Xã hội
Xoa dịu nỗi đau da cam
09:57 AM 17/08/2020
“Tôi chỉ sợ một mai già yếu, hai vợ chồng không còn nữa thì lấy ai để hằng ngày chăm nuôi ba đứa con tội nghiệp, tương lai các cháu sẽ như thế nào?” Đó là lời tâm sự đắng nghẹn của ông Phạm Mạnh Toàn, 75 tuổi, ở thôn Đại Thanh, xã Noong Luống, huyện Điện Biên (Điện Biên) khi nói về những người con bị nhiễm chất độc da cam và mắc bệnh hiểm nghèo…
Nỗi đau thầm lặng
Theo lời giới thiệu của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên, chúng tôi tìm đến gia đình ông Phạm Mạnh Toàn, 75 tuổi, ở thôn Đại Thanh, xã Noong Luống có người con trai bị nhiễm chất độc dioxin là anh Phạm Mạnh Tuấn (Sinh năm 1987). Nhấp chén trà nóng, ông Toàn chậm rãi kể: “Tháng 8-1971, tôi cùng nhiều người bạn quê ở Thái Bình tình nguyện nhập ngũ ở Tiểu đoàn 101, Sư đoàn 325 và tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Năm 1978, sau khi xuất ngũ, gia đình tôi rời quê hương Thái Bình tình nguyện lên xây dựng kinh tế mới ở tỉnh Điện Biên rồi sinh được 3 người con (2 con gái, 1 con trai)”. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, những người con của ông Toàn lớn lên đều mắc bệnh hiểm nghèo: Hai người con gái đầu thì một người bị thần kinh, một người bị ung thư; anh con trai út, 30 tuổi, chẳng biết làm gì, ngày ngày ngẩn ngơ như một đứa trẻ. Đi khám thì được biết, các con ông Toàn bị ảnh hưởng di chứng chất độc hóa học do ông nhiễm phải khi tham gia ở chiến trường Quảng Trị.
“Nhiều lúc muốn nghe một tiếng gọi mẹ ơi, bố ơi từ người con trai mà cũng không được, thương bà ấy lắm”, giọng ông Toàn nghẹn lại khi nhìn sang người vợ của mình. Ở cái tuổi gần đất xa trời, lẽ ra sẽ được hưởng phúc an nhàn bên con cháu thì vợ chồng ông Toàn luôn trăn trở, nếu sau này cả 2 ông bà mất đi, những đứa con tội nghiệp sẽ không có ai cưu mang, nuôi dưỡng. Ông Toàn hướng đôi mắt trũng sâu nhìn xa xăm qua khung cửa…
Anh Phan Anh Tuấn - nạn nhân chất độc da cam ở phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ
Ở thôn Đại Thanh, xã Noong Luống có gia đình ông Nguyễn Văn Huyễn cũng bị nhiễm chất độc hóa học khi tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 đã xuống cấp, tường vôi loang lở. Tài sản quý nhất trong nhà ông Huyễn giờ đây chẳng có gì ngoài những bức ảnh chụp kỷ niệm với đồng đội thời quân ngũ. Ngồi trước cửa nhà, đôi bàn tay run run những chiếc nan cuối hoàn thiện cái thúng, ông Huyễn xót xa kể về gia cảnh của mình. Tháng 3-1963 ông Huyễn tình nguyện lên đường nhập ngũ thuộc Tiểu đoàn 7, Sư đoàn 320 rồi cùng hành quân tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Năm 1974 phục viên, ông lập gia đình và sinh 5 người con thì có 3 người con sinh ra bị ảnh hưởng bởi chất độc dioxin, có người con đã mất, người còn thì ốm đau, bệnh tật, có người con phải gửi về Trung tâm điều dưỡng người tâm thần có công ở tỉnh Thái Bình nhờ chăm sóc. Khó khăn lại chồng chất khi mỗi ngày sức khỏe của ông một yếu đi…
Chung tay chia sẻ
Theo số liệu thống kê của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên, hiện toàn tỉnh có 236 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin đang hưởng trợ cấp hàng tháng; trong đó có 188 người trực tiếp tham gia kháng chiến và 48 người là con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên chia sẻ: “Những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học phần lớn cuộc sống còn nhiều khó khăn, không chỉ trước mắt bản thân họ, mà cả gia đình họ, cho thế hệ sau này. Ðể giúp họ vượt qua nỗi đau bệnh tật vươn lên ổn định cuộc sống, cần sự chung tay của cộng đồng, đồng thời có các chế độ đặc thù hỗ trợ”.
Đại diện chính quyền địa phương thăm hỏi, động viên gia đình ông Phạm Mạnh Toàn, xã Noong Luống, huyện Điện Biên
Ðể động viên, chia sẻ khó khăn, phần nào bù đắp những thiệt thòi mà nạn nhân chất độc da cam đang gánh chịu, thời gian qua tỉnh Điện Biên đã quan tâm thực hiện các chế độ chính sách cho nạn nhân chất độc da cam. Tùy thuộc vào mức độ suy giảm khả năng lao động, nạn chất độc da cam được hưởng các mức trợ cấp khác nhau. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã tích cực kêu gọi, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Từ số tiền kêu gọi, vận động hàng năm, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: Thăm hỏi, tặng quà nạn nhân chất độc da cam nhân dịp lễ, tết, khi bị ốm đau; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Được sự động viên, giúp đỡ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, ngôi nhà ông Nguyễn Minh Khai, tổ 10, phường Thanh Bình, TP Ðiện Biên Phủ đã được xây dựng trên tổng diện tích gần 50m2 với số tiền gần 100 triệu đồng, trong đó 50 triệu đồng do Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh huy động từ sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, còn lại là sự đóng góp của gia đình và người thân. Từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Campuchia và Quân khu 9, sau khi xuất ngũ trở về địa phương ông Khai mới biết mình bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, sức khỏe, khả năng lao động của ông ngày càng suy giảm nên cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. Có căn nhà mới, ông Khai đã đỡ vất vả, thêm lạc quan để bước tiếp.
Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những năm qua tại Điện Biên công tác chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam đã được thực hiện thường xuyên. Đáng mừng, từ việc quan tâm, hỗ trợ đó đã tiếp thêm nghị lực đối với người bị nhiễm chất độc da cam. Nhiều cá nhân, gia đình có bước phát triển kinh tế, đã quay trở lại giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh, tạo điều kiện cho con em học tập, tạo việc làm để cùng vươn lên có cuộc sống tốt đẹp hơn./.
Theo Quân đội Nhân dân
Từ khóa: