Bắc Giang: Quan tâm phát triển các dịch vụ công tác xã hội
(LĐXH) - Để trợ giúp hiệu quả cho những người yếu thế, thời gian qua, bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách trợ cấp xã hội của Nhà nước, tỉnh cũng quan tâm phát triển các dịch vụ công tác xã hội (CTXH).
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện có gần 312 nghìn người cao tuổi; gần 3,8 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 42 nghìn trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; trên 30 nghìn người khuyết tật… Đây là nhóm người yếu thế dễ bị tổn thương trong xã hội, đang rất cần sự quan tâm của Nhà nước và sự giúp đỡ của cộng đồng. Để trợ giúp hiệu quả cho nhóm đối tượng này, thời gian qua, bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách trợ cấp xã hội của Nhà nước, tỉnh cũng quan tâm phát triển các dịch vụ CTXH.
Thực hiện Quyết định 112/QĐ-TTg ngày 22/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình phát triển CTXH giai đoạn 2021- 2030, UBND tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện với mục tiêu: Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về các lĩnh vực hoạt động CTXH và nghề CTXH; đẩy mạnh các hoạt động phát triển CTXH ở các ngành, các cấp, các đơn vị theo hướng hội nhập, mở rộng, phù hợp với tình hình thực tế, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh trong từng giai đoạn. Khuyến khích và đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ CTXH toàn diện trên các lĩnh vực đảm bảo cung cấp kịp thời cho người dân có nhu cầu.
Để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội về vai trò, vị trí CTXH, cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH trong chăm sóc sức khỏe tâm thần, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt… tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú như: Xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ năng CTXH cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, cộng tác viên làm CTXH; Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu và phổ biến pháp luật về lĩnh vực CTXH; Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo, đài của Trung ương và tỉnh thực hiện các phóng sự, đăng tin, bài về CTXH, dịch vụ CTXH trợ giúp các đối tượng yếu thế…
Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị triển khai rà soát, thống kê, phân loại cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH; mạng lưới tổ chức cung cấp dịch vụ CTXH làm căn cứ lập kế hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH và đào tạo cán bộ CTXH. Rà soát, sắp xếp phân công cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên trong các cơ quan, đơn vị, cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH công lập; trong đó ưu tiên các lĩnh vực trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, cai nghiện ma túy, hỗ trợ phạm nhân hoàn lương... Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho đội ngũ cán bộ CTXH cũng được quan tâm. Trong 2 năm 2022 – 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức 05 lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng nghề CTXH cho gần 500 cán bộ các hội đoàn thể cấp huyện, xã và hội viên Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Thời gian qua, tỉnh cũng quan tâm quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở có cung cấp dịch vụ CTXH; xây dựng các mô hình cung cấp dịch vụ CTXH tại cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, trường giáo dưỡng, hệ thống tư pháp, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế… Đến nay, tại các đơn vị như Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp Bắc Giang; Cơ sở chăm sóc Người tâm thần tỉnh đã tổ chức tốt các hoạt động CTXH trong nuôi dưỡng, chăm sóc, tư vấn, hỗ trợ tâm lý, phục hồi chức năng cho đối tượng. Hầu hết các bệnh viên, cơ sở y tế đều thành lập phòng/tổ CTXH. Các cán bộ CTXH ở bệnh viện không chỉ hỗ trợ bệnh nhân, mà còn hỗ trợ thầy thuốc giảm bớt áp lực công việc, nâng cao hiệu quả điều trị, chất lượng dịch vụ. Họ đảm nhiệm vai trò cầu nối giữa người bệnh và bác sĩ, giúp người bệnh yên tâm, tăng sự hài lòng khi sử dụng dịch vụ y tế. Ngoài ra, những người làm CTXH còn thường xuyên hỗ trợ bệnh nhân già yếu, neo đơn, tàn tật khi đến khám bệnh và tiếp nhận các hình thức tài trợ như: phát cơm, cháo, sữa, bánh mì - bánh bao, tiền mặt… cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Mạng lưới cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH ở các xã, phường, thị trấn cũng ngày càng hoàn thiện. Các nhân viên, cộng tác viên CTXH ở cơ sở thường xuyên đến từng hộ gia đình để lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, những khó khăn cũng như nhu cầu đối tượng cần được trợ giúp để xây dựng kế hoạch giải quyết từng vướng mắc của những người yếu thế. Đồng thời, tích cực kết nối, vận động các tổ chức thiện nguyện, các nhà hảo tâm ủng hộ cả về vật chất và tinh thần, giúp họ ổn định cuộc sống.
Việc triển khai rộng khắp các hoạt động CTXH trên địa bàn tỉnh, đã mở ra cơ hội trợ giúp tới nhiều đối tượng yếu thế trong xã hội, như: Người nghèo, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật, người tâm thần, rối nhiễu tâm trí... giúp họ giải quyết các khó khăn, từng bước tự vươn lên trong cuộc sống./.
Minh Hưng
Từ khóa:
-
Huyện Phú Bình: Tích cực, chủ động thực hiện chính sách ưu đãi người có công
10-01-2025 19:53 53
-
Quảng Nam: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt 58%
10-01-2025 19:53 48
-
BHXH TP.HCM không tổ chức làm việc ngoài giời vào sáng 11/1/2024
10-01-2025 19:53 38
-
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
09-01-2025 12:18 09
-
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
09-01-2025 12:13 45
-
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
09-01-2025 08:39 32
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46