Thời sự
6 chương trình hành động của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
05:56 PM 12/05/2021
(LĐXH)- Ngày 12/5, tại hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri với ứng viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV thuộc đơn vị bầu cử số 3 tỉnh Thanh Hóa gồm các huyện Như Xuân, Như Thanh, Nông Cống, Quảng Xương và thị xã Nghi Sơn, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đưa ra 6 chương trình hành động của mình trước cử tri.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày chương trình hành động của mình trước cử tri
Tạp chí Lao động và Xã hội trân trọng giới thiệu chương trình hành động của Bộ trưởng:
1. Thực hiện đúng các quy định và làm tròn trách nhiệm của người Đại biểu Nhân dân, gắn bó với cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, phản ánh kịp thời với Quốc hội và các cơ quan chức năng; chủ động, tích cực tham gia các hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa và của Quốc hội.
2. Trên cương vị công tác, tôi sẽ phấn đấu thực hiện tốt chức trách của mình, tham góp triển khai các chức năng cơ bản của Quốc hội, chủ động tham gia một cách có hiệu quả các hoạt động của Quốc hội, nhất là thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật. Tăng cường sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện của Đảng trong công tác xây dựng luật pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm quyền, lợi ích của nhân dân.
3. Chủ động thực hiện công tác chất vấn, trả lời chất vấn; trả lời đơn thư kiến nghị của Đại biểu Quốc hội và cử tri, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát để đảm bảo tính tuân thủ, nghiêm minh của pháp luật. Chú trọng giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, nhất là về các vấn đề bức xúc mà cử tri tỉnh Thanh Hóa và đặc biệt là tại 5 huyện, thị xã quan tâm như đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tội phạm, chấp hành pháp luật về đất đai, an toàn giao thông, an toàn, vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường; chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân; chính sách hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi,…
4. Thường xuyên quan tâm, theo dõi tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa nói chung và các huyện nơi tôi ứng cử nói riêng; tham gia trao đổi thông tin với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa; liên hệ thường xuyên, chặt chẽ với cử tri các huyện: Như Thanh, Như Xuân, Nông Cống, Quảng Cương và thị xã Nghi Sơn; đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa là cầu nối giữa địa phương với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành ở Trung ương trong việc giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương nhằm thực hiện thắng lợi phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đề ra. Luôn đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc tiếp xúc cử tri, tổng hợp đầy đủ ý kiến của cử tri và nhân dân trong tỉnh để báo cáo tại các kỳ họp Quốc hội, kiến nghị với các cơ quan Trung ương, địa phương xem xét, giải quyết.
5. Tham mưu cho Đảng, Quốc hội và Chính phủ thực hiện phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội; thực hiện tốt chính sách xã hội, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, trọng tâm là:
- Đổi mới cơ chế quản lý, triển khai phát triển kinh tế đi đôi với văn hóa, xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân, phấn đấu mọi người dân có cơ hội và thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, đảm bảo đời sống người có công bằng và tốt hơn mức sống trung bình khu dân cư, đặc biệt quan tâm tới người nghèo, người yếu thế. Phát triển trợ giúp xã hội toàn diện, đa dạng, bao trùm, hiệu quả, phù hợp với vòng đời con người, có sự chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân.
- Tham mưu phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt, hiện đại, chia sẻ và hội nhập; tăng hỗ trợ của Nhà nước để mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện, hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân. 
- Cải cách tổng thể, hệ thống, đồng bộ chính sách lao động, tiền lương tuân thủ theo quy luật kinh tế thị trường, bảo đảm quyền lợi của người lao động trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp và chú ý đến quyền lợi của người nghỉ hưu trước năm 1995.
- Tạo lập môi trường, điều kiện để phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước. Xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; thực hiện chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả làm việc, khuyến khích, trọng dụng nhân tài.
- Tập trung giải quyết nhanh, dứt điểm những vấn đề tồn tại, bức xúc của Ngành, tăng cường các giải pháp phòng, chống tệ nạn xã hội, kiểm soát và phòng, chống ma túy, mại dâm, bạo lực, xâm hại trẻ em…
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên cơ sở tiếp tục đổi mới căn bản giáo dục nghề nghiệp; đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động.
- Thực hiện các chương trình nhà ở xã hội, đẩy mạnh xã hội hoá nhà ở cho người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; bảo đảm nước sạch cho người dân nông thôn; nâng cao chất lượng thông tin truyền thông cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo.
6. Là một cán bộ, đảng viên, tôi luôn ghi nhớ và thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ đối với người đại biểu của nhân dân: Làm việc nước là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ đến lợi chung. Phải luôn ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào, luôn luôn nhớ và thực hiện vì lợi nước, quên lợi nhà, phải làm sao cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc./.

Trần Thắng

Từ khóa: