Xã hội
Yên Bái: Phát triển nghề công tác xã hội theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu trợ giúp của người dân
09:10 AM 27/11/2023
(LĐXH) - Thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu đến năm 2025, đạt ít nhất 40% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, các cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã, phường thị trấn trên địa bàn tỉnh có ít nhất 01 cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên công tác xã hội thuộc chức danh chuyên trách, không chuyên trách hoặc cộng tác viên công tác xã hội.
Cùng chung tay chăm lo trợ giúp các đối tượng yếu thế, hộ nghèo được các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh quan tâm thực hiện

Cùng với đó tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác xã hội tại các cấp, các ngành phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn; đảm bảo nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.

Thực hiện Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030, Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như: Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Báo Yên Bái để xây dựng các chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền về nghề công tác xã hội. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về vị trí, vai trò của nghề công tác xã hội trong việc đảm bảo an sinh xã hội. 

Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội với chức năng nhiệm vụ được giao, trong 6 tháng đầu năm 2023 đã thực hiện hoạt động thu thập thông tin và lập hồ sơ quản lý ca đối với 24 trường hợp, qua đó đã tư vấn, trợ giúp về điều kiện, thủ tục đề nghị tiếp nhận vào Trung tâm, kết nối trao bảo trợ hàng tháng và kết nối tới các dịch vụ khác phù hợp với nhu cầu của đối tượng. Phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị, thành phố rà soát lập danh sách các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn cần trợ giúp năm 2023, trên cơ sở đó tiến hành xác minh thông tin, đánh giá và lập kế hoạch trợ giúp đối tượng. Kết nối nguồn lực tổ chức chương trình tặng quà cho trẻ em mầm non tại 05 điểm trường thuộc xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu, đồng thời liên hệ Đài Truyền hình tỉnh Yên Bái thực hiện 01 phóng sự truyền thông về các hoạt động của Trung tâm nhân dịp kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam 25/3/2023. Duy trì hoạt động trao bảo trợ hàng tháng cho 20 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các xã thuộc huyện Văn Chấn, Văn Yên, Trạm Tấu, Lục Yên và Thành phố Yên Bái.

Thống kê trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 31.231 đối tượng hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội, với tổng kinh phí là 96,6 tỷ đồng. Trong đó: Trợ cấp xã hội hàng tháng cho 27.917 đối tượng, kinh phí thực hiện trên 14,87 tỷ đồng; Trợ cấp cho các hộ gia đình, cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tại cộng đồng 3.314 đối tượng, kinh phí thực hiện trên 1,23 tỷ đồng. Hỗ trợ chi phí mai táng cho 526 trường hợp đối tượng bảo trợ xã hội qua đời, kinh phí thực hiện 3,79 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm trợ giúp đột xuất kịp thời cho các trường hợp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và các lý do bất khả kháng khác để bảo đảm đời sống người dân, không để người dân nào bị đói, không có người dân nào không có nhà ở. Trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện hỗ trợ khẩn cấp cho 24 cá nhân, hộ gia đình bị thiệt hại về người và nhà ở do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn rủi ro bất khả kháng với tổng kinh phí 562 triệu đồng. Thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Sở LĐ-TB&XH, các địa phương trong tỉnh đã rà soát, tổng hợp nhu cầu gạo cứu đói Tết Nguyên đán 2023, cứu đói dịp giáp hạt đầu năm 2023, đảm bảo trên địa bàn tỉnh không có hộ nào bị thiếu đói do thiếu lương thực, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Với đặc thù đông đối tượng bảo trợ cần trợ giúp, việc cung cấp các dịch vụ công tác xã hội là rất cần thiết. Thời gian tới, tỉnh Yên Bái tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về công tác xã hội, dịch vụ công tác xã hội theo thẩm quyền để tạo hành lang đồng bộ, thống nhất, áp dụng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, nhằm phát triển công tác xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn triển khai thực hiện mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức công tác xã hội, tiêu chuẩn nghiệp vụ cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội của các cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, trại giam, hệ thống tư pháp, ngành LĐ-TB&XH và các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội có liên quan.

Tổ chức tuyên truyền hướng dẫn thực hiện áp dụng ngạch, bậc lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề và chế độ phụ cấp đặc thù khác đối với công chức, viên chức công tác xã hội phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, bảo đảm tương quan giữa các ngành, nghề theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Trung ương. Hướng dẫn thực hiện các chính sách, phương thức quản lý, vận hành các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội; phòng ngừa, trợ giúp, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tại gia đình, cộng đồng; khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Tuyên truyền, khuyến khích xã hội hóa, tăng cường thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển công tác xã hội trợ giúp cho các đối tượng yếu thế và người dân trên địa bàn tỉnh./.

Hồng Phượng

 

 

 
Từ khóa: