Bắc Giang: Nhiều mô hình cựu chiến binh làm kinh tế giỏi
(LĐXH) – Phát huy phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, những năm qua, các cựu chiến binh (CCB) tỉnh Bắc Giang đã không ngại khó khăn, gian khổ, luôn đi đầu trong các phong trào của địa phương và tích cực lao động, sản xuất, cùng giúp nhau phát triển kinh tế với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương
Toàn tỉnh Bắc Giang có hơn 116 nghìn hội viên CCB. Những năm qua, các cấp hội đã tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, góp phần giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở; Xây dựng và thực hiện tốt Chương trình phối hợp của Hội CCB với chính quyền và các đoàn thể, có mối quan hệ gắn bó, hoạt động hiệu quả; luôn quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho hội viên và CCB; phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh...
Trong phong trào CCB làm kinh tế giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, các cấp hội duy trì việc hỗ trợ hội viên vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội; tạo nguồn quỹ nội bộ cho hội viên khó khăn vay vốn không lấy lãi. Nhiều tập thể, cá nhân đã có cách làm hay, sáng tạo, nhiều CCB là chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, gia trại đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học tiên tiến vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hiện toàn tỉnh có 257 doanh nghiệp, 87 hợp tác xã (HTX) cùng hàng trăm trang trại do CCB làm chủ. Với sự năng động, nhạy bén cùng bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ, nhiều CCB đã khẳng định được chỗ đứng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm công nhân, trong đó có không ít trường hợp là hội viên và con em CCB. Trong số các doanh nghiệp, HTX do CCB làm chủ có 8 doanh nghiệp doanh thu đạt hơn 50 tỷ đồng/năm; 4 HTX, trang trại có doanh thu hơn 10 tỷ đồng/năm.
Tiêu biểu như Công ty cổ phần Sông Cầu Hà Bắc do CCB Nguyễn Thanh Phong (SN 1955) ở xã Quang Châu (Việt Yên) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đã sản xuất, kinh doanh hiệu quả trong các lĩnh vực sản xuất phân bón, sản xuất xi măng, gạch không nung và ống nhựa. Đến nay, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 60 lao động.
Từng là bộ đội tham gia kháng chiến chống Mỹ rồi chiến tranh biên giới phía Bắc, trở về cuộc sống đời thường, Trung tá, CCB Nguyễn Thanh Phong nhanh chóng tiếp cận thị trường, tận dụng kinh nghiệm, kiến thức được rèn rũa trong 22 năm binh nghiệp để phát triển kinh tế. ban đầu, ông đứng ra kết nối, tiêu thụ than cho các doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Giang và một số địa phương khác. Đến năm 2003, khi Nhà nước có chủ trương cổ phần hóa nhà máy phân bón Bắc Giang (nay là Công ty cổ phần Sông Cầu Bắc Giang), ông dồn toàn bộ vốn tham gia và giữ vai trò Chủ tịch HĐQT từ năm 2007 đến nay. Hiện Công ty đã dừng sản xuất phân bón, đồng thời mở rộng hoạt động trên 3 lĩnh vực: Sản xuất xi măng, gạch không nung và ống nhựa, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 60 lao động.
CCB Ngô Văn Giang, ở thôn Xuân Lạn, xã Hương Mai, huyện Việt Yên đã thành công với mô hình nuôi thả cá. Hơn 10 năm gắn bó với Trường Trung cấp Kỹ thuật công binh, năm 2015, ông Ngô Văn Giang (SN 1982) xuất ngũ về quê làm kinh tế. Được rèn luyện trong môi trường quân ngũ với tính kỷ luật cao, nhất là tinh thần quyết tâm, không ngại khó, không ngại khổ, CCB Ngô Văn Giang bắt tay vào cải tạo mô hình kinh tế của gia đình. Nhận thấy chăn nuôi nhỏ lẻ không hiệu quả, ông mạnh dạn đầu tư, đứng ra vận động thành lập Hợp tác xã (HTX) nuôi thả cá Giang Việt.
Đến nay, HTX có 14 ao nuôi các loại cá giống và cá thịt với tổng diện tích 4ha. Đối với các loại cá thịt, mỗi năm HTX xuất bán hai lứa, sản lượng đạt khoảng 20-22 tấn và 4-5 lứa cá giống. Tuy hai năm trở lại đây, việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng ông Giang vẫn cố gắng bảo đảm chất lượng con giống, vận chuyển cá giống, cá thịt đến tận tay khách hàng… Nhờ đó mà đầu ra cho sản phẩm của HTX luôn ổn định, thu lãi trung bình mỗi năm đạt từ 500 đến 700 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 3-5 lao động địa phương với thu nhập từ 6-9 triệu đồng/người/tháng.
Hay như thương binh Nguyễn Vũ Thắng (SN 1965) ở thôn Mỏ Thổ, xã Minh Đức có 6 năm tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Khi về quê hương, thương tật mất 75% sức khỏe song ông đã từng bước xây dựng và phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp gồm: Bò sinh sản, lợn nái, lợn thịt, gia cầm; thu nhập đạt hơn 200 triệu đồng/năm; CCB Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Hương Tiến kinh doanh vật liệu xây dựng tại xã Cảnh Thụy (Yên Dũng) thường xuyên sử dụng 130-145 công nhân, lương bình quân 13,7 triệu đồng/người/tháng; doanh hàng chục tỷ đồng/năm…
Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, Hội CCB các cấp đã huy động từ các nguồn vốn được hơn 1,2 nghìn tỷ đồng, đang quản lý 57 dự án kinh tế, giải quyết việc làm cho 515 nghìn lao động. Đây là một nguồn lực quan trọng để giúp CCB phát triển sản xuất, kinh doanh, có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình, giúp gần 5 nghìn hộ hội viên thoát nghèo bền vững./.
Minh Cảnh
Từ khóa:
-
Nhân rộng các mô hình giảm nghèo ở Mỹ Xuyên
25-11-2024 16:34 53
-
Phát triển năng lực trẻ em - Hành động vì tương lai
25-11-2024 16:34 23
-
Thị xã Hồng Lĩnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
25-11-2024 16:34 03
-
Phụ nữ Nam Định với phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"
25-11-2024 11:17 09
-
Đắk Nông: Chú trọng nâng cao năng lực, giám sát và đánh giá Chương trình giảm nghèo
25-11-2024 11:16 03
-
Thành phố Phổ Yên với công tác “Đền ơn đáp nghĩa”
06-11-2024 11:21 52