Lao động
Bắc Giang chủ động "phòng ngừa " trên cơ sở đánh giá, nhận diện các nguy cơ gây mất an toàn lao động
02:32 PM 08/04/2022
(LĐXH) - Công tác an toàn vệ sinh lao động luôn được Tỉnh ủy HĐND,, UBND tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm, vì vây nhiều chủ trương, kế hoạch,được triển khai với mục tiêu đảm bảo môi trường và điều kiện làm việc thuận lợi nhất cho người lao động...
Người lao động được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ tại Công ty TNHH Samkwang Vina.
Tính đến thời điểm này Bắc Giang có khoảng  gần 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động và đang sử dụng 305.000 lao động. Nhiều năm qua, tỉnh luôn quan tâm, chú trọng công tác an toàn vệ sinh lao động và ngày càng được các doanh nghiệp, người lao động tích cực hưởng ứng. Đây được coi là một trong những việc làm cần thiết góp phần phát triển sản xuất và tăng năng suất lao động tại địa phương.
Theo kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Giang, các cấp, ban ngành, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ, phù hợp với điều kiện lao động, sản xuất của đơn vị, doanh nghiệp, thu hút được sự tham gia của đoàn viên công đoàn, người lao động và người sử dụng lao động, đồng thời đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 và sức khỏe người lao động.
Trước tiên là tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức tuyên truyền sâu rộng về Luật An toàn - Vệ sinh lao động, Nghị định số 88/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số: 28/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc. Tuyên truyền các giải pháp nhằm cải thiện điều kiện lao động; Đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ; giải pháp phòng ngừa, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN), xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc.
Cán bộ công nhân viên Điện lực Lục Nam tham gia buổi tập huấn về ATVSLĐ
Kết quả kiểm tra tại 34 doanh nghiệp cho thấy các doanh nghiệp đã quan tâm thực hiện quan trắc môi trường lao động và đã chủ động thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc tại khu vực có 10 mẫu chưa đạt tiêu chuẩn. Các doanh nghiệp đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trên 250,000 lượt người, trong đó có khoảng trên 40% là người lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại nguy hiểm…
Có thể nói, việc triển khai thực hiện các quy định của Luật ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh được thực hiện nề nếp, hiệu quả; các cấp, các ngành, địa phương và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều cố gắng, tích cực, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, với nhiều cách làm sáng tạo; có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành, địa phương và các cơ sở sản xuất. Từ đó đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người sử dụng lao động, người lao động và toàn xã hội trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Các giải pháp mang tính chất “phòng ngừa” được chủ động thực hiện, trên cơ sở đánh giá rủi ro, nhận diện các nguy cơ có thể xảy ra TNLĐ./.
Lê Minh
Từ khóa: