Xã hội
Vĩnh Phúc: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
03:50 PM 15/02/2023
(LĐXH) - Năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu giảm khoảng 1.100 hộ nghèo, tỷ lệ giảm đến cuối năm 2023 còn khoảng 0,69%, tương đương toàn tỉnh còn 2.305 hộ nghèo, giảm 0,3% so với đầu năm 2023. Phấn đấu có 1.320 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù như: Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ không có khả năng thoát nghèo trên địa bàn tỉnh; chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; tổ chức ký cam kết chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố; thực hiện hiệu quả các cơ chế hỗ trợ giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… Đến nay, toàn tỉnh có 1.095 đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo được hỗ trợ theo Nghị quyết 14 của HĐND tỉnh. Toàn tỉnh có 42.250 người nghèo và cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội, năm 2022, toàn tỉnh có 1.435 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất với tổng số tiền trên 121,1 tỷ đồng; hơn 10.500 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách được hỗ trợ tiền điện.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn cùng các đơn vị ký cam kết thực hiện giảm nghèo năm 2023
Các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng thực hiện tốt công tác xã hội hóa; phối hợp với các hội, đoàn thể huy động thêm các nguồn lực, đẩy mạnh các phong trào thi đua thực hiện chương trình giảm nghèo; vận động các hội viên, đoàn viên giúp đỡ các hộ nghèo sửa chữa nhà ở, hỗ trợ về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất và phát triển kinh tế. Trong năm 2022, các cấp chính quyền trong tỉnh cùng với sự tham gia của các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ 2.882 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hơn 3,1 tỷ đồng; 4.274 hộ nghèo, hộ cận nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội và hộ có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ hơn 2,1 tỷ đồng. Quỹ vì người nghèo của tỉnh đã hỗ trợ xây mới 144 nhà đại đoàn kết và sửa chữa 38 nhà, tổng số tiền trên 10,6 tỷ đồng; tặng 13 sổ tiết kiệm với giá trị 20 triệu, 30 triệu đồng/sổ, tổng số tiền 350 triệu đồng. Các tổ chức chính trị, xã hội cấp tỉnh hỗ trợ xây dựng 82 nhà tình thương, nhà nghĩa tình đồng đội và nhà cho công nhân nghèo với số tiền trên 4,4 tỷ đồng.
Với các giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, sự nỗ lực vươn lên của các hộ nghèo, đến cuối năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 3.405 hộ nghèo đa chiều, chiếm tỷ lệ 0,99% tổng số hộ dân toàn tỉnh, giảm 1.802 hộ nghèo, tương đương giảm 0,52% so với cuối năm 2021. Trong đó, số hộ nghèo ở khu vực thành thị là 746 hộ, chiếm 0,74% số hộ vùng thành thị; số hộ nghèo ở khu vực nông thôn là 2.659 hộ, chiếm 1,09% số hộ dân vùng nông thôn. Toàn tỉnh có 5.881 hộ cận nghèo đa chiều, chiếm 1,7%; không có hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách, người có công. Có 4 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất là: Thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên, huyện Bình Xuyên, huyện Tam Dương.
Năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu giảm khoảng 1.100 hộ nghèo, tỷ lệ giảm đến cuối năm 2023 còn khoảng 0,69%, tương đương toàn tỉnh còn 2.305 hộ nghèo, giảm 0,3% so với đầu năm 2023. Phấn đấu có 1.320 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.
Để đạt mục tiêu này, cấp ủy, chính quyền các cấp, các hội, đoàn thể và các địa phương trong tỉnh sẽ tập trung nguồn lực, thực hiện các chính sách hướng đến đối tượng là các hộ nghèo có khả năng thoát nghèo; tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, vay vốn sản xuất, thoát nghèo bền vững. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ trợ của nhà nước đối với hộ  nghèo, người nghèo, bảo đảm chính sách đến với hộ nghèo công khai, đầy đủ, kịp thời. Tổ chức thực hiện lồng ghép có hiệu quả các dự án, chính sách, nội dung hoạt động của chương trình giảm nghèo với các chương trình phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh, chương trình xây dựng nông thôn mới; huy động các nguồn lực, tạo điều kiện giúp hộ nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững./.
Minh Cảnh
Từ khóa: