Bắc Giang: Thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số
(LĐXH) – Các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã và đang thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); từng bước thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới người DTTS tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống (45 thành phần DTTS) với 257 nghìn người (chiếm 14,26% số dân toàn tỉnh), tập trung tại 73 xã và 20 thôn, bản thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, Bắc Giang đã và đang thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho vùng đồng bào DTTS và miền núi như: Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ tín dụng cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn... Qua đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái vùng đồng bào DTTS; từng bước thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới người DTTS tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
ở thôn Hồ Lương, xã Bảo Sơn (Lục Nam).
Tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2022-2030, với mục tiêu đến năm 2025 đạt 50% và đến năm 2030 đạt 60% cơ quan làm công tác dân tộc từ tỉnh đến huyện có lãnh đạo chủ chốt là nữ; Tăng tỷ lệ lao động nữ dân tộc thiểu số làm công hưởng lương lên đạt 40% vào năm 2025 và khoảng 50% vào năm 2030. Giảm tỷ lệ lao động nữ dân tộc thiểu số làm việc trong khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản xuống 50% vào năm 2025 và dưới 30% vào năm 2030. Tỷ lệ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã là nữ dân tộc thiểu số đạt ít nhất 5% vào năm 2025 và 10% vào năm 2030 .
Trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới: Giảm tỷ lệ nữ dân tộc thiểu số làm các công việc “Lao động gia đình không hưởng lương” xuống 40% vào năm 2025 và 30% năm 2030; Tối thiểu 60% số vụ bạo lực trên cơ sở giới của các nhóm dân tộc thiểu số được phát hiện và được tư vấn hoặc tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; Từ năm 2025 trở đi, 100% số nạn nhân người dân tộc thiểu số bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng.
Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế có sử dụng thẻ bảo hiểm của phụ nữ dân tộc thiểu số trong khám chữa bệnh lên 98% năm 2025 và 100% năm 2030; Tăng tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai phụ nữ dân tộc thiểu số từ 15 - 49 tuổi lên 70% vào năm 2025, 80% vào năm 2030; Nội dung về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống các trường dân tộc nội trú đạt 100% từ năm 2025 trở đi; Đảm bảo giữ vững tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học đạt 100% đến năm 2030; tỷ lệ hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt 99% vào năm 2025 và 99,3% vào năm 2030…
Kế hoạch cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu, cụ thể như: Cơ quan công tác dân tộc tích cực tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành đoàn thể về lĩnh vực bình đẳng giới; các Sở, ngành, UBND huyện tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong việc nâng cao nhận thức về bình đẳng giới nhất là vai trò của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định về bình đẳng giới.
Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nội dung về bình đẳng giới cho đối tượng là đồng bào sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi với nhiều nội dung, hình thức, cách làm sáng tạo, phong phú phù hợp với trình độ, lứa tuổi, tập quán từng vùng, từng đối tượng.
Phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín trong công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và phát huy các phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc góp phần thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới.
Lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đặc biệt là dự án có liên quan đến phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số và bình đẳng giới, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, công tác phát triển gia đình.
Bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực về bình đẳng giới cho đội ngũ làm công tác dân tộc, làm công tác liên quan đến bình đẳng giới ở tỉnh và cơ sở. Hằng năm, triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15/11 đến ngày 15/12.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình về bình đẳng giới. Huy động các nguồn lực từ cộng đồng, các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước tham gia thực hiện các hoạt động về bình đẳng giới tại vùng dân tộc thiểu số. Tổ chức kiểm tra, khảo sát, đánh giá thực trạng bình đẳng giới và công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến bình đẳng giới.../.
Minh Hưng
Từ khóa:
-
Những hình ảnh xấu xí ngày tiễn ông Táo chầu trời
22-01-2025 15:32 46
-
Xuân về trao yêu thương – Tết đong đầy cùng LC Foods
22-01-2025 15:32 36
-
Doanh nhân Nguyễn Thị Phương: Bí quyết thành công nằm ở cái tâm và sự tử tế
22-01-2025 13:32 14
-
Từ 1/7, người đủ 75 tuổi sẽ nhận trợ cấp hưu trí 500.000 đồng/tháng
21-01-2025 09:12 36
-
Nestlé Việt Nam trao tặng hơn 17.000 sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025
21-01-2025 06:04 09
-
Chuyến xe yêu thương dành cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
21-01-2025 06:03 43
English Review
Economic recovery is losing steam, new ILO report says
English Review | 22-01-2025 09:10 31