Xã hội
Vẫn còn bạo lực gia đình xảy ra
03:56 PM 14/11/2019
(LĐXH) – Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng và chính quyền tại TP.HCM rất quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới (BĐG), xem đây là một trong những mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển của địa phương. Cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội, đến nay nhiều thành tựu về BĐG đã từng bước được khẳng định. Đặc biệt ,Luật BĐG và các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ đang từng bước được thực hiện có hiệu quả.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực gia đình (BLGĐ) tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố, số vụ bạo hành gia đình gây hậu quả nghiêm trọng có chiều hướng tăng cao, tình trạng xúc phạm danh dự, nhân phẩm và tính mạng của con người xảy ra hàng ngày, chủ yếu với phụ nữ và trẻ em.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực, tuy nhiên BLGĐ thường là do người chồng “khởi xướng”. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến BLGĐ là do lạm dụng rượu bia (63,7%) và các tệ nạn xã hội khác như cờ bạc, nghiện ma túy, ngoại tình, ghen tuông, thiếu hiểu biết pháp luật, kinh tế khó khăn. 

Theo kết quả khảo sát về thực trạng BLGĐ đối với phụ nữ, có tới 34% phụ nữ đã từng kết hôn phải chịu bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục; 54% phụ nữ đã từng trải qua lạm dục tinh thần từ người chồng của mình tại một số thời điểm trong cuộc đời; 50% phụ nữ bị BLGĐ không nói với bất kỳ ai và 87% phụ nữ đã bị bạo lực thể xác hoặc tình dục không kiếm sự giúp đỡ từ các dịch vụ công.

Theo báo cáo từ Phòng Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM), tính từ tháng 9/2015 đến nay, TP.HCM đã xảy ra hàng trăm vụ bạo lực gia đình, người gây ra chủ yếu là nam giới, trong đó có nhiều vụ phải xử lý hình sự. Để có cái nhìn rõ hơn và khái quát hơn về tình trạng BLGĐ đang là một thực trạng nhức nhối trong xã hội hiện nay thì theo Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn - Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Lao động và Xã hội - Cơ sở 2 cho rằng: “Hiện nay vấn đề bạo lực vẫn còn tồn tại nhiều trong xã hội Việt Nam, trong đó có bạo lực xuất phát từ yếu tố giới. Và nguyên nhân cũng có thể xuất phát từ nhiều nơi khác nhau như: Gia đình, nơi làm việc, nơi học tập… Xã hội vẫn còn nhiều người chịu ảnh hưởng của những lối suy nghĩ cũ như trọng nam khinh nữ và đánh giá vai trò của con người dựa trên giới tính. Chính những suy nghĩ như vậy dẫn đến những suy nghĩ, thái độ và hành vi trái với những chuẩn mực xã hội đã được số đông xã hội thừa nhận. Chúng ta thấy đâu đó xung quanh vẫn còn những vụ bạo lực mà nạn nhân chính là những người phụ nữ hay các trẻ em gái.  Và chúng ta thường dễ dàng nhìn thấy bạo lực gia đình thông qua hình thức bạo lực thể chất, nhưng hiện nay chúng ta nên chú ý hơn đến bạo lực về tinh thần (loại bạo lực này khó thấy và dễ che dấu). Trong gia đình, việc coi trọng con trai cũng ảnh hưởng đến tâm lý của các bé gái, việc đầu tư cho các bé trai cũng tác động không nhỏ đến suy nghĩ, nhận thức, thái độ và hành vi cả các bé gái.

Tuy nhiên, điều mà tôi muốn đề cập ở đây là chúng ta có thể khẳng định bạo lực giới vẫn tồn tại nhưng chúng ta cần có cái nhìn tích cực hơn về vấn đề này. Thực tế là bạo lực giới xuất phát từ nguyên nhân lớn nhất là nhận thức, tuy nhiên hiện nay nhận thức đã thay đổi. Trước đây mỗi gia đình đều muốn sinh con trai, song hiện nay nó không còn quá phổ biến, nghĩa là có sự thay đổi lớn trong nhận thức về giới của xã hội. Chính điều này đem lại sự BĐG thực chất ( ko chỉ là hình thức).

Bên cạnh đó, sự đóng góp lớn của chính phụ nữ, chính sự thành công và sự khẳng định bản thân ở tất cả lĩnh vực trong xã hội đã đưa đến một góc nhìn khác về họ. Họ đã khẳng định mình không phải “phụ” như những định kiến xã hội đã gán cho họ. Khi vai trò được khẳng định thì cùng với đó những biểu hiện tiêu cực áp đặt lên họ cũng sẽ phải thay đổi hoặc chấm dứt, một trong những biểu đó chính là bạo lực. Với sự thay đổi như vậy, trong tương lai không xa chúng ta tin rằng bạo lực giới  chỉ còn là những hiện tượng hiếm trong xã hội.

Ở trường chúng tôi thì vấn đề BĐG được thể hiện rất đảm bảo. Điều này thể hiện qua những con số như tỷ lệ lãnh đạo quản lý là nữ chiếm tỷ lệ không nhỏ. Các chính sách vè bồi dưỡng nâng cao  trình độ cho cán bộ nữ và nam cũng không khác nhau ( nữ còn được áp dụng một số chính sách đặc thù). Đời sống về tinh thần và vật chất  của chị em cũng rất được quan tâm thông qua các chính sách, phúc lợi nhà trường áp dụng cho chị em phụ nữ.

Và để nam giới cũng hiểu và chia sẻ được việc chăm con nhỏ thì khi vợ sinh con nên chăng nam giới cũng được nghỉ làm theo thời gian đã được quy định trong Bộ luật Lao động sữa đổi năm 2012 để tham gia vào chăm sóc con nhỏ. Trong lĩnh vực giáo dục (làm giáo viên) nên chăng tăng độ tuổi nghỉ hưu cho nữ giới vì ở độ tuổi này họ còn khỏe và có thể cống hiến được nhiều (đăc biệt là những chuyên gia có chuyên môn).

Còn theo Thạc sỹ Trần Kim Tuyền – Phó Hiệu trưởng, Trường Cao đẳng nghề TP.HCM: Xét về hình thức bạo lực gia đình thì nên hiểu là loại hình bạo lực kiểu nào, bạo lực tay chân hay bạo lực tinh thần. Với tâm lý, truyền thống, thói quen của người Việt, thì vấn đề bạo lực giữa cha mẹ với con cái được xã hội chấp nhận và khá phổ biến. Có thể dễ dàng nhận thấy đó là những hành động “dạy bảo” con cái xuất phát từ quan niệm gọi là “Thương cho roi cho vọt. Ghét cho ngọt cho bùi” và giáo dục thì cần phải nghiêm khắc. Rất nhiều ông bố, bà mẹ coi việc đánh đập, chửi mắng con cái khi chúng mắc lỗi là cần thiết, hay coi việc mạt sát, trách móc là động lực để chúng phấn đấu.

Còn về hình thức bạo lực tinh thần, đây là loại hình bạo lực mới mà ở đó nạn nhân có thể bị phải chịu các kiểu hành hạ như chửi mắng, hạ nhục với những lời lẽ thô thiển, nặng nề xâm phạm đến nhân phẩm và danh dự. Nhiều gia đình nếu như đang xảy ra "Chiến tranh lạnh” thì mức độ sẽ gia tăng hơn, nghĩa là người chồng tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt, vô trách nhiệm đối với người vợ, thậm chí đem so sánh với người phụ nữ khác.  Điều này  khó phát hiện và diễn ra lặng lẽ, không có đánh đập, xô xát hay chửi bới sỉ nhục ầm ĩ nên không gây được sự chú ý của nhiều người.

Bên cạnh đó, vấn đề chọn giới tính con cái cũng là nguyên nhân dẫn đến BLGĐ hiện nay. Nhiều gia đình vẫn ưu tiên chọn giới tính nam để sau này nỗi dõi tông đường, những suy nghĩ đó nếu không trở thành hiện thực sẽ dẫn đến những xung đột trong gia đình với nhau. Vẫn đề “ trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại quan điểm đó, thí dụ cùng một gia đình thôi, thì thường vẫn thương con trai út hơn là gái út. Nên xét về góc độ nào đó thì vẫn đề BĐG vẫn còn có sự chênh lệch và không bình đẳng như nhau được.

Theo thầy Đinh Quốc Anh -  Giảng viên khoa Công tác Xã hội, Trường Cao đẳng kinh tế TP.HCM: Hiện nay, BLGĐ lại xảy ra ở những cặp vợ chồng trẻ nhiều hơn. Nguyên nhân có thể là do áp lực công việc, áp lực về gia đình, về cuộc sống dẫn đến nhiều hành vi không được chuẩn mực cho lắm.

Cũng theo thầy Anh thì hiện nay bạo lực về tinh thần nhiều hơn là bạo lực về thể xác. Bạn có thể nhìn thấy, ngày nay về mặt công nghệ thông tin khá là phổ biến và phát triển, vì vậy mà nhiều cặp vợ chồng hiện nay chủ yếu là dựa vào các loại hình mạng công nghệ để nói chuyện với nhau, về nhà lại ít trao đổi và hạn chế giao tiếp với nhau. Và hệ quả là làm cho những đứa con trong gia đình không có sự gắn kết cũng như tiếp xúc với bố mẹ.

Vì vậy,  trong gia đình vợ chồng với nhau nên có cùng tiếng nói chung với nhau, ví dụ như vấn đề về kinh tế thì vợ chồng nên cùng nhau chia sẻ, không nên đặt nặng ai là người làm ra kinh tế, vợ chồng nên ngồi lại với nhau cùng nhau chia sẻ về vấn đề công việc, về vấn đề lo cho con cái như vậy sẽ làm giảm đi áp lực công việc nhiều hơn. Ngoài ra, công tác tuyên truyền sẽ góp phần định hướng hành vi của mỗi người, người có hành vi bạo lực có thể nhận thức được tính chất, hậu quả của hành vi để tự kiềm chế tốt hơn; những người xung quanh biết được trách nhiệm tham gia phòng chống bạo lực gia đình và có ứng xử phù hợp./.

Vương Linh

 

 

Từ khóa: