Bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển bền vững
(LĐXH) Ngày 22/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức chương trình “Diễn đàn An ninh năng lượng cho phát triển bền vững”, nhằm triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030.
Tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết: Việc đảm bảo an ninh năng lượng trên phương diện quốc gia chính là sự duy trì liên tục, ổn định và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng năng lượng với mức giá cả chấp nhận được đối với quốc gia đó. Trong đó, các vấn đề về giá cả và sự đa dạng về nguồn cung cấp là những yếu tố có tính quyết định đến an ninh năng lượng, xét trên góc độ lợi ích quốc gia.
Đối với Việt Nam, bảo đảm an ninh năng lượng được xác định là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm: “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Đồng thời, Nghị quyết đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Ngày 30/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 136 về phát triển bền vững, trong đó mục tiêu số 7 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 có nội dung về bảo đảm an ninh năng lượng, cụ thể: "Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người".
Bộ Công Thương cho biết, thực tiễn phát triển năng lượng quốc gia từ năm 2007 đến nay cho thấy, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức, như các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, cơ cấu đang bị mất cân đối, áp lực phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn.
Một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi, bao gồm các chỉ tiêu như: Tỷ số trữ lượng và sản xuất than, dầu và khí tự nhiên ngày càng giảm; Sự phụ thuộc vào nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên ngày càng tăng; Tỷ trọng chi phí nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên trong tổng thu nhập quốc nội ngày càng tăng.
Từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng và xu hướng này ngày càng tăng lên nhanh trong dài hạn; các mối đe dọa liên quan đến an ninh năng lượng ngày càng lớn.
Nguyên nhân chủ yếu là do tài nguyên năng lượng sơ cấp về thủy điện về cơ bản đã khai thác hết; sản lượng dầu và khí ở một số mỏ lớn sau thời gian dài khai thác đã suy giảm nhanh, việc phát triển mỏ mới trên Biển Đông gặp nhiều khó khăn; tuy trữ lượng than còn nhiều nhưng chưa khai thác triệt để do công nghệ còn lạc hậu và điều kiện khai thác ngày càng khó khăn làm tăng giá thành; một số dự án nguồn điện chưa đưa vào vận hành do chậm tiến độ và chậm khởi công so với quy hoạch, hoặc dừng triển khai; chưa có một chiến lược và chính sách cụ thể rõ ràng để bảo đảm khả năng tiếp cận được các nguồn năng lượng có khả năng cung cấp dài hạn, có độ tin cậy cao, giá thành hợp lý; giá năng lượng còn chưa theo cơ chế thị trường; khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế chưa chú trọng đúng mức đến vấn đề cung cấp năng lượng dẫn đến hệ số đàn hồi năng lượng cao…
Thực tế, Việt Nam hiện nay mới bắt đầu nghiên cứu có tính tổng thể về bài toán đánh giá mức độ đảm bảo an ninh năng lượng. Trong điều kiện hệ thống năng lượng cũng như nền kinh tế Việt Nam có những đặc điểm riêng, cần thiết phải xây dựng cơ sở phương pháp luận và mô hình mô phỏng hệ thống năng lượng Việt Nam với các dấu hiệu phù hợp với điều kiện tự nhiên và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp đánh giá mức độ đảm bảo an ninh năng lượng được xây dựng bởi các tổ chức và các nước khác nhau, tùy thuộc vào đặc thù của từng quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hầu hết các ý kiến cho rằng, để có thể đảm bảo cho bài toán an ninh năng lượng quốc gia, phát triển bền vững, rất cần thiết phải gia tăng các nguồn năng lượng tái tạo vào cơ cấu nguồn điện. Đặc biệt, theo các chuyên gia, cần thiết có thể lập các dự án thực hiện chuyển một số nhà máy từ đốt than sang đốt kèm sinh khối hoặc chuyển từ đốt than sang đốt hoàn toàn bằng sinh khối... để có thể giảm thiểu những nguy cơ về ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, trong rất nhiều các giải pháp được đưa ra nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong dài hạn, các diễn giả đặc biệt nhấn mạnh đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương khẳng định, đối với các nền kinh tế mới nổi cũng như đang phát triển như Việt Nam cần phải chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng bền vững hơn.
Khánh Linh
Từ khóa:
-
ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu
20-11-2024 14:38 12
-
NAPAS, Mastercard và Payoo tung ưu đãi khuấy động mùa khuyến mãi cuối năm
20-11-2024 14:36 42
-
Thách thức từ xu hướng mới trong nền kinh tế số
19-11-2024 16:16 32
- Biến đổi khí hậu khiến vận hành hồ chứa thủy lợi gặp nhiều thách thức
- Dulux Professional đánh dấu năm thứ 8 đồng hành và thúc đẩy phát triển bền vững cùng giải thưởng BĐS Việt Nam PropertyGuru
- Dai-ichi Life Việt Nam vinh dự đạt danh hiệu “Doanh nghiệp vì cộng đồng - Saigon Times CSR” lần thứ 6 liên tiếp
-
Tổng cục Hải quan ban hành chỉ thị về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong khi thi hành công vụ
12-11-2024 17:26 47
-
Gian hàng của Liên minh châu Âu (EU) tại Triển lãm Vietnam Foodexpo 2024 trưng bày hơn 200 thực phẩm xuất sắc của EU
11-11-2024 18:48 09
-
Kinh doanh trong môi trường đa văn hóa
11-11-2024 11:03 32