Thời sự
Gặp gỡ nhóm người treo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh nhà thờ Đức Bà ở Paris năm 1969
02:09 PM 19/11/2024
(LĐXH) - Chiều 18/11/2024, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức buổi gặp gỡ với ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard, là 2 trong những người trong “Nhóm treo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh cao nhà thờ Đức Bà ở Paris (1969)”. Sự kiện nhằm để những người làm báo trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe những chia sẻ về hành động dũng cảm phản đối chiến tranh, ủng hộ hòa bình cho nhân dân Việt Nam của họ cách đây 55 năm.

Ông Olivier Parriaux chia sẻ về quá trình leo lên đỉnh chóp để treo lá cờ của nhóm. 

Câu chuyện của họ diễn ra vào thời điểm bắt đầu tiến hành những cuộc đàm phán về hòa bình cho Việt Nam, năm 1969. Khi đó, ông Bernard Bachelard mới 26 tuổi và là giáo viên thể dục, ông Noé Graff (24 tuổi) là sinh viên khoa luật và ông Olivier Parriaux (25 tuổi) là sinh viên vật lý.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, ông Olivier Parriaux cho biết, ngay khi nghe tin Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố tạm ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam và sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán, ba chàng trai người Lausane (Thụy sĩ) nhận ra rằng, việc tiến hành các cuộc đàm phán này tại Paris sẽ là một sự kiện đáng để "ăn mừng", vì điều đó dẫn đến sự công nhận quốc tế đối với Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Toàn cảnh buổi gặp gỡ

Để kỷ niệm sự kiện này một cách ấn tượng và gây tiếng vang, họ quyết định lựa chọn một địa điểm cao, một nơi mang đậm tính nhân văn và được cả thế giới kính trọng, đó chính là nhà thờ Đức Bà Paris. Với kế hoạch do ông Olivier Parriaux nghiên cứu và xây dựng. “Noé Graff đảm nhiệm việc lái xe và canh gác, Bernard Bachelard và tôi leo lên tháp nhà thờ Đức Bà theo những thanh sắt gắn vào tường, tuy nhiên càng lên cao thì diện tích của đường khe hở trong tháp nhỏ lại, lúc này Bernard Bachelard tiếp tục leo lên cao với sự hỗ trợ của tôi để treo cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh tháp cao nhất của nhà thờ Đức Bà Paris”, ông Olivier Parriaux kể.

Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức buổi gặp gỡ với ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard 

Toàn ảnh buổi gặp gỡ

Theo ông Olivier Parriaux, khi lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay, ông và Bernard Bachelard tụt xuống nhưng không quên dùng cưa sắt (mang theo) cắt những thanh sắt đã được nhà thời gắn vào tường trước, mà các ông đã sử dụng như những bậc thang để leo lên đỉnh cao nhất của tháp. “Chúng tôi xuống tới đất khoảng  2 giờ sáng ngày hôm sau, và tất cả nhóm trở về Thụy Sĩ những không quên tới trụ sở nhật báo Le Monde để gửi thông cáo báo chí về hành động của mình. Và khoảng 4 tiếng sau thì cảnh sát Pháp mới phát hiện có lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên tháp nhà thờ Đức Bà Paris. Cảnh sát phải gọi cứu hỏa hỗ trợ để gỡ cờ. Tuy nhiên, cũng phải đến 3- 4 giờ chiều ngày hôm sau họ mới tới gỡ được cờ”, ông Olivier Parriaux chia sẻ. 

GS. TS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông phát biểu tại sự kiện

Sự kiện xảy ra ngày 19/1/1969, tức đêm hôm trước ngày Nixon nhậm chức tổng thống và 6 ngày trước khi hội nghị bốn bên họp tại Paris. Sau hơn nửa thế kỷ, 2 trong số 3 người Thụy Sĩ dung cảm đã từng tham gia treo lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên tháp đỉnh cao nhất nhà thờ Đức Bà Paris có mặt tại TP.HCM và chia sẻ cụ thể tình cảm, câu chuyện của mình đối với đất nước mà họ từng có hành động dũng cảm để ủng hộ hòa bình.

Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tặng hoa cảm ơn khách mời. 

Trước đó, phát biểu tại buổi gặp gỡ, GS. TS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông cho biết: Khi sự việc diễn ra cách đây 55 năm, lúc đó ông đang là nhà báo thuộc phái đoàn Việt Nam đang có mặt tại Paris. Buổi sáng khi biết tin lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên chóp cao nhất của nhà thờ Đức Bà ở Paris, ông rất xúc động và sử dụng máy ảnh để chụp lại. Mặc dù lúc đó không biết là ai treo lá cờ, nhưng đánh giá hành động cao cả và anh hùng. Đây là lời hiệu triệu cả thế giới chống chủ nghĩa đế quốc./.

Trương Đăng