Mọi người đều biết Zara là thương hiệu thời trang bình dân số 1 thế giới, nhưng đằng sau đó có những câu chuyện mà không phải ai cũng từng nghe tới.
Zara, đã và đang, là thương hiệu thời trang bình dân được yêu thích nhất. Với hơn 2.000 cửa hàng tại hơn 90 quốc gia và doanh thu lên đến cả tỷ euro trên toàn cầu, thậm chí, nhà kho của Zara còn lớn gấp 9 lần nhà kho của Amazon (website bán lẻ hàng hóa lớn nhất thế giới); chẳng có lý do gì để nghi ngờ vị thế của Zara trong thời điểm hiện tại.
Chìa khóa thành công của Zara nằm ở con đường khác biệt mà thương hiệu Tây Ban Nha này lựa chọn. Chẳng hạn thay vì tiêu tốn ngân sách cho quảng cáo thì Zara lại tập trung vào việc mở hàng loạt showroom mới, ra sản phẩm bắt kịp xu hướng thật nhanh, cập nhật thường xuyên và để rất ít hàng ở các showroom, giảm giá không nhiều.
Tuy nhiên, đó chỉ là những bề nổi của Zara mà ai cũng biết. Đằng sau thương hiệu này còn ẩn giấu khá nhiều bí mật thú vị mà không mấy ai trong chúng ta hiểu rõ.
1. Ông chủ của Zara vấn đến văn phòng hàng ngày
Từ năm 2015, tỷ phú người Tây Ban Nha Amancio Ortega có lúc vượt lên tỷ phú người Mỹ Bill Gates trong xếp hạng những người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes. Ông nắm trong tay công ty mẹ của Zara - Inditex - có tổng tài sản ở mức 79,8 tỷ USD. Ở tuổi 80, thay vì nghỉ ngơi thì ông chủ của Zara vẫn đến văn phòng hàng ngày, đều như vắt chanh, không bỏ sót ngày nào.
Điều thú vị nữa là ông Amancio Ortega chưa bao giờ tiếp xúc với báo chí hay trả lời bất kỳ câu hỏi nào từ báo chí.
2. Nguyên do Zara không bao giờ bắt tay với các nhà thiết kế lớn là vì...
Đây chính là điểm khác biệt lớn giữa Zara và H&M. Nếu như thương hiệu Thụy Điển thường xuyên kết hợp cùng các tên tuổi đình đám như Karl Lagerfeld, Olivier Rousteing, Alexander Wang... nhằm tạo ra những BST giới hạn đầy hấp dẫn, thúc đẩy sự thèm muốn của giới mộ điệu thì Zara lại không như vậy.
Jesús Echevarría, Giám đốc kinh doanh của Inditex cho hay: "Làm việc theo nhóm là truyền thống của Zara, và đó cũng là điều tốt nhất cho thương hiệu. Điều cốt yếu là thương hiệu phát triển tốt chứ không phải là vì một cái tên đình đám nào đó. Hiện có 350 nhà thiết kế làm việc cho Zara và đến 600 nhà thiết kế cho cả Inditex. Họ đều có một đức tính hết sức cần thiết: sự khiêm tốn".
3. Luôn có người mẫu túc trực tại phòng thiết kế của Zara
Cả 5 ngày/tuần đều có các người mẫu nam và nữ hiện diện tại phòng thiết kế của thương hiệu này. Thi thoảng các nhân viên của Inditex cũng làm mẫu trong trường hợp cấp thiết.
Riêng với dòng sản phẩm trẻ em thì lại phải dùng ma-nơ-canh, vì hiện luật vẫn chưa cho phép sử dụng lao động trẻ em.
4. Mỹ là thị trường online lớn nhất của Zara
Từ khi tung ra trang thương mại điện tử vào năm 2010 đến nay thì Mỹ vẫn luôn là thị trường số 1 của thương hiệu thời trang bình dân này, theo một người trong tập đoàn cho hay.
5. Có một cửa hàng của Zara không bán cho ai
Nghe quả là kỳ lạ, thực chất sự hiện diện của cửa hàng này là gì? Theo Jesús Echeverría lý giải thì: "Đó là cửa hàng thí điểm. Mục đích của cửa hàng này là để các nhân viên của Zara, từ nhân viên kinh doanh cho đến nhà thiết kế, có thể bước vào và cảm nhận được mọi thứ dưới góc nhìn của một khách hàng. Với những cảm giác chân thực nhất, họ sẽ chỉ ra cho chúng tôi điểm họ thích và không thích, phân tích kỹ lưỡng."
6. Sản phẩm tại các cửa hàng đều như nhau
Nếu bạn đang suy nghĩ không biết rằng số lượng sản phẩm thời trang tại cửa hàng mới của Zara tại Vincom Lê Thánh Tôn có giống như các cửa hàng khác trên thế giới hay không, thì 90% câu trả lời là có.
Những món đồ theo xu hướng đều được phân bổ như nhau tại mọi cửa hàng, hay chăng số lượng có thể chênh lệch nhau ít nhiều. Đội ngũ kinh doanh tại trụ sở chính luôn kết nối với các cửa hàng bán lẻ, họ sẽ quyết định xem một sản phẩm nên có số lượng bao nhiêu tại đó. Có cửa hàng sẽ nhiều denim, cửa hàng khác lại nhiều suit hơn.
7. Các cửa hàng có lượng tiêu thụ lớn nhất là ở...
New York, Milan và Thượng Hải - theo như Jesús Echeverría cho biết. Điều dễ nhận thấy là các cửa hàng tại đô thị lớn có doanh số áp đảo những nơi khác.
8. Có đội ngũ theo dõi phản hồi của khách hàng 24/24
Từ vài năm trước Zara đã cho ra đời một trung tâm xử lý dữ liệu kết nối với tất cả các cửa hàng bán lẻ để kịp thời phản ứng trước mọi vấn đề phát sinh, trong đó có cả phản hồi của khách hàng. Trung tâm này hoạt động 24 giờ/ngày. Nghĩa là bạn cứ cần là có.
9. Doanh thu của Zara phần lớn đến từ...
Các mặt hàng cho nữ giới, dĩ nhiên là thế. Áo váy và phụ kiện nữ giới chiếm đến 60% tổng doanh thu của Zara, trong khi 40% còn lại chia đôi cho thời trang nam và thời trang trẻ em.
10. Và cuối cùng, 324 triệu đô...
Đó là số tiền mà Zara đã bỏ ra để mua một cửa hàng nằm tại khu trung tâm thương mại 666 Fifth Ave rất đắt đỏ tại New York. Để lý giải cho điều này, có thể hiểu rằng Zara bỏ ra rất ít tiền để quảng cáo mà chỉ tập trung dành chi phí để mở các cửa hàng đặt gần cửa hàng của các thương hiệu thời trang cao cấp để nâng tầm đẳng cấp.
Theo Tri thức trẻ
-
Triển lãm 'Sắc xuân Ất Tỵ': Ấn tượng linh vật rắn phủ vàng 24K
11-01-2025 10:46 18
-
Vũ Thu Phương thông báo ly hôn
11-01-2025 08:18 32
-
Diễn viên xiếc: Khi tình yêu nghề lớn hơn nỗi sợ hiểm nguy
10-01-2025 19:54 09
-
Quế Anh, Siu Black bị cắt ghép hình ảnh giảm béo
09-01-2025 08:39 21
-
Tài tử Trung Quốc được giải thoát khỏi đường dây buôn người
08-01-2025 16:39 56
-
Đan Trường và vợ doanh nhân: Ly hôn ba năm vẫn đồng hành
08-01-2025 11:45 39