Xã hội
Võ Nhai: Nỗ lực giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội
10:22 AM 20/10/2022
(LĐXH) Là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh Thái Nguyên, Võ Nhai có 15 xã, thị trấn với dân số trên 69.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70%.
Huyện Võ Nhai hiện có 18.056 hộ dân với trên 69.000 nhân khẩu, trong đó tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 72,5%. Theo tiêu chí giảm nghèo mới giai đoạn 2022-2025, đến đầu năm 2022, số hộ nghèo của huyện tăng lên thành 3.603 hộ và 1.353 hộ cận nghèo - cao nhất so với các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện Võ Nhai đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong thực hiện công tác giảm nghèo, nâng cao năng lực và nhận thức cho cán bộ và người dân về giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới. Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân vươn lên thoát nghèo, tập trung phát triển sản xuất, hỗ trợ dạy nghề, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất chuyên canh, hỗ trợ các hoạt động chuyển giao kỹ thuật để hướng dẫn cách làm ăn cho hộ nghèo. Đồng thời, huyện huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững... Bước đầu, một số mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bằng trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi gia súc tại các xã: La Hiên, Phú Thượng, Tràng Xá... đã đem lại hiệu quả, mở ra nhiều hướng đi mới trong công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Mô hình trồng cây ăn quả giúp người dân huyện Võ Nhai có thu nhập ổn định
Trong giai đoạn mới, huyện Võ Nhai đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nghề, quan tâm phát triển các hoạt động sinh kế tại chỗ nhằm phát huy lợi thế của địa phương, ưu tiên đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động người dân tộc thiểu số, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tăng 1,4%/năm; tạo điều kiện cho lao động nông thôn làm việc tại các doanh nghiệp, hỗ trợ điều kiện sinh kế, tạo việc làm tại chỗ cho người dân. Huyện Võ Nhai cũng khuyến khích phát triển mô hình hợp tác xã tại các xã, thôn, bản bằng những chính sách cụ thể để các hợp tác xã có thể trở thành những hạt nhân hỗ trợ cho những hộ nghèo xung quanh, làm "bệ đỡ" cho người nghèo thông qua các hoạt động tiếp nhận lao động nghèo, đào tạo nguồn nhân lực cho hộ nghèo.
Đặc biệt, huyện tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Phát triển du lịch huyện Võ Nhai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030" và Đề án "Phát triển nông, lâm nghiệp huyện Võ Nhai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Theo đó, huyện tiếp tục hỗ trợ xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp, tiến tới sản xuất các sản phẩm hàng hóa an toàn, có sức cạnh tranh cao, đầu ra ổn định; phát triển các mô hình dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn các di tích và các lễ hội truyền thống, ẩm thực, du lịch khám phá hang động, mạo hiểm... coi đây chính là bước đột phá trong công tác thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững tại địa phương...
Huyện Võ Nhai phấn đấu đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%, hộ cận nghèo giảm 1%, đảm bảo người nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt và tiếp cận các thông tin, 100% người nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, 100% số hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi được vay vốn, được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh..., từ đầu năm đến nay, huyện đã ban hành tổng cộng 22 văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác này. Trong đó, Võ Nhai tập trung vào những nội dung chính như: Kiện toàn Ban Chỉ đạo giảm nghèo cấp huyện, xã; tổng hợp số lượng hộ đăng ký dự kiến thoát nghèo trong năm để có phương án hỗ trợ phù hợp, với tổng kinh phí dự kiến gần 12 tỷ đồng. Cùng với đó, huyện phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban có liên quan để triển khai các giải pháp hỗ trợ cụ thể cho hộ nghèo theo từng tiêu chí của quy định chuẩn nghèo đa chiều.
Bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, các phòng ban và các xã, thị trấn đã linh hoạt lồng ghép nguồn vốn và huy động từ nguồn xã hội hóa để hỗ trợ hộ nghèo. Đơn cử như từ đầu năm đến nay, Ủy ban MTTQ huyện đã huy động xã hội hóa được 750 triệu đồng hỗ trợ 15 hộ nghèo sửa chữa, xây mới nhà ở; huyện Võ Nhai đã hỗ trợ tiền điện cho 3.650 hộ dân, với tổng kinh phí trên 1,2 tỷ đồng; hỗ trợ hàng trăm hộ nghèo vay vốn ưu đãi; giới thiệu việc làm cho lao động thuộc diện hộ nghèo...
Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc giao kế hoạch vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 5 năm (2021-2025). Vì vậy, huyện cũng đang tích cực vào cuộc nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình. Ngay khi nguồn vốn được phân bổ, huyện Võ Nhai sẽ triển khai hỗ trợ cho 679 hộ nghèo đã đăng ký dự kiến thoát nghèo năm 2022. Từ đó, nhằm từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ nghèo, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững./.
Minh Trần
Từ khóa: