Xã hội
Báo Thái Nguyên đẩy mạnh truyền thông về nghề công tác xã hội
09:08 AM 27/11/2017

(LĐXH)- Trong những năm qua, Thái Nguyên luôn coi trọng công tác tuyên truyền về nghề CTXH, đặc biệt trên cơ quan báo chí.
So với thế giới, CTXH là một nghề “non trẻ” ở nước ta và được đánh dấu bởi mốc quan trọng, đó là việc Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25-3-2010, phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020. Đối với Thái Nguyên, UBND tỉnh đã thành lập Trung tâm CTXH Thái Nguyên trên cơ sở đổi tên, bổ sung chức năng, nhiệm vụ và tổ chức lại từ Trung tâm CTXH trẻ em tỉnh Thái Nguyên.
Trung tâm có nhiệm vụ cung cấp và kết nối các dịch vụ xã hội nhằm can thiệp, trợ giúp các đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp, như người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí, người nhiễm HIV/AIDS, người nghèo, trẻ em, nạn nhân của phân biệt đối xử về giới; người nghiện ma túy, người bán dâm, người sau cai nghiện và các đối tượng khác. Đồng thời, bổ sung thêm nhiệm vụ cho cơ sở bảo trợ xã hội hoạt động theo mô hình cung cấp dịch vụ CTXH đối với người già, người tâm thần, bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng để tham gia nghề công tác xã hội.
Hình ảnh cán bộ Trung tâm CTXH tỉnh đang tư vấn cho cha mẹ trẻ về phương pháp trị liệu
Sau 6 năm hoạt động, Trung tâm CTXH tỉnh - đơn vị làm CTXH chuyên nghiệp đầu tiên và duy nhất trên địa bàn tỉnh đã tư vấn về y tế, hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề… cho trên 20 nghìn trường hợp; cung cấp dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho 3,5 nghìn trường hợp, trong đó hỗ trợ khẩn cấp cho 115 trường hợp nạn nhân bạo hành gia đình, xâm hại tình dục, người có hoàn cảnh đặc biệt. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã tổ chức các buổi truyền thông phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hạn tình dục, bạo hành cho hàng chục nghìn học sinh trên địa bàn tỉnh.
Đối với riêng người có sức khỏe tâm thần, tỉnh có Trung tâm Trung tâm Điều dưỡng và phục hồi chức năng Tâm thần kinh Thái Nguyên, là đơn vị sự nghiệp (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) có chức năng tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng tâm thần kinh cho người bệnh tâm thần phân liệt mãn tính trên địa bàn. Ngoài hai đơn vị trên, tỉnh Thái Nguyên còn có Trung tâm Bảo trợ xã hội và trường giáo dục, hỗ trợ trẻ em thiệt thòi là những đơn vị tiêu biểu trong CTXH.
Lực lượng làm CTXH trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn người bao gồm các cán bộ thuộc cán đơn vị có nhiệm vụ CTXH và gần 3,5 nghìn cộng tác viên bảo vệ chăm sóc trẻ em, trên 2,7 nghìn cộng tác viên dân số… Trong những năm qua, lực lượng này đã thực hiện trợ giúp cho hàng chục nghìn lượt nạn nhân bạo hành, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật…
Trong những năm qua, Thái Nguyên luôn coi trọng công tác tuyên truyền về nghề CTXH, đặc biệt trên cơ quan báo đảng là Báo Thái Nguyên. Nhà Báo Đỗ Thị Thìn, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên cho biết: Báo Thái Nguyên luôn coi trọng công tác truyền thông, tuyên truyền về CTXH, tuyên truyền về phát triển nghề CTXH nói chung và nghề CTXH đối với người có sức khỏe tâm thần nói riêng. Trung bình, mỗi năm, tòa soạn có gần 100 tác phẩm về đề tài này đăng tải trên Báo Thái Nguyên in và Báo Thái Nguyên điện tử.
Nhà báo Đỗ Thị Thìn, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên
Để thực hiện được kết quả trên, Báo Thái Nguyên đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về CTXH; bám sát những hoạt động của các địa phương, cơ sở trong tỉnh để tuyên truyền giúp cho công chúng có thêm kiến thức về CTXH và nghề CTXH. Các sự kiện lớn hàng năm về CTXH hoặc liên quan đến CTXH như: Ngày Công tác xã hội 25/3; Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6; Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10; Ngày Khuyết tật Việt Nam 18/4… đã được Báo quan tâm, tuyên truyền cả trước, trong và sau sự kiện. Qua đó, đã giúp cho hàng triệu độc giả của Báo Thái Nguyên tiếp cận với những thông tin mới về CTXH và nghề CTXH.
Trên Báo Điện tử, ngoài những bài viết từ nguồn báo giấy, các phóng viên đã thực hiện nhiều tác phẩm báo chí đa phương tiện độc lập xuất bản riêng trên Internet. Nhiều phóng sự truyền hình về CTXH và nghề CTXH được đăng tải trên Báo Điện tử thời gian qua đã không chỉ cung cấp thông tin mà còn cung cấp hình ảnh trực quan, âm thanh trung thực tại hiện trường giúp cho độc giả dễ dàng tiếp cận thông tin.
“Có thể khẳng định Báo Thái Nguyên những năm qua đã bám sát nhiệm vụ chính trị và đa dạng hóa phương thức chuyển tải thông tin tới công chúng về CTXH và nghề CTXH. Báo không chỉ là một kênh thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về vai trò, tầm quan trọng của nghề CTXH với sự phát triển xã hội, mà còn là cầu nối đưa chính sách, chế độ mới đi vào cuộc sống. Qua các tác phẩm báo chí đăng tải, Báo Thái Nguyên cũng đã làm rõ thêm những tồn tại trong CTXH và nghề CTXH qua đó, thúc đẩy các địa phương, cơ quan chức năng tăng cường những hoạt động cụ thể, thiết thực để bảo đảm thực hiện tốt các chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh” - nhà báo Đỗ Thị Thìn khẳng định.
Về một số giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền về nghề CTXH trong thời gian tới, nhà báo Đỗ Thị Thìn cho biết Báo Thái Nguyên sẽ tâp trung vào một số nội dung như tăng cường tuyên truyền các tập thể, cá nhân điển hình thực hiện tốt CTXH qua đó nêu gương để đông đảo công chúng học tập, làm theo.
Chú trọng tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Pháp luật của nhà nước về CTXH đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền về Đề án 32 và Đề án 1215 trên Báo Thái Nguyên. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị CTXH và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng chuyên mục, chuyên đề, phóng sự về CTXH, nghề CTXH trên báo Thái Nguyên in và Báo Thái Nguyên điện tử.
Bên cạnh đó, tiếp tục đa dạng hóa hình thức và nội dung tuyên truyền về nghề CTXH trên báo Thái Nguyên in và Báo Điện tử; đưa tin chính xác, thường xuyên và kịp thời. Tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về công tác truyền thông nghề CTXH đối với các nhà báo, phóng viên được phân công theo dõi mảng CTXH và phóng viên khác trong Tòa soạn./.
Hồng Minh
Từ khóa: