các buổi sinh hoạt văn hoá, văn nghệ tại các thôn/bản. Hoặc truyền thông gián tiếp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (loa phát thanh), thông qua tờ bướm, tờ rơi…
Tuy vậy, chăm sóc sức khoẻ là một hoạt động không đơn giản, nên nhân viên CTXH ngoài kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cần có thái độ nghề nghiệp nghiêm túc và đúng đắn để đảm bảo rằng mỗi trẻ em trong các gia đình có vấn đề về sức khoẻ do TNTT gây ra phải được chăm sóc một cách công bằng, bình đẳng.
Thảo Lan
Từ khóa:
-
Tác động của chính sách hỗ trợ ưu đãi giáo dục đối với học sinh nghèo ở Định Hóa
16-11-2024 17:15 30
-
Generali Việt Nam được vinh danh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” lần thứ 5 liên tiếp
15-11-2024 22:32 18
-
Thái Nguyên: Chú trọng quản lý các công trình ghi công liệt sĩ
15-11-2024 18:15 50
-
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
15-10-2024 11:13 41
-
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
15-11-2024 09:56 08
-
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
14-11-2024 15:18 23