Bệnh tâm thần: Chỉ mới “chống” mà chưa lo “phòng”
(LĐXH)-Việc phát hiện sớm cũng như phòng ngừa bệnh tâm thần chưa được coi trọng, chỉ khi bệnh nặng hoặc hậu quả đau lòng xảy ra thì mọi người mới giật mình nhìn lại những triệu chứng trước đó.
Hiện nay, tại Việt Nam, số người bị rối nhiễu tâm trí ước tính khoảng 10% dân số, tương đương gần 9 triệu người, trong đó số người tâm thần nặng ước tính 2,5% số người rối nhiễu tâm trí (tương đương 300 ngàn người). Các dạng bệnh tâm thần và rối nhiễu tâm trí thường gặp như: Tâm thần phân liệt, chứng động kinh, trầm cảm, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật thần kinh, tổn thương não, lạm dụng rượu, nghiện ma túy… Nếu như ở những bệnh khác, người bệnh lập tức được đưa tới bệnh viện để chữa trị thì ngược lại, những người mắc các bệnh tâm thần thường ít được lưu tâm...
Sức khỏe tâm thần không được coi trọng bằng sức khỏe thể chất
“Chắc chúng ta vẫn còn nhớ hồi tháng 6/2017, tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội, một phụ nữ đã ra tay sát hại con đẻ vừa tròn 33 tháng tuổi của mình. Theo lời khai tại cơ quan điều tra thì vào rạng sáng, người mẹ tỉnh dậy thấy đau đầu, có cảm giác như có ai nhập vào người và mất kiểm soát. Sau đó chị bế cháu bé từ phòng ngủ ra gần cầu thang lối lên tầng 2 của gia đình thả cháu vào chậu nước thường tắm cho con. Cơ quan điều tra bước đầu xác định, nguyên nhân dẫn tới vụ việc là do người mẹ bị trầm cảm nặng sau sinh nên có những suy nghĩ tiêu cực”.
Câu chuyện về người mẹ trẻ sát hại con khiến dư luận bàng hoàng về hậu quả của chứng trầm cảm sau sinh
Dẫn lại câu chuyện đau lòng này, bà Nguyễn Thị Y Duyên, chuyên gia Bảo vệ trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) nhấn mạnh: “Trầm cảm nói chung, trầm cảm sau sinh nói riêng, thực chất không phải là bệnh hiếm gặp, nhưng chúng ta chưa thực sự quan tâm đúng mức. Thường đến khi sự việc đã rồi, người ta mới giật mình về những dấu hiệu của bệnh mà nếu biết trước có thể phòng tránh được. Đã không ít trường hợp người bị trầm cảm đã ra tay sát hại người thân, muốn nhiều người cùng chết theo mình do họ bế tắc, không tìm được sự trợ giúp để tháo gỡ kịp thời”.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm chiếm khoảng 15% trong 3 tháng đầu và 15 - 25% trong 12 tháng sau sinh. Tuy nhiên, các biểu hiện trầm cảm ban đầu thường không được gia đình ghi nhận và để ý. Về cơ bản, trầm cảm sau sinh là tình trạng rối loạn cảm xúc tiêu cực, liên quan đến những suy nghĩ, cảm giác mệt mỏi, buồn chán và lo lắng xuất hiện sau sinh. Dạng trầm cảm này có thể nhẹ, vừa hoặc nặng, có thể thoáng qua hoặc kéo dài, thậm chí có thể không tự hết nếu không có biện pháp can thiệp. Do đó, phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời triệu chứng trầm cảm có thể ngăn ngừa được những hậu quả đáng tiếc.
“Nếu những người thân của bà mẹ kia biết được những triệu chứng trầm cảm của chị, họ có thể chia sẻ, động viên, tư vấn để chị ấy thấy vui vẻ, lạc quan thì có thể sự việc đã khác” - bà Y Duyên nói.
Theo bà Y Duyên, hiện nay sức khỏe tâm thần không được coi trọng bằng sức khỏe thể chất, trong khi rối loạn tâm lý và hành vi rất phổ biến, ảnh hưởng đến hơn 25% dân số thế giới ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ. “Ở Việt Nam, đầu tư cho hạ tầng, đường xá rất tốt nhưng đầu tư cho tâm lý xã hội thì hiện chưa được quan tâm đúng mức. Theo tôi, đầu tư cho dịch vụ xã hội đối với sức khỏe tâm thần cần song song với hạ tầng phát triển kinh tế, bởi kinh tế phát triển sẽ kèm theo gánh nặng về mặt tâm lý và vấn đề rối loạn sức khỏe tâm thần. Do đó, về lâu dài chúng ta cần phải cân bằng điều đó. Bài học từ những quốc gia thịnh vượng như Hàn Quốc, Nhật Bản, trước áp lực của cuộc sống, đã có rất nhiều người tìm đến cái chết để chấm dứt stress kéo dài” - bà Y Duyên chia sẻ thêm.
Làm thế nào để ngăn ngừa “bệnh tâm thần”?
Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, không phải cứ người “tay nhạt lá, chân đá ống bơ” mới là người tâm thần. Mỗi con người khi gặp một sang chấn nào đó, ranh giới giữa trạng thái tâm lý bình thường với trạng thái tâm thần nhiều khi rất mong manh. Đặc biệt, với những trí thức làm việc căng thẳng, thường nhạy cảm hơn, ít có khả năng “đề kháng” với các sang chấn tâm lý. Nếu không gặp được những liệu pháp tâm lý kịp thời, người thân thờ ơ thì có thể dẫn đến bệnh tâm thần, thậm chí là hành vi tự tử.
Bệnh tâm thần có thể tránh được nếu biết cách dự phòng, sống tích cực
BS.ThS Vũ Công Nguyên, Phó viện trưởng, Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển cũng nhấn mạnh, mỗi người cần nhận thức được những biểu hiện của trầm cảm để có biện pháp ngăn ngừa kịp thời. Theo đó, một người có khả năng cao mắc trầm cảm khi cảm thấy chán chường, mệt mỏi mất hết năng lượng (mà chẳng mắc bệnh gì), chẳng muốn làm gì kể cả hoạt động yêu thích nhất; cảm thấy vô cùng chán nản về bản thân, cảm thấy bế tắc, không hy vọng gì vào tương lai và nghĩ rằng chẳng bao giờ có thể thoát khỏi trạng thái thất bại này và chỉ muốn chết đi cho xong.
Các chuyên gia lưu ý “không để stress kéo dài”. Bởi hiện nay, với những lo toan trong cuộc sống, nhiều người đã bị hiện tượng stress gây nên những rối loạn về thể chất và tinh thần. Stress ảnh hưởng tới sức khỏe của toàn cơ thể, mặt khác gây chứng mất ngủ, giảm trí nhớ, cao huyết áp, béo phì... Quan trọng hơn cả, stress từng bước làm thui chột khả năng tư duy, trí nhớ, khả năng tự kiểm soát, phán đoán, đồng thời dễ làm người bệnh mất niềm tin vào cuộc sống. Thế nhưng, rất nhiều người đã chủ quan khi bị stress “tấn công”.
Nếu những bệnh khác, khi xuất hiện triệu chứng, gia đình thường nhanh chóng đưa người bệnh vào viện, nhưng với bệnh tâm thần thì ngược lại. Nhiều gia đình không muốn công khai việc đó và bản thân người bệnh cũng không chịu thừa nhận. Chính vì vậy, không ít trường hợp đến viện khi bệnh đã bước vào giai đoạn nặng.
“Hiện nay với sự tiến bộ của y học, bệnh tâm thần hoàn toàn có thể chữa khỏi, người bệnh có thể trở lại cuộc sống bình thường. Vì vậy, người bệnh cần được phát hiện sớm, đến các cơ sở y tế điều trị kịp thời. Bất kỳ ai cũng có thể mắc trầm cảm, trầm cảm có thể tái phát, song có thể điều trị khỏi hoàn toàn, tránh được tái phát nếu biết cách dự phòng, sống tích cực” - BS.ThS Vũ Công Nguyên khẳng định./.
Nguyễn Thìn
Từ khóa:
-
Ông Nguyễn Văn Khang - Thành công kinh doanh gắn liền với tấm lòng nhân ái
22-11-2024 18:34 22
-
LC Foods nhiều hoạt động lan tỏa yêu thương tới trẻ em nghèo
22-11-2024 18:20 22
-
Ổn định việc làm trao cơ hội và động lực giảm nghèo cho người dân ở Kim Bôi
22-11-2024 18:20 18
-
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
21-11-2024 08:58 53
-
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
20-11-2024 14:36 55
-
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
19-11-2024 19:05 09
- Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
- Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
- Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới