Thời sự
Quần đảo Hy Lạp hứng chịu 4 ngày động đất liên tiếp, cảnh báo nguy cơ cao vẫn tiếp tục
04:37 PM 05/02/2025
(LĐXH) - Santorini rung chuyển bởi hơn 200 trận động đất trong hơn 4 ngày qua, du khách và dân địa phương hoảng loạn bỏ chạy. Chuyên gia cảnh báo nguy cơ động đất 6 độ Richter trở lên.

Hòn đảo Santorini xinh đẹp, điểm đến du lịch nổi tiếng của Hy Lạp, đang trải qua những ngày tháng "địa chấn" khi liên tục hứng chịu hơn 200 trận động đất chỉ trong 4 ngày qua. Loạt động đất rung chuyển không ngừng đã làm dấy lên nỗi lo sợ về một trận động đất mạnh sắp xảy ra, khiến người dân địa phương và du khách hoảng loạn, tìm mọi cách rời khỏi hòn đảo. Một nhà địa chấn học thậm chí còn cảnh báo rằng trận động đất chính vẫn chưa đến và trận động đất này có thể đạt tới cường độ 6 độ Richter.

Theo tờ The Guardian và hãng tin AFP, Santorini đã trải qua hơn 200 trận động đất trong những ngày qua. Tâm chấn của hầu hết các trận động đất nằm ở vùng biển giữa Santorini và đảo Amorgos. Chỉ riêng ngày 3/2, hòn đảo này đã hứng chịu hàng chục trận động đất, trong đó trận mạnh nhất có cường độ 4,8 độ Richter.

Khu vực Santorini liên tục hứng chịu những cơn địa chấn trong vài ngày qua. (Ảnh: CCTV News)
Loạt địa chấn liên tiếp khiến nhiều người dân và du khách không dám về nhà, lựa chọn ngủ ngoài trời hoặc trong xe ô tô để đảm bảo an toàn. Một du khách đến từ Mexico run rẩy kể lại: "Tôi đã khóc suốt đêm vì quá sợ hãi, không biết phải làm gì... Họ nói phải giữ bình tĩnh, nhưng khi mặt đất cứ rung chuyển liên tục, làm sao có thể bình tĩnh được chứ?".

Nỗi sợ hãi bao trùm khiến nhiều người vội vã tìm cách rời khỏi hòn đảo thiên đường. Cảnh tượng chen chúc tại bến phà và sân bay Santorini trở nên hỗn loạn khi du khách và người dân địa phương đổ xô đi sơ tán. Các hãng hàng không thậm chí phải tăng cường chuyến bay để đáp ứng nhu cầu di tản khẩn cấp. Hướng dẫn viên du lịch địa phương Kostas Sakavaras cho biết, ông chưa từng chứng kiến hoạt động địa chấn nào ở mức độ này trước đây. "Cứ khoảng 3-4 tiếng lại có một trận động đất. Vì vậy, tôi quyết định đưa vợ con lên phà rời khỏi đảo", ông Sakavaras chia sẻ. Một người dân 72 tuổi khác cũng cho biết, sau 3 ngày sống trong sợ hãi, ông quyết định rời đi. Theo giới chức địa phương, khoảng 6.000 người đã rời Santorini.

CCTV đưa tin, trước tình hình địa chấn phức tạp, chính quyền Hy Lạp đã ra lệnh đóng cửa trường học ở Santorini, Ios, Amorgos và Anafi cho đến ngày 7/2. Cơ quan phòng vệ dân sự khuyến cáo người dân tránh xa các tòa nhà bỏ hoang, không tụ tập đông người trong không gian kín, đồng thời tránh khu vực bờ biển và một số bến cảng để phòng ngừa nguy cơ sóng thần do động đất gây ra.

Trong khi người dân hoang mang, giới chuyên gia lại đưa ra những nhận định trái chiều. Nhà địa chấn học Manolis Skordyli cảnh báo: "Có vẻ như đường đứt gãy địa chất đã bị kích hoạt, có thể gây ra động đất mạnh tới 6 độ Richter trở lên. Chúng ta vẫn chưa trải qua trận động đất chính". Tuy nhiên, ông Efthymios Lekkas, người đứng đầu Tổ chức Quy hoạch và Bảo vệ Chống Động đất, lại bác bỏ khả năng xảy ra động đất mạnh hơn 6 độ Richter, nhận định nguy cơ xảy ra động đất 5,5 độ Richter là "cực kỳ thấp".

Để ứng phó với tình huống khẩn cấp, chính phủ Hy Lạp đã triển khai các đơn vị cứu hộ đến Santorini. Lực lượng y tế khẩn cấp đã đến đảo từ ngày 3/2, cùng với lực lượng đặc nhiệm, đội cứu hộ và người điều khiển máy bay không người lái đã được triển khai trước đó. Khả năng điều động quân đội cũng không bị loại trừ. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis lên tiếng trấn an: "Chúng ta đang đối mặt với hiện tượng địa chất rất dữ dội. Tôi yêu cầu người dân trên đảo giữ bình tĩnh và tuân theo chỉ dẫn của cơ quan phòng vệ dân sự".

Hy Lạp nằm trên nhiều đường đứt gãy địa chất và thường xuyên xảy ra động đất. Nghiên cứu cho thấy, lớp vỏ đáy biển xung quanh Santorini là một khu vực địa chấn hoạt động mạnh. Năm 1956, một trận động đất mạnh 7,7 độ Richter đã xảy ra ở Santorini và Amorgos, gây ra sóng thần và cướp đi sinh mạng của 53 người.
Lê Nguyên