Xã hội
An Giang: Tập trung thực hiện hoàn thành mục tiêu giảm nghèo
09:35 AM 20/05/2024
(LĐXH) - Tỉnh An Giang đang tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đảm bảo hiệu quả, tiến độ đề ra, với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều bình quân 0,5-1%/năm; Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3-4%/năm; Tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm 2%/năm.
Khảo sát tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp tại huyện Tri Tôn
Tổng ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2024 trên địa bàn tỉnh là 366.351 triệu đồng, trong đó: Vốn năm 2022, 2023 chuyển sang năm 2024 là 90.588 triệu đồng; Vốn phân bổ năm 2024 là 275.763 triệu đồng.
Từ nguồn vốn này, tỉnh An Giang tập trung thực hiện 07 Dự án của Chương trình, với nội dung tiếp tục hỗ trợ huyện nghèo Tri Tôn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản. Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình, dự án giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo.
Đồng thời hỗ trợ người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ dân trên địa bàn huyện nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập. Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng và nghiệp vụ giảm nghèo.
Một trung những giải pháp được tỉnh đang tập trung thực hiện là hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững. Cụ thể là thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025; Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện cơ chế hỗ trợ, phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở; tăng cường sự tham gia của người dân trong thực hiện Chương trình; khuyến khích, mở rộng hoạt động tạo việc làm công cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân trên địa bàn nghèo thông qua các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo và dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.
Thực hiện cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ theo quy định hiện hành về giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giảm nghèo về thông tin và truyền thông về giảm nghèo đa chiều; tập huấn, tư vấn chuyển giao kỹ thuật, quản lý mô hình, dự án sinh kế; cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người học nghề thuộc đối tượng của Chương trình.
Bên cạnh đó là áp dụng thống nhất các cơ chế, quy trình trong thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình; ưu tiên lựa chọn các nội dung hỗ trợ có định mức cao hơn; đảm bảo nguyên tắc không trùng lặp giữa các hoạt động, nội dung hỗ trợ đầu tư của các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình trên cùng một địa bàn, cùng một đối tượng thụ hưởng. Áp dụng cách tiếp cận giảm nghèo dựa vào cộng đồng; mở rộng và tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của người dân về các hoạt động của Chương trình; bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện Chương trình.
Giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, một trong những mục tiêu hàng đầu trong quá trình chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương thời gian qua đã có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, đa dạng hóa các giải pháp hỗ trợ, giúp người nghèo nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tỉnh An Giang đã kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và phát huy cao hiệu quả hoạt động trong quản lý, điều hành thực hiện; củng cố Ban chỉ đạo cấp huyện, xã, tổ chức bộ máy cán bộ chuyên trách công tác giảm nghèo giúp công tác giảm nghèo từ chiều rộng dần đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực.
Các cấp, ngành đã phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời, có tinh thần trách nhiệm cao trong triển khai tổ chức thực hiện; Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và cơ quan thường trực đã phát huy vai trò trong tham mưu, chủ động hướng dẫn tổ chức thực hiện, đáp ứng cơ bản chức năng, nhiệm vụ được phân công; các tổ chức chính trị vào cuộc tích cực, hiệu quả.
Công tác quản lý Nhà nước về thực hiện chính sách giảm nghèo từng bước được tăng cường, nhất là công tác kiểm tra, giám sát, bộ máy tổ chức thực hiện ngày càng hoàn thiện, xét chọn và quản lý đối tượng chặt chẽ hơn, đảm bảo dân chủ, công bằng, phát huy sự tham gia của cộng đồng dân cư và bản thân đối tượng. Cùng với đó, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, đối thoại với người nghèo và tập trung nguồn lực thực hiện chính sách trợ giúp hộ nghèo đã có tác động tích cực đến việc làm chuyển biến nhận thức của hộ nghèo, nhiều hộ nghèo đã có ý chí vươn lên thoát nghèo.
Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và nỗ lực cố gắng của các cơ quan đơn vị, các thành viên trực tiếp thực hiện chính sách giảm nghèo, tình hình thực hiện các giải pháp ở các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hầu hết các chính sách, chương trình đã triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần ổn định đời sống người dân, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo./.
Hồng Phượng