Xã hội
TP.HCM: Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
06:21 PM 19/02/2025
(LĐXH) - Sáng 19/2/2025, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM tổ chức Hội nghị giao ban mạng lưới đối tác năm 2025. Cùng với đó, công bố và triển khai Quyết định của UBND TP.HCM về Dự án “Kết nối và cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn TP.HCM”.

Ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, phát biểu tại hội nghị 

Theo đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, dự báo năm 2025 mạng lưới bảo vệ trẻ em sẽ chịu một số tác động lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác điều hành, tổ chức chỉ đạo và triển khai các hoạt động bảo vệ trẻ em do việc kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy tổ chức. Đặc biệt là sự thay đổi cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em từ trung ương xuống tới cơ sở.

Việc thay đổi bộ máy, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan sẽ đồng thời có sự điều chỉnh và ban hành mới các quy định, văn bản, thủ tục hành chính có liên quan; một số Trung tâm công tác xã hội, trung tâm hỗ trợ xã hội được sáp nhập, sắp xếp, kiện toàn lại nên cần có thời gian ổn định và thích nghi.

Theo đó, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, việc triển khai Quyết định của UBND Thành phố về Dự án “Kết nối và cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn TP.HCM” nhằm đẩy mạnh hoạt động cho các nhóm đối tượng ưu tiên như: Trẻ trong các lớp hoặc trường tình thương; trẻ em lang thang kiếm sống, trẻ em lao động sớm; trẻ cần phải can thiệp và hỗ trợ khẩn cấp, trẻ có nguy cơ bị buôn bán… và các chương trình can thiệp cho trẻ em giai đoạn đầu đời (thuộc diện khó khăn). 

Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM triển khai Dự án “Kết nối và cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn TP.HCM”. 

Trong đó, trọng tâm thực hiện các hoạt động khảo sát, đánh giá thực trạng cơ cầu và năng lực hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ bảo vệ quyền trẻ em; tăng cường tập huấn, nhất là chính sách mới, chính sách sắp ban hành về công tác bảo vệ trẻ em, các hoạt động truyền thông, thông tin liên quan đến trẻ em. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ nâng cao năng lực hệ thống mạng lưới bảo vệ trẻ em, trong đó ưu tiên hình thành, duy trì các hoạt động cho mạng lưới chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em; tăng cường công tác phối hợp giữa các dự án với nhau và phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, các trung tâm công tác xã hội, trung tâm hỗ trợ xã hội; tổ chức hoạt động vui chơi, kết hợp chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhân các dịp lễ Tết trong năm 2025….

Dự án góp phần từng bước hướng đến mục tiêu giúp nâng cao hiệu quả công tác can thiệp, trợ giúp cho các nhóm trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt với trọng tâm là giáo dục, qua đó giúp các em phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần.

Theo ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, dự án bao gồm các hoạt động hỗ trợ thân cho trẻ hiện đang theo học tại các lớp/trường tình thương trên địa bàn thành phố về thực phẩm, dinh dưỡng, bảo hiểm y tế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ; hỗ trợ khẩn cấp về sức khỏe bị bệnh hiểm nghèo, có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cần phải điều trị dài ngày; hỗ trợ về tâm lý, pháp lý, giấy tờ tùy thân cho trẻ gặp khó khăn.

Dự án cũng hỗ trợ bảo hiểm y tế và công tác phí thực hiện hoạt động vãng gia hàng tháng cho giáo viên tại các lớp/trường tình thương trên địa bàn thành phố; hỗ trợ chi phí học tập, trang thiết bị và phương tiện học tập, bảo hiểm y tế, đồng phục... cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (ngoài các lớp/trường tình thương trên địa bàn thành phố); tổ chức tập huấn cho giáo viên về các nội dung liên quan đến công tác bảo vệ trẻ em; các hoạt động truyền thông về bảo vệ trẻ em cho trẻ và người chăm sóc trẻ… Ngoài ra, dự án còn tổ chức hội nghị, hội thảo nhằm kết nối mạng lưới hỗ trợ; triển khai mô hình đồng hành với trẻ và gia đình thuộc đối tượng của dự án theo hình thức quản lý ca, quản lý trường hợp qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác can thiệp và trợ giúp; tổ chức các hoạt động gặp gỡ và tuyên dương đối với các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã có sự cố gắng và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, đạt được những thành tích tốt trong học tập và rèn luyện….

 

Trương Đăng