Xã hội
Yên Bái: Kinh nghiệm giảm nghèo bền vững ở xã Minh Quán
09:26 AM 22/09/2020
(LĐXH)- Thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững, với sự chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm cùng sự đồng thuận, tham gia tích cực của nhân dân, đến nay diện mạo nông thôn của xã Minh Quán, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã có nhiều khởi sắc.
Ông Lương Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Minh Quán cho biết, để duy trì, nâng cao các tiêu chí, xứng đáng với xã nông thôn mới, hàng năm, Minh Quán đã xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Mục đích của kế hoạch nhằm thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã, tăng cường và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triền kinh tế - xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn xã; tạo điều kiện tốt nhất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ổn định cuộc sống; tạo việc làm mới, tăng thu nhập, nâng cao đời sống sinh hoạt, góp phần đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo và hạn chế tái nghèo.
Làm đường liên xã trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Minh Quán
Để thực hiện mục tiêu này, Ban chỉ đạo giảm nghèo xã đã tăng cường công tác chỉ đạo các thôn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân chủ động tạo việc làm tại địa phương, đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước và đi lao động có thời hạn ở nước ngoài để tăng thu nhập, cải thiện đời sống sinh hoạt; triển khai đầy đủ các chế độ của nhà nước để các hộ chính sách phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo; đôn đốc các thôn, các tổ chức đoàn thể được phân công quan tâm giúp đỡ những hộ nghèo và hộ cận nghèo, hộ chính sách xã hội để ổn định đời sống, động viên họ tích cực lao động sản xuất nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Trong năm 2020, Minh Quán đề ra kế hoạch đào tạo nghề cho 109 lao động, xuất khẩu lao động 6 người. Phấn đấu số lao động qua đào tạo là gần 2.000 người, số lao động có văn bằng chứng chỉ là 1.370, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của xã đạt 88,70%; số lao động được tạo việc làm mới trong năm là 90 người; chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp là 70 lao động.
Phấn đấu năm 2020, số lao động làm phi nông nghiệp là 1.301 lao động, đạt 42,13%; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4,55% xuống còn 2,96% (giảm 34 hộ = 2,96 %), trong đó hộ nghèo là người có công 02 hộ.
Do đặc điểm của địa phương là đồng bằng và đồi núi, nên nông nghiệp, trong đó phải kể đến chăn nuôi là mũi nhọn của Minh Quán. Để phát triển hiệu quả, xã đã xây dựng mô hình liên kết tạo thành một nhóm hoạt động hỗ trợ lẫn nhau trong chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, phát triển khá mạnh cả về số lượng và chất lượng. Không chỉ dừng lại ở những mô hình nuôi từ vài trăm đến vài nghìn con gà, hiện nay, toàn xã đã có tới hơn 30 hộ chăn nuôi gà quy mô lớn với số lượng từ 3.000 đến hơn 10.000 con/lứa. Hiện nay, toàn xã Minh Quán có gần hộ thành viên liên kết chăn nuôi với gần 40 trang trại, nhiều hộ có từ 2 - 3 trang trại. Mỗi năm, các hộ trong nhóm đã xuất bán khoảng gần 500 tấn gà thịt, thu về lợi nhuận gần chục tỷ đồng.
Về giải pháp thực hiện các mục tiêu trong năm nay và giai đoạn tiếp theo, ông Lương Văn Hùng cho biết: Xã tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo, tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền giải pháp thực hiện chương trình giảm nghèo. Nâng cao năng lực cho các thành viên ban chỉ đạo giảm nghèo và các cán bộ cơ sở thôn làm công tác giảm nghèo, tăng cường sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và người dân đối với các chương trình đầu tư của nhà nước cho từng thôn. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về công tác giảm nghèo, tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong cộng đồng dân cư và ý thức tự lực vươn lên của các hộ nghèo, đặc biệt các thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao. Hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, chú trọng việc sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội giải quyết việc làm cho người lao động và đào tạo nghề đối với lao động nông thôn.
Cùng với đó, phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và các đoàn thể trong xây dựng, triển khai thực hiện chương trình kế hoạch giảm nghèo. Ban chỉ đạo giảm nghèo xã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo các thôn thực hiện tốt các chỉ tiêu. Rà soát phân loại hộ nghèo cuối năm đảm bảo khách quan, dân chủ, đúng quy trình, đúng đối tượng, kiên quyết không để sót, đánh giá sai đối tượng, tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện công tác giảm nghèo.
Nắm bắt nguyên nhân dẫn đến nghèo của từng hộ gia đình để có phương pháp giảm nghèo phù hợp. Phối hợp với các ban ngành đoàn thể, cán bộ xã phổ biến khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho đối tượng là hộ nghèo như trồng cây quế, keo… nuôi gà, vịt, trâu, bò. Minh Quán sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn và hỗ trợ người dân chăn nuôi hàng hóa áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, chăn nuôi hữu cơ; bảo đảm vệ sinh môi trường; đẩy mạnh các hình thức liên kết trong chăn nuôi, khuyến khích liên kết dọc theo chuỗi cung cấp sản phẩm ra thị trường. 
Xã cũng coi trong công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn việc làm, học nghề, thông tin thị trường lao động. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm nâng cao trách nhiệm phối hợp của các ngành đoàn thể trong việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp; nâng cao nhận thức của người lao động về học nghề, việc làm, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề./.
Hồng Minh
Từ khóa: